Nghề công nghệ thông tin: Cơ hội việc làm cho NKT
- Công nghệ mới
- 13:20 - 10/10/2015
Trước đây, NKT được đào tạo các ngành nghề chủ yếu, như: Làm thợ thủ công, văn phòng phẩm, xoa bóp, bấm huyệt… với mức thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại nhiều cơ hội cho NKT trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm.
Học CNTT mang lại cho người khuyết tật nhiều cơ hội việc làm.
Theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT Hà Nội: "Chương trình Đào tạo CNTT (ITTP) hợp tác với các cơ sở đào tạo đang mở rộng cơ hội việc làm cho thanh niên khuyết tật trên cả nước. Dự án cũng giúp các trường học thiết lập liên kết với các tổ chức NKT và các doanh nhiệp tư nhân để cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng mềm và chuẩn bị việc làm, cơ hội việc làm cơ bản cho sinh viên khuyết tật. Qua đó, để chứng minh rằng CNTT và truyền thông (ICT) có hiệu quả lớn trong việc xóa bỏ các rào cản đối với người khuyết tật”.
Bà Yu Jeong Kwon, đại diện Hiệp hội phục hồi chức năng Hàn Quốc, cho biết: “Bên cạnh đào tạo nghề, dự án còn hướng tới kết nối tạo việc làm cho NKT, hướng tới mục tiêu giúp NKT tìm kiếm cơ hội việc làm không chỉ tại các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài. Với kinh nghiệm 60 năm hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho NKT, Hiệp hội phục hồi chức năng Hàn Quốc muốn chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam. Mong rằng, sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ Chính phủ và các cơ quan ban, ngành liên quan”.
Phó hiệu trưởng Trường Estih Nguyễn Thị Mai chia sẻ: Suốt 20 năm qua, nhà trường đã đào tạo được hơn 6 nghìn học sinh chính qui và hơn 4 nghìn chứng chỉ ngắn hạn. Năm 2007, nhà trường thực hiện dự án “Đào tạo CNTT cho NKT”, mục tiêu của dự án là đào tạo và giới thiệu việc làm cho NKT. Do vậy, nhà trường đã kết hợp với các doanh nghiệp từ xây dựng chương trình đào tạo và tuyển dụng. Chương trình đào tạo được thay đổi từng khóa học, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Sau 8 năm triển khai dự án, nhà trường đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho hơn 619 NKT, đặc biệt trên 70% NKT sau đào tạo đã có được việc làm.
Ông Phạm Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng thuộc Hội Người mù Việt Nam trăn trở: đối tượng người mù là một dạng khuyết tật nặng và khả năng tiếp cận nghề với các loại hình nghề nghiệp là rất thấp. Thế nhưng khi họ tiếp cận với CNTT thì họ lại làm rất tốt và hiệu quả. Mặc dù, các trường, các trung tâm cũng đã đào tạo CNTT cho người mù, nhưng rõ ràng những kỹ năng mà nhà trường đào tạo, cũng như các tổ chức khác mới chỉ đang dừng lại ở mức tiếp cận CNTT, là phương tiện để hỗ trợ trong một số hoạt động khác, chứ chưa thực sự đáp ứng được để họ có thể coi kỹ năng CNTT là một nghề để họ có thể cạnh tranh được với những đối tượng khác trong cộng đồng và mang lại lợi ích thực sự cho các tổ chức, doanh nghiệp…
Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên nhấn mạnh, để tăng cường tính hiệu quả của các chương trình, dự án đẩy mạnh đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho NKT cần thêm các chính sách và kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan trung ương và địa phương; cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là nỗ sự lực tiếp cận các cơ hội từ chính gia đình và bản thân những NKT.
Dự án “Đào tạo và liên kết việc làm ngành CNTT cho người khuyết tật” đã đào tạo hơn 1.400 thanh niên khuyết tật (kỹ sư phần mềm, pahts triển và quản trị website, thiết kế đồ họa, họa viên kiến trúc, đào tạo CNTT cho hướng dẫn viên khiếm thị cộng đồng). Với những khóa đào tạo nâng cao, khoảng 60 – 70% học viên đã có việc làm. Có gần 100 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng học viên tốt nghiệp vào các vị trí khác nhau. Nhiều học viên có thu nhập tốt sau khóa đào tạo, một số học viên đạt được vị trí cao với thu nhập cao (hơn 500 đô la Mỹ/tháng); nhiều học viên mở doanh nghiệp và bắt đầu hỗ trợ lại những NKT khác. |