TPHồ Chí Minh: Trung tâm điều trị bệnh nhân HIV đang… quá tải
- Sức khỏe
- 14:41 - 16/10/2015
Số người bệnh cần được điều trị tăng cao
Trong lúc vấn nạn quá tải các loại bệnh mạn tính, chấn thương và sản nhi thành phố vẫn chưa tìm được lối thoát thì một mối nguy mới từ bệnh nhân HIV/AIDS lại xuất hiện.
Trong 6 tháng đầu năm 2015,toàn thành phố phát hiện 765 trường hợp nhiễm mới HIV, 450 trường hợp chuyển sang AIDS, 100 trường hợp tử vong vì HIV/AIDS. Hiện tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới đang gia tăng, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục (58%) vượt mức lây nhiễm qua đường máu.
Trẻ nhiễm HIV được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ Linh Xuân, Thủ Đức
Tại hội thảo bàn các giải pháp phòng chống HIV tổ chức ngày 14/10, BS Tiêu Thị Thu Vân, Chánh văn phòng Ủy ban Phòng, chống AIDS, thành phố, cho biết: Đến năm 2017, ước tính sẽ có khoảng 51 000 người tại TPHồ Chí Minh nhiễm HIV. Hiện có 25 000 bệnh nhân đang đăng ký điều trị băng thuốc kháng vi rút (ARV) tại 31 trung tâm. Bệnh nhân đông khiến các cơ sở điều trị đang rơi vào quá tải.
Trong bối cảnh đó, thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người đang điều trị ARV đạt dưới ngưỡng lây nhiễm. Dự kiến, 2 năm tới thành phố sẽ nâng số cơ sở điều trị ngoại trú ARV lên 60 trung tâm, nhưng số bệnh nhân cần điều trị sẽ lên tới 44 nghìn ca. Bệnh nhân quá đông sẽ khiến các trung tâm điều trị ARV không đủ sức tiếp nhận và điều trị.
Để giải quyết khó khăn trên, bắt đầu từ năm 2016, thành phố sẽ đề nghị các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện cùng các cơ sở y tế tư nhân, trại giam tham gia vào công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Mặc dù HIV đã được xem là loại bệnh mạn tính, tuy nhiên để đưa bệnh nhân nhiễm HIV vào cơ sở điều trị cùng các bệnh lý khác sẽ là vấn đề không đơn giản bởi sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng vẫn còn rất nặng nề.
Gian nan chống kỳ thị người nhiễm HIV
Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Mục tiêu đặt ra là không còn người bị nhiễm HIV đối mặt với hội chứng suy giảm miễn dịch và tử vong. Để đạt được sự kỳ vọng trên, trước mắt Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang nỗ lực để đạt mục tiêu “3 không” gồm: không còn người nhiễm mới HIV; không còn người chết do AIDS; không còn kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Cuộc chạy đua để chấm dứt đại dịch AIDS đang gặp nhiều khó khăn
Tuy chưa có nghiên cứu chính thức, song một số khảo sát ở các nhóm dân cư cho thấy sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn rất nặng nề. ThS Đỗ Xuân Thụy (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) dẫn số liệu minh chứng: Năm 2013, thái độ cư xử đúng của học sinh ở khu vực Tây Bắc liên quan đến vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chỉ đạt 30%. Năm 2014, một khảo sát khác trên nhân viên y tế thôn bản tại tỉnh Yên Bái, Thái Bình cho thấy, chỉ có 44,3% trong số người được hỏi có thái độ chung sống “hòa bình” với bệnh nhân HIV/AIDS.
Nguy hiểm hơn, người bị nhiễm HIV tại Việt Nam hiện không chỉ bị người thân, cộng đồng phân biệt đối xử và kỳ thị, mà họ còn kỳ thị với chính bản thân mình. “Kỳ thị và phân biệt đối xử khiến người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn nếu muốn tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống. Điều này đang là trở ngại lớn đối với nỗ lực thực hiện các cam kết liên quan đến HIV/AIDS vốn hữu ích và thiết thực cho cộng đồng người nhiễm HIV và toàn xã hội”, ThS Đỗ Xuân Thụy cho hay.
Để xóa bỏ tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS Nghị định 176/2013 đã ra đời với quy định phạt từ 10 - 20 triệu đồng những hành vi vi phạm liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Dù quyền hòa nhập cuộc sống cộng đồng của người lây nhiễm đã được pháp luật hiện hành bảo hộ, song nỗi ám ảnh của căn bệnh chưa tìm ra được phương pháp điều trị đặc hiệu đã ăn sâu vào ý thức cộng đồng đang gây thêm khó khăn cho nỗ lực kết thúc đại dịch AIDS.