CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:42

Vua Mạc Kính Cung dùng âm nhạc chữa bệnh trầm uất

 

Đôi nét về chân dung một vị vua nhà Mạc

Vị vua thứ 8 của nhà Mạc là Mạc Kính Cung, con trai thứ 7 của hoàng thân Mạc Kính Điển, là cháu nội của vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải).

Mạc Kính Cung được Mạc Đôn Nhượng đón từ châu Văn Lan về Cao Bằng lập làm vua vào tháng 3 năm Quý Tị (1593), ở ngôi đến tháng 5 năm Ất Sửu (1625), tổng cộng được 32 năm với một niên hiệu là Càn Thống. Do đó sử sách có khi ghi tên họ thật hoặc ghi là Càn Thống đế hoặc ghi theo tước hiệu triều Mạc từng đã phong cho ông là Đôn Hậu vương.

Khi lên ngôi, Càn Thống đế chọn Cao Bằng làm căn cứ chính để tranh đấu với nhà Lê, ông đã cho đắp thành lũy tại Cao Bình, dựng Ly Cung ở gò Đống Lân (nay thuộc xã Hưng Đạo,huyện Hòa An) làm kinh đô.

                                                     Buổi thiết triều của vua Mạc Kính Cung

Sử sách triều Lê, Nguyễn khi viết về ông dùng những từ như “ngụy hiệu”, “tiếm hiệu”, “tiếm xưng” để chỉ việc Càn Thống đế không phải là vua chính thống. Theo truyền tụng và ký ức dân gian tại nhiều vùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn… ông đã làm nhiều việc như mở trường dạy học, mở khoa thi, thu dụng nhân tài, khuyến khích phát triển nông tang, thương mại, sửa sang và xây dựng nhiều thành trì, đồn lũy tạo được những nền tảng vững chắc trong hơn 30 năm.

Sử cũ cũng phải thừa nhận địa bàn hoạt động của Càn Thống đế “ở quãng Thái Nguyên, Yên Quảng và Lạng Sơn hơn 30 năm, hễ quan quân tiến đánh thì chạy, trốn, khi quân rút về, lại hô hào nhau tụ hợp như cũ” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Điều đó cho thấy ông hùng cứ cả một vùng rộng lớn, với phương sách khéo léo, uyển chuyển, tránh đối đầu trực tiếp nhưng không từ bỏ quyết tâm của mình.

Trị bệnh trầm uất bằng những điệu hát then

Hát then là một thể loại ca nhạc truyền thống mang tính tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng ở dạng trường ca thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc hoàng thượng đế giải quyết một vấn đề gì đó cho người cầu khấn.

Lời hát theo hình thức diễn xướng tổng hợp với nhạc cụ chủ đạo là đàn tính, các điệu múa, hành động biểu diễn để thể hiện nội dung câu hát với nhiều tình huống khác nhau, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...

Thời Mạc Kính Cung giữ đất Cao Bằng, cố gắng khôi phục gây dựng lại vị thế của vương triều, nhưng vì lo lắng trước các cuộc tấn công của quân nhà Lê – Trịnh, thắng ít thua nhiều nên tâm trạng có lúc bi quan, chán nản, lâu ngày dẫn đến bệnh trầm uất.

Để an ủi, chữa trị cho vua, một vị quan trong triều đã nghĩ ra cách dùng âm nhạc, ca múa. Vị quan đó là người dân tộc thiểu số tên là Bế Văn Phùng, quê bản Vạn, xã Bế Triều, châu Thạch Lâm (nay thuộc Cao Bằng) đỗ tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598), khoa thi thứ 2 của nhà Mạc thời cát cứ.

Bế Văn Phùng vốn là người giỏi khoa chiêm tinh, thạo về lý thuyết âm dương, lại rất thạo ca múa nên sau khi đỗ, được giữ chức quan Tư Thiên quản nhạc, đã sáng tác nhiều thơ văn như Tam nguyên  luận, Trung nguyên luận, Thượng nguyên tuần, sách giáo nam, giáo nữ…

Ông có người bạn tâm giao là  Nông Quỳnh Văn (tức Bế Văn Noọng) được coi là tổ sư của giàng (bụt) với cây đàn tính tẩu hai dây sáng tác nhiều thơ ca, trong đó có bài "Tứ quý hồng nhan" nói về tâm tư kẻ sĩ có tài trong cảnh loạn ly không tìm được minh quân cứu đời.

Theo Báo phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh