THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Vượng Râu xây đền thờ, hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật

 

Chính quyền xã: ông Vượng không xin phép
Tiếp cận khu biệt phủ của Vượng Râu, ngay từ cổng vào, chúng tôi đã thấy đập vào mắt một ngôi nhà nhỏ treo biển “Đền thờ Tổ nghề sân khấu”. Phía trong đền có bàn thờ, hai bên treo tranh truyền thần hai vị nghệ sĩ. Phía dưới đền là một con hổ nhồi bông để trong lồng kính, tiền lẻ ném tóe loe vương vãi khắp nơi.

Dựng biển “đền thờ tổ nghề sân khấu”
Đặc biệt, tiếp cận ngôi nhà gỗ phía trong, nơi được coi là phủ thờ các vị thánh, quy mô công trình và tính chất tín ngưỡng càng đậm đặc hơn. Phía trong ngôi nhà này còn có: Cung cấm tam vị thánh tổ; Ban tổ nghề đền mẫu Thăng Long; Ban sơn trang đền mẫu Thăng Long…và có nhiều bức tượng đồng, tượng gỗ. Khi phóng viên cho xem hình ảnh những bức tượng này, ông Mai Duy Hùng, Trưởng công an xã Thạch Hòa cho biết đó là các bức tượng Trần Hưng Đạo, Đức thánh Tản Viên Sơn…
Cùng với việc xây dựng đền thờ, cung cấm, dựng tượng, Nguyễn Công Vượng còn tự xưng là “Thủ nhang” của “Đền”. Thông tin người dân phản ảnh cho biết: Vào mùng Một, ngày rằm và nhiều dịp lễ, tết khác, ông Vượng thường tổ chức mở đền, thu hút nhiều người đến thắp nhang, cúng vái, ăn uống, thậm chí tổ chức hầu đồng, hát văn. Riêng từ năm 2015 đến nay, ông Vượng đã hai lần tổ chức “lễ giỗ tổ nghề sân khấu”, thu hút hàng trăm người từ các địa phương khác đến tham dự. Phía ngoài “đền”, Vượng cho dựng khẩu hiệu màu đỏ: “Phủ đền là chốn tôn nghiêm/Nhẹ nhàng để dép ngoài hiên rồi vào”.
Trao đổi với chúng tôi về các công trình này, Luật sư Xuân Bính (Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 92/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo về Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, thì công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải xin cấp giấy phép xây dựng.
Pa-nô vẽ vời sự tích “chùa cổ”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc công trình này có giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng không, ông Tống Quang Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa khẳng định:Việc xây dựng biệt phủ, mang kiến trúc đình, chùa có yếu tố tâm linh này ông Nguyễn Công Vượng chưa từng xin phép và cũng không ai cấp phép vì đất đó là đất nông nghiệp, đã có quy hoạch.
“Thánh nổ” biến ruộng hoang thành “chùa cổ”
“Cách đây hơn 10 năm, diễn viên hài Vượng Râu mua mảnh đất rộng khoảng 1.000 m2. Khu đất này nằm trên địa phận huyện Thạch Thất, cách thành phố Hà Nội 28 km. Khi mua xong, anh mới được các cụ trong làng cho biết, đất này xưa kia là đất cổ tự, thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh”. Đó là thông tin được nhiều bài báo viết khi PR cho “biệt phủ” của Vượng Râu cách đây ít lâu. Và đó cũng là lý do để Vượng dần biến khu đất vô danh của mình thành “đất thiêng”, dựng lên các cơ sở thờ tự.
Trong ngôi “đền” rất nhiều tượng khác nhau
Khi chúng tôi tiếp cận tìm hiểu, ngay tại cổng biệt phủ của Vượng vẫn còn dựng một bức pa-nô lớn màu đỏ, in chữ vàng với những lời thuyết minh “nổ như sấm” về khu đất. Pa-nô viết (những chỗ bị rách đọc không rõ chúng tôi để dấu …-PV): “Vọng Phủ Thiên Trường đền Trần Thăng Long – Ngọc Tiên”. Sử tích: Như các cụ cao niên cùng nhân dân trong làng kể lại rằng: Dọc theo cuối con đường đại lộ Thăng Long ngày nay, ngày trước là dải núi Thầy mà xưa kia đức Thánh Từ Đạo Hạnh vẫn vân du ngoạn cảnh nơi rừng mơ bạt ngàn đến tận chân núi Tản. Gò Chùa Thầy đầu rừng mơ xưa kia có ngôi chùa cổ kính, mái đầu đao cong vút với những cây cột lim hàng bốn người ôm không xuể. Sau nhiều biến thiên ba đào và trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc, ngôi chùa cổ đã bị tàn phá nặng nề rồi mất hẳn vào những năm 50 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó là những báu vật thời gian đại Hồng chuông to hàng tấn với hàm lượng vàng rất cao. Vào thế kỷ XVIII, quân Thanh sang xâm chiếm nước ta. Nhân dân sợ quân giặc lấy Hồng Chuông như thời nhà… nên đã vần xuống Đầm rừng mơ (bây giờ là bãi hoang rừng mơ sau lưng ngôi Đền hiện tại vẫn nổi lên màu nước vàng óng nhưng… chiếc chuông người dân không còn xác định được nữa! (tư liệu nhân dân).
Năm 2012, họ Nguyễn Công được bề trên báo mộng chỉ cho chỗ đất Long Mạch gần vị trí Ngôi Chùa cổ cũ để dựng ngôi Đền thờ Phật, Thánh. Với bao nỗ lực và sự…tâm cùng sự động viên sát cánh của Thượng Tọa Thích Trường Xuân, ngày… tháng 2 năm Quý Tỵ 2013, họ Nguyễn Công động thổ lập nên Ngôi Đền theo sự hướng dẫn của bề trên.
Chia làm nhiều ban thờ
Nay với sự tài hèn sức mọn, đầu xanh…trẻ ăn chưa sạch, bạch chưa thông. Nhưng được sự tiếp phúc hỗ trợ của các …và các Chư Tôn Đức cùng dòng họ Chu Đình, các Mạnh Thường Quân, nghệ nhân các tỉnh thành cùng dân thôn bản hạt…Với bao nỗ lực và sự đưa đường chỉ lối của Phật Thánh mà họ Nguyễn Công tôi đã tu thiết, lập nên Ngôi Đền Trần Trần Thăng Long – Ngọc Tiên” trang nghiêm cổ kính – Tố linh, tố hảo. Trước là cầu mưa thuận gió hòa – Quốc thái dân an, sau cầu các cấp chính quyền, dân thôn bản hạt được hưng long khang thịnh – phúc lộc đề đa.
Vậy là từ đây, ba mươi, mồng một hôm rằm nhân dân trong làng ngoài xã có chỗ để vãn cảnh chiêm bái gần thắng tích cũ để mà cầu phúc cầu tài âu cũng là cái duyên tiền định!
Ông Nguyễn Công Vượng tự nhận mình là “thủ nhang” của Đền
“Thiên Trường vọng phủ ở xứ Đoài
Thạch Hòa tụ khí Trấn Thiên Tai
Thăng Long hưng thịnh ngàn năm lẻ
Thạch Thất trường tồn mãi Thôn Hai”
Bản “sử tích” lai căng, phi văn hóa
Đọc bản “sử tích” trên, có lẽ không cần đến những nhà văn hóa cũng đủ nhận ra sự lai căng, phi văn hóa, lẫn lộn kim cổ và có nhiều sáo ngữ, cài đặt nhiều nội dung có tính chất mê tín dị đoan. Ngay cái tên “Vọng Phủ Thiên Trường Đền Trần Thăng Long – Ngọc Tiên” nghe đã “thập cẩm” nhưng lại rất… Vượng Râu khi nó kết hợp giữa các vùng đất tên huyện Thiên Trường, tên làng Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng) quê Vượng ở Nam Định với vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Và phải chăng vì Nam Định có Đền Trần nổi tiếng nên Vượng muốn ngụ ý ngôi đền do ông ta tự xây cũng là một “Đền Trần” mang hồn cốt cái làng Ngọc Tiên, cái phủ Thiên Trường quê ông ta. Vượng dẫn “nguồn tư liệu nhân dân”, “các cụ già trong làng” mà không có cơ sở theo sử sách nào, cũng chẳng rõ vị thiền sư Từ Đạo Hạnh năm xưa dựng ngôi chùa tên gì, Hồng Chuông đúc năm nào?
Hài hước hơn, Vượng còn gán ghép mảnh đất vườn của nhà ông Nguyễn Văn Tiến “gần ngôi chùa cổ” đã mất dấu tích. “Bá đạo” hơn, Vượng nổ mình được bề trên “báo mộng”, chỉ dẫn xây dựng “Đền”. Chi tiết này đã bộc lộ cái phông văn hóa của Vượng Râu khi không phân biệt được đâu là Chùa, đâu là Đền, đâu là phủ. Nếu là dựng lại chùa cổ thì Vượng phải thờ Phật theo đúng dòng tôn giáo của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sao lại… “chuyển kênh” sang dựng “Đền Trần”. Còn nếu đã dựng “Đền Trần” thì sao lại gán ghép cả “tổ nghề sân khấu” cùng tượng Bác Hồ, tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào?
Rõ ràng qua bản thuyết minh trên đã bộc lộ ý đồ của Vượng là xây dựng ở đây một ngôi đền có tính chất hoạt động tôn giáo, thu hút người dân trong làng và nhiều địa phương khác đến thờ cúng. Việc làm này chẳng những vi phạm các qui định của pháp luật mà còn khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây cũng là cách Vượng muốn “cộng đồng hóa”, “thần thánh hóa” khu đất nông nghiệp với nhiều công trình xây dựng trái phép của ông ta. Và trong bối cảnh khu đất đã được quy hoạch nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tới đây nếu bị thu hồi thì với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được hàng loạt báo mạng “thổi” trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng này, Vượng có thể gây sức ép đối với cơ quan quản lý trong giải phóng mặt bằng, bồi thường công trình trên đất?(!).
Thu hút nhiều người từ các nơi về hội họp, thờ cúng
Trái ngược với những khẳng định của ông Vượng về sự tích khu đất rồi “nguồn tư liệu nhân dân”, “các cụ già trong làng kể”, khi chúng tôi trao đổi với ông Tống Quang Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa phụ trách mảng văn xã và ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch MTTQ xã thì cả hai ông đều khẳng định: Toàn bộ khu đất xã Thạch Hòa trước kia chỉ là rừng hoang. Chưa hề có tài liệu hay cơ sở nào, kể cả truyền thuyết trong nhân dân về ngôi chùa cổ gắn với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cho nên, thông tin ông Vượng nêu là không có cơ sở.
Cần phải nói thêm rằng, như chính lãnh đạo địa phương cho biết, xã Thạch Hòa từng diễn ra điểm nóng về truyền đạo trái phép việc thì để mọc lên  những công trình có tính chất tín ngưỡng, tôn giáo không phép  mà ông Nguyễn Công Vượng thực hiện đã kéo dài hai năm, huy động nhiều người dân địa phương tham gia, ủng hộ song chính quyền không nắm được là một điều không thể chấp nhận.
Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan an ninh sớm vào cuộc xác minh, làm rõ việc xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng nói trên, xử lý nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh