CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:05

Vụ trả tiền lẻ trên QL5: Phản hồi của Thứ trưởng Bộ GTVT

 

Theo các chủ phương tiện tham gia trả tiền lẻ tại trạm thu phí QL5, tuyến đường này được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, chủ phương tiện đã trả tiền duy tu, bảo trì đường. Vì vậy, việc thu phí tuyến này để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là "phí chồng phí”.
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định, việc tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) được Nhà nước giao thu phí trên QL5 từ 2009 là để bù đắp kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không phải để hoàn vốn làm QL5.
Do cao tốc có tổng mức đầu tư lớn (khoảng 2 tỷ USD), trong bối cảnh ngân sách khó khăn, để đảm bảo hoàn vốn đầu tư, Thủ tướng đã có quyết định về một số cơ chế chính sách đặc thù. Trong đó có việc giao cho Vidifi thu phí 2 trạm thu phí trên QL5.
Theo Chủ tịch HĐQT Vidifi Đào Văn Chiến, Vidifi được ngân hàng Phát triển VN (VDB) lập ra để thực hiện dự án với mục tiêu phát triển kinh tế đồng bằng sông Hồng và hoàn toàn không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải đảm bảo hoàn vốn cho Nhà nước.
 

Chủ phương tiện dùng tiền lẻ qua trạm thu phí gây tắc đường trên QL5 hôm 4/9

Việc Chính phủ giao quyền thu phí trên QL5 cho Vidifi được xem như một phương án tạo vốn xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nói đúng hơn là Vidifi thu hộ Nhà nước chứ không phải thu cho nhà đầu tư BOT, ông Chiến khẳng định.
Về việc người dân phản ánh đã nộp quỹ bảo trì đường bộ nhưng phải đóng phí trên QL5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lý giải, mỗi năm cả nước chỉ thu được 5.000-6.000 tỷ đồng trên đầu phương tiện, con số này chỉ đáp ứng 50% kinh phí bảo trì hệ thống đường quốc lộ.
Do vậy, việc sửa chữa QL5 phải lấy từ thu phí từ chính tuyến đường này chứ chưa bù đắp được cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Chủ tịch Vidifi nói rõ, thời điểm Vidifi được giao thu phí tại 2 trạm trên QL5 từ năm 2009, trước thời điểm Quỹ bảo trì đường bộ ra đời 3 năm. Ban đầu Vidifi được thu phí, không phải bỏ chi phí bảo trì, sửa chữa QL5.
Từ khi thu phí QL5 đến năm 2016, Vidifi thu được 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do QL5 xuống cấp nghiêm trọng nên từ 2013 – 2016 Vidifi phải góp vào cùng Bộ GTVT 890 tỷ đồng để sửa chữa.
Từ năm 2016, Bộ GTVT giao trách nhiệm cho Vidifi bảo trì, sửa chữa QL5, hàng năm Quỹ bảo trì chi cho QL5 chỉ có 30 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để thoát nước, vệ sinh, sửa chữa nhỏ.
Từ năm 2016 đến nay, tổng chi phí bỏ ra sửa chữa QL5 khoảng 1.000 tỷ đồng. Cộng với chi phí quản lý, bảo trì 1 năm khoảng 100 tỷ đồng, việc thu phí tại QL 5 chưa hỗ trợ nhiều cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo Chủ tịch Vidifi, với chất lượng QL5 như hiện nay, nếu không sửa chữa đường không thể khai thác trong thời gian tới. Vì vậy, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương cho phép đại tu mặt đường QL5 từ nay đến năm 2020 với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng.
Rất khó giảm phí 
Trước khi xảy ra sự việc chủ phương tiện trả tiền lẻ qua trạm thu phí, giữa tháng 8, đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đã kiến nghị với Bộ GTVT về việc QL5 không có đầu tư mới nhưng mức phí vẫn tăng từ 10.000 đồng/lượt xe cơ sở lên 40.000 đồng và kiến nghị giảm phí.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giải đáp: Mức thu này được tăng theo lộ trình quy định của Bộ Tài chính và đã được tính toán phù hợp với phương án tài chính của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư tăng mức phí đối với xe cơ sở là 45.000 đồng/lượt, xe trên 18 tấn là 200.000 đồng.
Mức phí này sau đó đã được giảm xuống còn 40.000 đồng và 180.000 đồng/lượt.
Khi được hỏi về khả năng tiếp tục giảm phí trên QL5, ông Nguyễn Ngọc Long, Vụ phó Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, việc giảm phí thời điểm này là rất khó, nhất là trong điều kiện các khoản vay ngân hàng được Nhà nước quyết định hỗ trợ chủ đầu tư chưa nhận được.
Để làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngoài việc hỗ trợ 4.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, Nhà nước còn quyết định hỗ trợ 300 triệu USD vay từ NH nước ngoài.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày cả QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu được 5,5 tỷ đồng tiền phí đường, trong khi lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng. Như vậy mỗi ngày số tiền hụt là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ mỗi năm). Áp lực từ lãi vay là rất lớn.
Thứ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh mức phí QL5 giảm từ 5.000-20.000 đồng đã là sự cố gắng của Vidifi để chia sẻ với chủ phương tiện. Nếu giảm phí QL5 nữa, sẽ phá vỡ phương án tài chính hợp đồng BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, và dự án bị ảnh hưởng có nguy cơ đổ bể.
Vidifi đang trình Bộ GTVT xin ý kiến Thủ tướng có chính sách miễn giảm hợp lý cho chủ phương tiện sống gần trạm thu phí để giảm gánh nặng cho người dân.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh