CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:12

Chính sách cho người yếu thế vay vốn phát triển: Mở ra cơ hội để họ làm lại cuộc đời

Chương trình tín dụng thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương hồi gia (ảnh minh họa)

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 15 tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương giai đoạn 2014- 2016. Anh Nguyễn Chí Dũng, sinh năm 1984, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã thực sự tìm lại được ý nghĩa của cuộc đời mình từ chính sách nhân văn này.

Nghiện ma túy từ năm 2003, đã ba lần đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện, tháng 7 năm 2016, Dũng mới được trở về cùng gia đình. Quyết tâm tìm một công việc ổn định để quên đi cảm giác thèm nhớ ma túy, không để mình bị tái nghiện như những lần trước, Dũng được cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội phường giới thiệu về chính sách hỗ trợ vay vốn cho người hồi gia theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Được hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội và Ngân hàng chính sách xã hội, Dũng được chương trình cho vay 20 triệu đồng. Với số vốn có được, Dũng quyết định góp vốn cùng với anh trai mở xưởng đan len gia công tại nhà và hiện công việc đang rất ổn định. Tập trung vào công việc, Dũng gần như không còn thời gian nào rảnh rỗi giao du với bạn bè, nhất là bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường cũ.

Sức khỏe của Dũng cũng dần được cải thiện, lối sống lành mạnh hơn, kinh tế gia đình cũng được nâng lên. Ngoài giờ làm việc, những khi phường có tổ chức các buổi truyền thông hay giao lưu với người hồi gia, Dũng đều tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho mọi người để họ tránh rơi vào con đường ma túy, người nào chưa làm chủ được bản thân thì hãy quyết tâm, cùng với sự hỗ trợ của địa phương và nhà nước, cố gắng vươn lên làm lại cuộc đời.

Trường hợp của Nguyễn Bá Thuật, sinh năm 1985 (Lào Cai),  người đang điều trị thay thế bằng methadone, đã có vợ và 2 con cũng không khác nhiều so với Dũng. Thuật sử dụng ma túy từ năm 2006, đã đi cai nghiện nhiều lần cả ở Trung tâm và tại nhà nhưng đều thất bại bởi bị bạn bè xấu rủ rê và không có việc làm. Đến tháng 10/2013, Thuật đăng ký tham gia điều trị thay thế bằng methadone. Song song với điều trị methadone, anh cùng vợ làm nghề buôn bán mỹ phẩm, tuy nhiên do không có vốn làm ăn nên thu nhập cũng chỉ đủ qua ngày.

Giữa năm 2016, biết được thông tin về chương trình vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh bàn với vợ rồi qua phòng tư vấn tìm hiểu về chương trình. Được sự quan tâm, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương, anh Thuật đã được vay số tiền 30 triệu đồng để đầu tư máy móc phục vụ nghề làm bánh của gia đình bấy lâu nay. Cuộc sống gia đình từ đó đã khấm khá hơn, sức khỏe, tinh thần đều được cải thiện rõ rệt...

Đây chỉ là hai trong rất nhiều những điển hình từng một thời lầm lỗi trở về đã vươn lên làm lại cuộc đời từ chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người yếu thế theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Bộ LĐ-TB&XH cho biết tại một hội nghị diễn ra mới đây tại TP. Đà Nẵng.

Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 15/6/2014 và được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố giai đoạn 2014-2016. Từ hiệu quả chương trình tín dụng đối với những người yếu thế trong xã hội, năm 2017, Quyết định này được triển khai thực hiện trên toàn quốc, mở ra cơ hội cho những hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương có cơ hội vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Được biết, trong năm 2016, 15 tỉnh, thành phố thí điểm thực hiện chương trình đã giải ngân hơn 9.700 triệu đồng cho 377 cá nhân, hộ gia đình vay vốn. Trong đó, chủ yếu là người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người nhiễm HIV. Số ít người bán dâm hoàn lương và hộ gia đình có thành viên là người bán dâm hoàn lương vay vốn. Số vốn được vay chủ yếu được sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm trang thiết bị kinh doanh, buôn bán nhỏ, sinh kế...

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Chính sách cho người yếu thế vay vốn phát triển sinh kế theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng và nhận được sự quan tâm, đón nhận không chỉ của những người yếu thế, gia đình họ mà còn của cả đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ Trương ương đến cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn những khó khăn bởi đa số người yếu thế thường có sức khỏe kém, trình độ học vấn thấp, một số lười lao động. Chưa kể bản thân người yếu thế cũng như gia đình của họ còn nhiều mặc cảm, tự ti, không tự khai báo, đặc biệt là người bán dâm hoàn lương và người nhiễm HIV/AIDS... khiến tỷ lệ giải ngân của chương trình trong nửa đầu năm 2017 còn thấp.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh