THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:17

Chàng trai khuyết tật đỗ 3 trường đại học

 

Tuổi thơ không êm đềm

Gặp Nguyễn Thanh Lâm ở Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu vừa diễn ra tại Hà Nội, điều khiến tôi để ý đến Lâm không phải dáng hình của một người khuyết tật, mà ở anh toát lên một nghị lực phi thường, sự lạc quan và lòng đầy nhiệt huyết.

 

Nguyễn Thanh Lâm tại hội nghị Biểu dương người khuyết tật lần thứ V.

 

Là con trai cả trong gia đình có 5 anh chị em. Khi mới sinh ra Lâm cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng thật trớ trêu, mới gần 1 tuổi, trong một trận hỏa hoạn, Lâm đã bị ngọn lửa “nuốt chửng” hai bàn tay và nửa bàn chân trái. Lên 5 tuổi Lâm bắt đầu cảm nhận được sự thiệt thòi của mình, đó là sự khác biệt giữa mình và bạn bè. Cậu bé thấy buồn khi hằng ngày chỉ biết dõi ánh mắt theo các bạn, nhìn các bạn chơi đùa và tập viết những nét chữ đầu tiên. “Ngày ấy, dẫu còn nhỏ tôi đã tự hỏi mình rằng tại sao các bạn có đủ hai bàn tay, còn mình thì không ? Cứ tự hỏi và lại khóc thầm, nhưng vì khao khát được học cái chữ mà tôi nhủ mình phải tập viết cho bằng được...”, Lâm kể.

Nhớ về ký ức tuổi thơ gian khó, Lâm kể rằng, anh đã dùng khuỷu tay kẹp cục than, lấy hết sức để điều khiển nó và tô vẽ nguệch ngoạc trên sân, thềm nhà. Nhiều lần chán nản, muốn buông xuôi, nhưng rồi nghĩ đến hình ảnh các bạn háo hức chuẩn bị cho những năm học đầu đời, Lâm lại có thêm động lực để cố gắng. Thương con, ba mẹ của Lâm đã nghĩ ra một dụng cụ hỗ trợ tập viết, đó là cái ống làm từ hộp nhựa. “Tôi bắt đầu viết những chữ cái đầu tiên với người thầy chính là mẹ. Tôi say mê những vần ê, a và tập viết cho đến khi hai đầu tay đau nhói, bật máu mới chịu ngừng. Cuối cùng mọi nỗ lực của tôi cũng được đền đáp. Tôi được đến trường đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình phổ thông như các bạn cùng trang lứa”, Lâm nói.

 Chinh phục ước mơ

Năm 2000, Lâm tốt nghiệp PTTH và đau đáu ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng thời điểm đó ba của Lâm bị bệnh nặng, kinh tế gia đình khó khăn, sự phân tâm cũng là một phần khiến Lâm thi trượt đại học. Sau bao đêm trằn trọc suy nghĩ, Lâm từng từ bỏ ước mơ vì thương ba mẹ quá vất vả để lo cho mấy anh chị em có bữa ăn hằng ngày. Nhưng sau đó Lâm lại nghĩ rằng cần phải học để sau này không là gánh nặng cho gia đình và xã hội, Lâm lại lao vào ôn luyện và cùng lúc thi đậu vào ba trường, sau đó anh chọn học ngành môi trường của trường ĐH Đà Lạt.

 

 

 Dường như mọi ký ức ùa về, im lặng trong giây lát, Lâm kể tiếp: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở về quê với mong muốn tìm được công việc phù hợp với bản thân. Nhưng điều đó cũng không hề dễ. Thời điểm đó, tôi hào hứng cầm tấm bằng đại học đi xin việc, nhưng đến đâu cũng nhận được những ánh mắt ái ngại. Có người hỏi thẳng rằng “mất cả hai bàn tay thì cháu làm được việc gì?”. Nói thật, lúc ấy tôi thấy nản, nhưng những suy nghĩ đó cũng qua nhanh. Tôi nghĩ khó khăn nhất là việc học thì mình đã làm được, giờ thì phải làm gì đó để chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi “tàn nhưng không phế".

Thế rồi, để nuôi sống bản thân, Lâm đã trải qua đủ nghề, từ dạy kèm, bán vé số… Đến tháng 8/2007 thì  Nguyễn Thanh Lâm được nhận vào làm việc tại Văn phòng UBND xã Hòa Thắng, khởi đầu cho sự nghiệp mà anh biết nó không hề dễ dàng với người khuyết tật. Thời gian làm việc tại xã, Lâm đã rất cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Tháng 8/2012, anh được điều chuyển sang công tác tại Ban Tư pháp của xã với nhiệm vụ  giải quyết đơn thư và tuyên truyền pháp luật. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cùng với những nỗ lực của bản thân, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Nguyễn Thanh Lâm bật mí “đã tìm được một nửa cho riêng mình”. Đó là điều anh không dám nghĩ nhưng nó lại chợt đến như trong câu chuyện cổ tích.

 “Người con gái ấy sẵn sàng bỏ qua mọi lời dèm pha, sự ngăn cấm của gia đình để đến với tôi. Sẽ không dễ dàng nếu như cô ấy không yêu tôi thật lòng. Tôi cũng muốn nhắn gửi đến những bạn có đồng cảnh ngộ là đừng bao giờ đầu hàng số phận. Các bạn hãy nỗ lực bằng tất cả sức lực của mình, có công mài sắt sẽ có ngày nên kim”, giọng Nguyễn Thanh Lâm đầy tự tin.  

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh