THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:52

Vươn lên thoát nghèo nhờ trồng sầu riêng

Vợ chồng anh Bo Bo Thương - Mấu Thị Tâm thuộc dân tộc Rắc Lay ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn đã thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2021. Anh Thương tâm sự, trước đây mới lập gia đình kinh tế khó khăn do không có vốn làm ăn. Nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào trồng khoảng 1 héc-ta cây mì, nhưng giá mì rất thấp, khoảng 2.500 đồng/ký nên thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Năm 2014, gia đình chuyển sang trồng thêm 1 sào mía tím. Lúc này cây mía cũng bán được giá ổn định. Có nguồn thu anh mở rộng trồng thêm 1 sào mía nữa, mỗi năm thu nhập được khoảng 45 triệu đồng.Đến năm 2016 địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng sầu riêng theo “chương trình 1609”, nhà nước hỗ trợ đối ứng theo tỷ lệ nhà nước đầu tư không hoàn lại 70% gồm giống cây trồng, phân bón, hệ thống tưới tiêu, còn hộ sản xuất bỏ vốn 30%. Gia đình anh Thương được địa phương hỗ trợ trông 200 cây sầu riêng, anh đã cố gắng đầu tư trồng thêm 400 cây sầu riêng nữa, tất cả là 600 cây sầu riêng (khoảng 3 héc-ta, đất do anh làm tích lũy mua từ trồng mía và cha mẹ để lại).

Nguồn vốn đầu tư thêm của gia đình trồng sầu riêng là từ nguồn anh Thương tích lũy từ trồng mía và vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho đối tượng là hộ nghèo tổng cộng 3 đợt, từ 15 triệu đồng, 50 triệu đồng và 100 triệu đồng (giai đoạn 2022-2025).  Đến nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Thương đã thu hoạch được 3 năm. Mỗi năm thu hoạch khoảng 2-3 tấn, sau khi đã trừ các khoảng chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Thương chia sẻ, cán bộ thôn, xã ở đây rất quan tâm đến hộ nghèo, nhất là các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số vì đời sống đồng bào ở đây còn khó khăn, từ vốn đến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Nên mỗi hộ nghèo ở đây đều có cán bộ thôn, xã được phân công phụ trách hỗ trợ sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Cụ thể là gia đình được tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được đi tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức về cách thức trồng, chăm sóc cây sầu riêng. Nhờ vậy mà đến nay gia đình tôi đã có được vườn cây sầu riêng thu nhập ổn định, gia đình đã thoát nghèo vào cuối năm 2022, dự kiến gia đình tôi cũng thoát khỏi hộ cận nghèo vào cuối năm nay.

Anh Bo Bo Thương ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn đang bón phân chăm sóc vườn sầu riêng.

Anh Bo Bo Thương ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn đang bón phân chăm sóc vườn sầu riêng.

Cũng như gia đình anh Bo Bo Thương, gia đình chị Cao Thị Dinh cũng đã thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2021. Chị Dinh chia sẻ, trước đây gia đình lâm vào cảnh nghèo khó là do chồng bị bệnh mất sớm, một mình chị phải nuôi ba đứa con. Thêm nữa, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 6 sào mì và cà phê. Mà mì và cà phê giá cả có lúc rất thấp, năng suất lại không đạt nên thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt gia đình. Thấy hộ gia đình chị là hộ nghèo có đất sản xuất mà thu nhập bấp bênh, cán bộ thôn, xã đã đến vận động gia đình chuyển đổi cây trồng sang trồng sầu riêng. Chị được mời tham gia khóa tập huấn trồng và chăm sóc cây sầu riêng do địa phương tổ chức. Với kiến thức, kỹ năng tiếp thu được cũng với sự hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, cho hai đợt vay 30 triệu đồng đợt 1 và 50 triệu đồng đợt 2, chị Dinh đã sẵn sàng chuyển dần cây trồng sang trồng sầu riêng. Đến nay, trong 1 héc-ta sầu riêng của gia đình chi Dinh có lứa đã cho thu hoạch, có lứa vừa cho thu bói. Lứa cho thu hoạch đầu vào tháng 7/2023 vừa rồi nhà chị cũng thu nhập được 50 triệu đồng.

Chị Cao Thị Dinh đang bên vườn cây sầu riêng cho quả bói, hy vọng sang năm sẽ cho nguồn thu nhập cao.

Chị Cao Thị Dinh đang bên vườn cây sầu riêng cho quả bói, hy vọng sang năm sẽ cho nguồn thu nhập cao.

Chị Dinh tâm sự, tuy hiện nay nguồn thu nhập từ sầu riêng chưa nhiều, nhưng năm tới chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn vì số cây vào thu hoạch chính năm tới gấp đôi năm nay. Nếu giá cả ổn định như hiện tại thì mức thu nhập mỗi năm 100 triệu đồng từ vườn sầu riêng trong tầm tay. Chính vì với nền tảng phát triển sản xuất ổn định từ nguồn thu nhập sầu riêng mà gia đình chị dinh đã thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2021. Gia đình hiện vẫn còn đang là hộ cận nghèo nên vẫn còn được sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, cùng với nghị lực vươn lên của gia đình để tiến đến thoát nghèo bền vững. Chị Mấu Thị Thúy, cán bộ LĐ-TB&XH xã Sơn Bình cho biết, xã hiện có 1.023 hộ, 3.635 khấu gồm 6 dân tộc: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Chăm và Raglay cùng sinh sống, trong đó dân tộc Raglay chiếm 75% dân số toànxã.Đối với công tác giảm nghèo, qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 của xã hiện nay hộ nghèo còn 307 hộ, chiếm tỷ lệ 30,01%, hộ cận nghèo xã là: 202 hộ, chiếm tỷ lệ 19,75%. UBND xã cũng đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sơn Bình phấn đấu cuối năm 2023 có 127 hộ thoát nghèo:

Ông Tạ Quốc Phong-Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cũng cho biết, được sự chỉ đạo, quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Khánh Sơn cho đến nay UBND xã Sơn Bình đã có sự chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật trên các mặt: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chủ yếu là trồng cây ăn quả, tiêu biểu là cây sầu riêng, bưởi, quýt đường,.. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đáp ứng cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đời sống của nhân dân, nhất là hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có công với cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay ở xã còn 307 hộ, chiếm tỷ lệ 30,01%, xã phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 127 hộ nghèo (giảm 12,64%), còn 180 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 17,37%. Từ đầu năm đến nay, xã rất chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Như hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được cho vay có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Có 17 hộ nghèo được vay ưu đãi với số tiền 750 triệu đồng, 7 hộ cận nghèo vay với số tiền 420 triệu đồng, cho vay các đối tượng chính sách khác 22 hộ với số tiền 890 triệu đồng. Ngoài ra, có 58 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở với số tiền 3,98 tỷ đồng, trong đó có 50 hộ nguồn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 8 hộ nguồn Ngân hàng Vietcombank. Hỗ trợ tiền điện cho 307 hộ nghèo với số tiền gần 102 triệu đồng.

Cây sầu riêng được xem là thế mạnh, là chìa khóa giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

Cây sầu riêng được xem là thế mạnh, là chìa khóa giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

“Có thể nói, việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách về giảm nghèo, an sinh xã hội luôn được xã quan tâm, tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và huy động các nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng xã hội. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, nhiều người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được hỗ trợ, giúp đỡ vượt qua khó khăn để hòa nhập cộng đồng. Nhìn chung các hộ nghèo được UBND xã phân công theo dõi giúp đỡ để thoát nghèo đa số có nhiều hộ chịu khó làm ăn, các mô hình sản xuất cấp cho hộ nghèo đa số các hộ đều chăm sóc tốt. Xã chú trọng tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn với lãi suất thấp, cho vay đúng đối tượng và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Giúp cho các đối tượng cần vay vốn có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế, đẩy mạnh mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương.Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức tuyên truyền rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và giám sát chặt chẽ trong quá trình tổ chức rà soát hộ tại địa phương”- Chủ tịch UBND xã Sơn Bình Tạ Quốc Phong chia sẻ.

                                                                                 

NGỌC MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh