CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:15

World Cup - món nợ đời của Messi

 
Hai tuần trước khi vòng loại World Cup 1970 diễn ra, Tổng thống Argentina lúc bấy giờ Juan Carlos Ongania buộc Chủ tịch Liên đoàn bóng đá nước này là Armando Ramon Ruiz từ chức. Bộ sậu của Ramon Ruiz rời bỏ nhiệm sở theo ông, bao gồm cả HLV trưởng Humberto Maschio. Người được bổ nhiệm thay thế Maschio, sau đó là Adolfo Pedernera đã phớt lờ những cảnh báo thể lực liên quan đến độ cao tại Boliva và Peru. Ngày ấy, ba đội Nam Mỹ lại được chia vào một bảng, đá vòng tròn hai lượt để chọn đội dẫn đầu đi World Cup.
Argentina đã thua cả hai trận đấu trên sân khách. Và dù thắng Bolivia trên sân nhà, trận hòa 2-2 ở cuối vòng loại khiến họ phải dâng tấm vé dự World Cup 1970 cho Peru. Một lần sóng chỉ trích ập tới đội tuyển, cả về cung cách chuẩn bị cho giải đấu lẫn cách vận hành đội tuyển. Hậu vệ Roberto Perfumo nói: "Cầu thủ Argentina đã mất đi niềm vui chơi bóng. Các tuyển thủ đợt này đã biết trước số phận của họ: lên tuyển và bị chế nhạo".
Gần nửa thế kỷ sau, thảm cảnh phải ngồi nhà xem World Cup đang tái hiện trước mắt Argentina. Nếu điều đó xảy ra, đấy sẽ là một kết cục rất buồn cho một dàn cầu thủ vốn được gọi là "thế hệ vàng" của bóng đá nước này, với những Sergio Aguero, Gonzalo Higuain, Angel Di Maria, Javier Mascherano và tất nhiên, Lionel Messi.
Khi trận chung kết Copa America 2016 với Chile khép lại bằng loạt sút luân lưu, Messi ôm đầu rồi nhìn lên trời. Đồng đội cố đến an ủi, và anh bật khóc. "Tôi chưa bao giờ thấy anh ấy suy sụp đến như thế", Aguero - người bạn thân đã ở cạnh Messi suốt 14 năm qua - cho biết.
Messi đang có cả thảy 30 danh hiệu cùng với Barcelona, nhưng anh chưa giành một chiến tích nào cùng đội tuyển quốc gia Argentina. Anh làm mọi cách để kéo Argentina vào các trận chung kết, nhưng cứ đến thời khắc quyết định thì luôn có một bàn tay vô hình nào đó ngăn anh lại. Copa America 2016 là trận chung kết thứ tư mà Messi thất bại cùng với Albiceleste. Quá suy sụp, Messi tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia ngay trong đêm.
Nhưng đúng như đa số dự báo, cuộc giã từ ấy chỉ kéo dài mấy tháng. Khi cả đất nước Argentina gào tên Messi, khi Wold Cup 2018 cho anh một cơ hội nữa để trả món nợ với quốc gia, Messi xỏ giày trở lại. Thế rồi bây giờ, anh đối diện với một bi kịch mới: Argentina có thể không vượt qua nổi vòng loại. Đấy là một sự sỉ nhục đối với một trong những nền bóng đá giàu truyền thống bậc nhất hành tinh và đang sở hữu một dàn cầu thủ chất lượng bậc nhất.
 
Danh hiệu, từ lớn đến bé, luôn ngoảnh mặt với Messi trong màu áo Argentina.
 
Brazil và Argentina từng xem việc vượt qua vòng loại World Cup là điều đương nhiên. Brazil chỉ một lần vắng mặt ở các vòng chung kết World Cup là năm 1930, khi World Cup lần đầu tiên được tổ chức. Argentina thì vắng một lần vào năm 1970, khi cuộc can thiệp quá sâu của chính quyền đẩy đội tuyển vào tình trạng rối ren. Nhưng bây giờ, nếu Argentina không thể phó hội tại Nga hè sang năm, công chúng sẽ chĩa mũi dùi nhiều nhất vào cái tên quen thuộc: Messi.
Chỉ cần thắng trận đấu cuối cùng, Argentina vẫn chắc chắn có tấm vé dự play-off. Và đối thủ sau đó New Zealand có lẽ không phải là một cái tên quá đáng ngại. Nhưng sự trầy trật, tan tác ở Argentina hiện nay cho thấy cái gọi là Messidependicia (Hội chứng phụ thuộc Messi) từ rất nhiều năm qua chỉ ngày một nặng thêm, chứ không hề thuyên giảm.
 
Argentina sở hữu nhiều cá nhân kiệt xuất, đáng mơ ước với nhiều ĐTQG khác, nhưng họ lại lệ thuộc vào Messi.
 
Brazil cũng có lúc đẩy trọng trách lên vai Neymar, nhưng họ đã vượt qua điểm yếu ấy để trở thành đội tuyển đầu tiên trên thế giới lấy vé đến Nga. Với một dàn hảo thủ như Neymar, Philippe Coutinho, Gabriel Jesus... Brazil lại trở thành ứng viên sáng giá cho chiếc Cup vàng thế giới.
Còn Argentina vẫn chìm trong vũng lầy của Messi. Anh là điểm mạnh, nhưng cũng là điểm yếu của một đội tuyển tràn ngập tài năng nhưng chỉ biết dựa vào một người. Ở cả Barca lẫn Argentina, Messi đều là ông chủ. Nhưng ở Barca, anh được hỗ trợ tối đa để tỏa sáng. Còn ở Argentina, anh phải làm tất cả: săn bóng, chuyền bóng, tạo dựng lối chơi, kiến tạo và ghi bàn.
Những ngôi sao như Higuain, Lavezzi, Aguero, Di Maria, Gaitan... đều là trụ cột tại CLB của họ. Nhưng khi về Argentina, họ lập tức trở lại với thói quen... xả hơi, vì đã có Messi lo mọi việc. Khi Argentina thắng, đấy là chiến thắng của Messi. Khi Argentina bại, đấy là lỗi lầm của Messi. Sự tôn sùng thái quá biểu tượng của đội tuyển rốt cục đang gieo sầu cho 43 triệu dân ở một quốc gia cuồng tín bóng đá.
Argentina chưa thể vô địch thế giới kể từ lần cuối vào năm 1986, và họ không giành nổi một danh hiệu nào kể từ 1993. Suốt mấy chục năm, Argentina đi tìm một Diego Maradona mới, và hành trình đầy áp lực ấy đã giết chết biết bao cầu thủ giỏi. Trong lòng các CĐV Albiceleste, họ vừa muốn tìm ra lại vừa không muốn nhân vật ấy xuất hiện. Vì ai cũng yêu Maradona và không bao giờ muốn hào quang của anh phai nhạt. Thế nên, thay vì hồ hởi khi sau hàng chục cái tên mặc áo số 10 thất bại, rốt cục Messi cũng đã xuất hiện và tỏa sáng, họ lại gieo quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên Messi.
 
Một mình Messi nỗ lực, trong khi phần còn lại chơi như đeo đá vào chân, là không đủ để Argentina bay cao như khả năng vốn có của họ.
 
Sức ép ấy đang làm Messi ngạt thở. Anh đã ghi bàn nhiều hơn bất kỳ ai, đã kiến tạo nhiều hơn bất kỳ ai kể từ lần đầu tiên khoác áo đội tuyển. Nhưng khi Argentina thất bại, anh đều bị đưa lên dàn thiêu. Người ta đổ cho Messi làm Argentina thua các trận chung kết mà quên mất anh là người mang họ đến đó. Thế nên, khi thua đến trận chung kết thứ tư cùng Argentina vào năm ngoái, Messi đã muốn từ bỏ.
Khi Messi rút lại ý định giã từ đội tuyển, anh biết sau tất cả, mình vẫn mang trọng trách với chính bản thân. Anh biết để có chỗ đứng bất tử trong lịch sử cạnh Maradona hay Pele, mình vẫn phải có một chiếc Cup cùng đội tuyển, mà tốt hơn cả là Cup vàng thế giới. Cristiano Ronaldo, người vẫn so kè quyết liệt với anh danh hiệu cầu thủ hay nhất thế giới, cũng đã kịp vô địch Euro cùng Bồ Đào Nha.
Sự khác biệt là các đồng đội của Ronaldo chiến đấu ở trận chung kết ngay cả khi anh phải sớm rời sân vì chấn thương. Còn Messi thì phải chiến đấu thay phần tất cả khi đồng đội anh còn khỏe mạnh. Ronaldo đứng một mình ngoài đường piste với ống chân băng bó, nhưng anh chẳng cô đơn. Messi chạy cùng các đồng đội giữa một sân bóng hô vang tên anh, nhưng Messi lại tự thấy cô độc.
Khi World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, Messi đã 35 tuổi. Thời gian rốt cục cũng đã đuổi kịp anh. Và vì thế, World Cup 2018 gần như là cuộc hò hẹn ở đỉnh cao cuối cùng của Messi trong màu áo đội tuyển. Ấy thế mà bây giờ Messi thấy anh đang đứng đối mặt với nguy cơ lỗi hẹn.
 
Messi từng tiến rất gần đến chiếc CUp vàng thế giới năm 2014, nhưng lại lỗi hẹn khi cùng Argentina gục ngã ở hiệp phụ trận chung kết.
 
Messi tạo niềm vui cho cả một quốc gia, nhưng bị quốc gia ấy làm cho buồn bã. Những slogan đã được giăng lên trên đường phố Buenos Aires: "Đừng bỏ cuộc, Leo". Argentina đang đứng trước viễn cảnh lỡ hẹn với World Cup, nhưng người hâm mộ rốt cuộc chỉ gọi tên một mình Messi.
Món nợ đời ấy, bao giờ anh mới trả xong?

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh