THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn

Sơn Bình xã tỷ phú Sầu Riêng

Những ngày đầu hè tháng 8, trái ngược với thời tiết nóng rát mặt của mùa hè ở thành phố biển Nha Trang, thì xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn đón chúng tôi bằng cơn mưa phùn mát mẻ. Dẫn chúng tôi qua những khu vườn xanh mướt bạt ngàn sầu riêng, anh Tạ Quốc Phong – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, không ngớt lời khi kể về những thành quả mà người dân cũng như chính quyền nơi đây đã đạt được trong những năm vừa qua.

Theo anh Phong, trên địa bàn xã có 3.177 hộ, trên 75% là đồng bào Raglai, trước đây hộ nghèo chiếm đa số nhưng hiện nay toàn xã chỉ còn trên 400 hộ nghèo và cận nghèo. Để đạt được những thành quả đó phải nói đến công tác tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con dân tộc tại chỗ. Trước đây, nhiều hộ dân thiếu cái ăn, cái mặc thì giờ đây đã thoát nghèo thậm chí vươn lên làm giàu từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn - Ảnh 1.

Những vườn cây sầu riêng xanh mướt đêm lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân tại xã Sơn Bình

Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Hoàng Giáo (SN 1970, thôn Liên Hòa) cho biết, nhà anh có trên 3 héc-ta đất, những năm trước đây chủ yếu trồng cây nông sản ngắn ngày như: Lúa, mì, bắp, đậu xanh…thu nhập từ những loại cây trên không đủ để trang trải cuộc sống, nợ nần, thiếu đói triền miên. Không cam chịu với cảnh nghèo đói, anh Giáo đã tiếp thu học hỏi kinh nghiệm những người dân trong thôn cách trồng và chăm sóc cây sầu riêng và các cây nông sản mang lại hiêu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, cam, quýt… "Thấy một số hộ trong thôn, xã làm giàu từ việc trồng nhiều cây Sầu Riêng, tôi quyết định vay vốn để trồng loại cây này. Vườn sầu riêng trồng xen bưởi da xanh đã cho thu hoạch mỗi năm trừ chi phí cũng dư hơn 200 triệu đồng"- anh Giáo chia sẻ.

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn - Ảnh 2.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng gia đình anh Cao Hoàng Giáo đã có thu nhập cao nhờ trồng cây sầu riêng

Cũng theo anh Giáo, có thu nhập ổn định, thoát nghèo từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bản thân anh đã đi vận động bà con trong thôn bỏ thói quen canh tác cũ, có nhiều gia đình mạnh dạn làm theo, mang lại thu nhập cao, cuộc sống từ chỗ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và có tích lũy khá giả. Nhưng cũng còn không ít hộ đồng bào (Raglai) vẫn chưa thay đổi được tập quán canh tác cũ, chưa tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập từ nông nghiệp còn thấp, bấp bênh, còn nhiều hộ gia đình trong thôn cuộc sống còn khó khăn, thuộc diện hộ nghèo.

Sau khi ghé thăm vườn của anh Giáo, chúng tôi tiếp tục được anh Chủ tịch xã làm "hướng dẫn viên" tới thăm những miệt vườn sầu riêng của các tỷ phú trong xã. "Toàn xã có 360 hec-ta sầu riêng, với sản lượng khoảng 2.000/năm, xã Sơn Bình được người dân quen gọi là thủ phủ của Sầu Riêng bởi nơi đây số lượng trồng và thu hoạch lớn nhất của huyện. Theo thống kê địa bàn xã có trên 20 hộ tỷ phú bởi có thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm từ cây sầu riêng. Trong đó có hai tỷ phú thu nhập hơn 10 tỷ/năm từ loại cây này" - anh Phong hồ hởi khoe.

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn - Ảnh 3.

Những ngôi nhà xây kiên cố, kiểu cách bên cạnh những vườn sầu riêng xanh mướt

Đi dọc hai bên đường liên thôn của xã Sơn Bình, thực sự làm chúng tôi choáng ngợp bởi trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những vườn Sầu Riêng tươi tốt, đang tới vụ thu hoạch.

Huyện Khánh Sơn "thay da, đổi thịt" nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Huyện Khánh Sơn nằm ở phía Tây của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khỏng 100 km và thành phố Cam Ranh khoảng 40km. Là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh, với dân số toàn huyện trên 31 ngàn người chủ yếu đồng bào dân tộc Raglai (chiếm trên 65-70% dân số). Vào năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện khá cao, gần 3,6 ngàn hộ. Người dân trên địa bàn huyện nói chung chủ yếu làm nông nghiệp. Đặc biệt, đồng bào Raglai với thói quen canh tác trồng những cây ngắn ngày như: cây lúa, ngô, sắn…nên cuộc sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, những năm trở lại đây với nhiều chương trình chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng sự linh động của các cấp chính quyền sở tại đã làm thay đổi diện mạo ở miền sơn cước Khánh Sơn.

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, trên địa bàn huyện với đặc thù trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 13 dân tộc anh em, sản xuất tập trung vào những cây nông sản ngắn ngày, vì vậy giá trị kinh tế mang lại không cao, dẫn đến thu nhập bình quân trên đầu người còn thấp. Tuy nhiên, những năm trở lại đây nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây nông sản ngắn ngày như: Lúa, bắp, mì…đổi sang trồng những cây công nghiệp và cây ăn quả chủ lực đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay tổng diện tích gieo trồng toàn huyện là 3,5 ngàn héc-ta. Trong đó cây lâu năm trên 3,1 ngàn héc-ta, riêng diện tích cây sầu riêng trên 1,5 ngàn héc-ta). Cây hàng năm gần 350 héc-ta. Sản lượng của các loại cây chủ lực như: sầu riêng đạt trên 3,3 ngàn tấn, chuối trên 4,4 ngàn tấn, bưởi da xanh 118 tấn và cà phê khoảng 732 tấn.

Theo ông Nhuận, UBND huyện đã và đang chỉ đạo các phòng ban liên quan tiếp tục vận động người dân tích cực chuyển đổi thêm nhiều diện cây trồng có thu nhập thấp sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt tập trung vào những cây ăn quả chủ lực, đã có thương hiệu như: Cây sầu riêng, măng cụt, mía tím… Bên cạnh đó các đề án khác như khoanh nuôi, phát triển cây Lồ Ô năm 2020 được chú trọng với tổng diện tích thực hiện 232 héc-ta. Đề án phát triển cây ăn quả Chôm Chôm với tổng diện tích trên 52 héc-ta; Cây bưởi da xanh với diện tích trên 100 héc-ta.

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn - Ảnh 6.

"Ngoài việc đẩy mạnh phát triển các loại cây chủ lực để phát triển kinh tế, địa phương còn chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng tại huyện Khánh Sơn. Năm 2019-2020 có 54 công trình được đầu tư với tổng số vốn trên 120 tỷ đồng bao gồm: 20 công trình đường giao thông, 23 công trình văn hóa thể dục thể thao; 6 công trình trường học; 3 công trình thủy lợi; 2 công trình phục vụ nước sinh hoạt). Chương trình 135 cũng phát huy được hiệu quả khi chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đường nông thôn vào những xã có kinh tế đặc biệt khó khăn. Những công trình hạ tầng cơ sở này đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của huyện và phát huy công năng sử dụng về giao thông đi lại và giao thương, thủy lợi phục vụ sản xuất, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân"-Ông Nhuận phấn khởi cho biết.

Theo số liệu thống kê về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Từ 3,6 ngàn hộ nghèo năm 2016 nay giảm còn 1,8 ngàn hộ năm 2020.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Không chỉ phát huy thế mạnh từ các sản phẩm nông nghiệp đã tạo được thương hiệu, huyện Khánh Sơn còn đang khai mở tiềm năng đê phát triển du lịch nhờ có vị trí đia lý đồi núi thấp, khí hậu mát mẻ, trong lành với nhiều cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ, rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Điểm nhấn nổi bật phải kể đến là thác Tà Gụ ở xã Sơn Hiệp, được ví như "nàng thơ" nghìn năm tuổi bung mình trắng xóa giữa núi đại ngàn hoang sơ. Hay Thác Dốc Quy ở xã Sơn Lâm, khu vực Suối Đá ở xã Ba Cụm Bắc cũng là những địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.

Đổi thay ở huyện miền núi Khánh Sơn - Ảnh 7.

Những đồi thông ven tỉnh lộ 9 khiến huyện miền núi Khánh Sơn trở nên thơ mộng

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận, huyện miền núi Khánh Sơn về mặt địa lý nằm ở vành đai trung tâm du lịch nổi tiếng là hai thành phố Nha Trang và Cam Ranh, nên có lợi thế tạo thành vùng vệ tinh phát triển du lịch cho hai khu đô thị du lịch nổi tiếng, thứ hai là khí hậu Khánh Sơn mát mẻ quanh năm, có nhiều đặc sản nổ tiếng. Vì thế trong tương lai gần, huyện sẽ có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch và có không ít doanh nghiệp đã đến đây khảo sát và nhìn thấy tiềm năng phát triển không xa. Nếu được đầu tư đứng mức về cơ cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa, ẩm thực, tham quan miệt vườn sẽ tạo sự hấp dẫn du khách. Đồng thời sớm phục dựng lại nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai, tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la, hát dân ca, sử thi; phục dựng lễ ăn mừng lúa mới, bỏ mả của người Raglai; khôi phục lại nghề đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, tạo sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng vùng miền. Làm được điều đó chắc chắc sẽ thu hút khách du lịch về đây, tạo thêm sản phẩm đa dạng và phong phú cho ngành du lịch Nha Trang-Khánh Hòa.



MINH GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh