THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:34

Vui điệu xòe Thái, nhớ mãi Sơn La

 

 Say lòng cùng ẩm thực vùng cao

 Đường đến Sơn La quả là xa diệu vợi đối với người phương Nam lần đầu ghé thăm, nhưng cảm giác mệt nhọc đã qua nhanh khi chúng tôi được chị Lê Thị Minh Dần, nhà ở Sơn La liên tục gọi điện hỏi han. Cả nhóm tỉnh như sáo cho dù phải “ngủ gà ngủ gật” suốt 8 giờ xe chạy vì vừa nghe chị Dần cho hay, sẽ đãi cả đoàn buổi ăn sáng toàn đặc sản vùng cao. Chị Minh Dần là họ hàng của một thành viên trong đoàn, dẫu chưa hề biết nhau, nhưng  lúc bước chân vào nhà chị, biết chị phải thức dậy sớm lo toan việc tiếp đoàn khách Sài Gòn với những món ăn sáng dân dã, lòng chúng tôi không khỏi cảm động.

 Cả chủ và khách ngồi bệt thành vòng tròn dưới đất rồi cùng thưởng thức cơm nếp đựng trong cóm khẩu, ăn cùng với thịt gác bếp, chấm với chẩm chéo (gồm muối được pha trộn với một ít ớt, xả và mắc khén, hay còn gọi là hạt tiêu rừng). Có lẽ đây là buổi điểm tâm ngon và lạ mà chưa bao giờ chúng tôi được dịp nếm qua.

 Đường lên Tây Bắc quanh co, núi liền núi đẹp như tranh

 Thịt gác bếp nghe nói nhiều nhưng bây giờ mới  tự tay mình xé ra từng miếng nhỏ chấm với chẩm chéo, thịt khô nhưng mềm, không dai như thịt trâu, thịt bò và lúc ăn vẫn ngửi thấy mùi thơm của khói, vị ngọt của thịt và vị hăng hăng của mắc khén, nhai chầm chậm mới thấy tuyệt làm sao. Chúng tôi không còn giữ ý tứ, ăn một cách ngon lành. Các bạn nam khỏe ăn còn cầm thêm vài trái bắp (ngô) luộc và gật gù khen bắp vùng cao ngon hơn với bắp đồng bằng Nam bộ bởi hạt đều, ngọt và rất dẻo.

 

Thịt gác bếp ăn với cơm nếp đựng trong xóm khẩu thật ấn tượng

  Giữa tháng 11 mà thời tiết Sơn La cảm thấy khó chịu khi buổi trưa trời vẫn nóng hừng hực và oi bức, chỉ mát về đêm và vào lúc sáng sớm. Mặc cho nắng, nóng, cả nhóm lại lên xe và quyết định vào tham quan  công trình Nhà máy thủy điện Sơn La thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La cách đó khoảng 30 cây số theo sự hướng dẫn của cậu em Vũ Việt Cường, công tác tại một cơ quan của huyện Mường La. 

Từ xa đi vào đã nhìn thấy đập tràn của thủy điện Sơn La, nằm ở vị trí bậc thang thứ hai trên dòng chính sông Đà, có dung tích hồ chứa trên 9 tỷ m3. Đây là  nhà máy thủy điện đang giữ nhiều kỷ lục ở nước ta, và được xem là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á có công suất 2.400 MW bao gồm 6 tổ máy với tổng mức đầu tư 60 ngàn tỷ đồng.

 

Thủy điện Sơn La- nhà máy thủ điện lớn nhất Đông Nam Á

Trong quá trình thi công dự án thủy điện Sơn La, có trên 20.000 hộ dân, gần 96.000 nhân khẩu của các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phải di dời, đó là con số di dời dân khá lớn so với nhiều dự án khác ở nước ta. Đứng trước công trình năng lượng đồ sộ này, Sơn La như tạo thêm ấn tượng mạnh đối với chúng tôi. Sơn La ngày nay không chỉ  có riêng cảnh đẹp về sông núi vùng cao, của đồi chè Mộc Châu xanh ngát hữu tình mà còn có cả một công trình mang tầm vóc hiện đại bậc nhất.

 

Khách phương Nam thích thú chụp hình kỷ niệm tại Nhà máy thủy điện Sơn La

Người Sơn La hiếu khách chẳng kém người miền Tây nam bộ, cho nên chúng tôi khó mà từ chối lời mời cơm trưa của Cường và các bạn ở huyện Mường La. Chủ nhà đã đặt sẵn tiệc trưa với nhiều đặc sản miền núi. Nhìn các món ăn lạ và được giới thiệu như canh bon (giống như cây bạc hà trong miền Nam nhưng chỉ có ở miền núi và trồng ven suối hoặc trên vùng đất ẩm, bon nấu chung với cá sông Đà tươi nguyên), nộm (gỏi) da trâu, thịt nướng lá chuối, gà đồi, rau rừng luộc … Tất cả làm cho thực khách đến từ miền Nam thấy ưng ngay.

 Lần đầu thưởng thức hương vị Sơn La quả thật không chê vào đâu được. Điều này chẳng phải là do khách sáo, lấy lòng chủ nhà mà vì mùi vị đặc trưng cùng nét văn hóa ẩm thực vùng cao mà chỉ có người Sơn La mới có thể chế biến đúng kiểu, cũng như hướng dẫn cách ăn để người miền xuôi hưởng được cái tinh túy của những món ăn miền núi.

Chỉ vài chung táo mèo, một vài thành viên trong nhóm chúng tôi không quen uống rượu đã ngà ngà say, riêng tôi cũng chợp mắt trong giấc nồng và thấy mình  như bồng bềnh, đang lang thang, dạo chơi giữa sông Đà xanh mát.

Vui điệu múa xòe Thái

Cả nhóm thống nhất không thuê khách sạn mà thích ở homestay. Chúng tôi được giới thiệu nghỉ đêm cạnh nhà cộng đồng thuộc bản Pó, xã Chiềng Ang. Chủ nhà là người có uy tín trong bản, ông Lò Văn Sương đã dành hẳn một căn nhà cho chúng tôi thuê. Trên diện tích khoảng 50 m2, cả nhóm chúng tôi chia nhau ra chuẩn bị chỗ ngủ trong không gian ấm cúng, đoàn kết, lòng có chút vui sắp được tận hưởng cái thú văn hóa nhà sàn vùng cao.

Mặt trời tắt nắng, bản Pó chìm  dần trong màn đêm buông xuống. Thế nhưng hôm nay ngôi nhà của ông Sương sáng đèn và nhộn nhịp từ chiều vì có khách phương xa đến. Ông Sương cho hay, khách  du lịch ở miền Nam ra hiếm khi ngủ lại bản.

 

Chuếnh choáng men rượu cùng cao cùng điệu múa của các sơn nữ

Các anh chị ở Sơn La quý khách Sài Gòn nên đã nhận lời mời của chúng tôi cùng tới dự buổi cơm chiều và cùng thưởng thức văn nghệ do các sơn nữ  biểu diễn. Các anh  Đinh văn Ương, Nguyễn Văn Tuấn,  các chị Lê Thị Minh Dần, Phùng thị Thu Yên cũng gác việc nhà ra chơi với chúng tôi. Buổi cơm chiều toàn dặc sản Sơn La, ngoài các món đã giới thiệu trước đó, trên bàn ăn tối nay có thêm món măng chua. Măng được ủ trong hũ sành vài năm nên mềm và có vị chua rất đặc biệt. Măng chua nấu với thịt gàm thịt vò, xào lòng hay canh cá đều quyện vị thật “bắt miệng”.

Gương mặt đỏ ửng vì không quen uống rượu nhưng vui quá trước ân tình của người vùng cao, khách cứ thế mà uống. Môi đã mềm, rượu đã say, lòng khách phương Nam như lâng lâng cùng tiếng nhạc, điệu múa xòe Thái của các cô gái trẻ trong đội múa bản Pó.  

Ban ngày các cô gái Thái này cũng lên rẫy, lên nương trồng ngô, tỉa lúa và rảnh rỗi là tụ họp nhau lại để tập múa, tập hát những lời ca, điệu múa ca ngợi bản làng. Các cô gái Thái đã được tập tành từ bé nên đôi tay dẻo, đôi chân nhịp nhàng  khiến cho khách Sài Gòn cứ tấm tắc.

 

Đội múa không chuyên nhưng thật đắm say trong lòng lữ khách

Chưa hết rượu táo mèo, rượu ngô, giờ đây giữa nhà lại bày ra bình rượu cần, cái thứ nước chưng cất từ ngô và rượu, tưởng là ngọt và nhẹ đô, nhưng  không quen uống sẽ say đến quên cả lối về.

Đêm đã khuya, bà con trong bản vẫn còn vây quanh ngôi nhà ông Sương vì lâu lâu mới có dịp xem văn nghệ. Mấy trẻ nhỏ được bố mẹ đưa tới, lúc đầu nhút nhát, sau dạn dĩ hẳn, nhập cùng tiếng đàn, tiếng hát và nhún nhảy theo điệu múa của đội văn nghệ, trông thật đáng yêu.

Giấc ngủ đến thật ngon trên bản Pó. Sáng sớm hôm sau, các anh, các chị ở Sơn La lại dành hẳn một ngày nghỉ để tiếp tục đưa nhóm chúng tôi đi tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La,  tự hào giới thiệu cảnh đẹp quê hương vùng cao.

  

Vẻ hiền hòa của hồ Quỳnh Nhai

 Chiếc thuyền làm bằng sắt lướt nhẹ trên lòng hồ mênh mông biển nước, cảnh trí thiên nhiên hai bên bờ như tranh vẽ làm xao xuyến lòng du khách. Ít ai ngờ  đến, dưới lòng hồ sâu này  trước đây từng là nơi trú ngụ của hàng ngàn hộ dân và đã được di dời cho công trình lớn của đất nước. Lòng hồ sông Đà ngày nay đã trở thành điểm đến du lịch tuyệt vời của huyện Quỳnh Nhai. Thuyền đi dưới chân cầu Pá Uôn, có trụ cầu chạm đáy sông được xếp vào trụ cầu cao nhất Việt Nam cũng là một địa danh đáng để tham quan.

 

Một góc cây cầu Pá Uôn, cây cầu lớn nhất Việt Nam

Tấm lòng hiếu khách, thân thiện và cởi mở của người Sơn La dành cho khách Sài Gòn khiến cho lúc chia tay ai cũng bùi ngùi. Hành trình xa nhưng nay như gần lại bởi lúc bên nhau đã “một lần mến, vạn lần thương”.

Đức Liên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh