CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:49

Vụ thầy giáo dạy Văn gây tranh cãi khi giảng bài thơ "Sóng", nhiều giáo viên bộ môn lên tiếng: Sai hoàn toàn ý thơ, truyền tư tưởng sai lệch

Thầy Phạm Minh Nhật, hay còn được biết đến tên là "Thầy Tũn dạy Văn" là một trong những thầy giáo nổi tiếng trên mạng xã hội. Mới đây, thầy giáo trẻ này đã xuất hiện trên sóng truyền hình để giảng dạy bài thơ "Sóng" của tác giả Xuân Quỳnh. Đây là bài thơ nằm trong chương trình học của học sinh lớp 12. Thầy Phạm Minh Nhật đã gây ra một luồng tranh cãi lớn khi có cách giảng dạy không phù hợp, bị nhiều người đánh giá là màu mè, lan man.

Không chỉ vậy, thầy còn được cho là đã giảng sai hoàn toàn ý thơ, truyền tải thông điệp "lạc quẻ" so với dụng ý của tác giả. Thậm chí, phân tích của thầy giáo bị đánh giá là "coi thường phụ nữ""truyền bá tư tưởng lệch lạc",...

Bài giảng "gây bão" dư luận của thầy giáo trẻ

Có thể nói "Sóng" là một trong những tuyệt tác để đời của Xuân Quỳnh. Nữ thi sĩ đã mượn hình ảnh ngọn sóng để diễn tả tình yêu của người phụ nữ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: Một tình yêu tha thiết, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son, chung thủy, vượt lên mọi giới hạn của đời người.

Khi phân tích 2 khổ đầu của bài thơ kinh điển này, thầy giáo Phạm Minh Nhật diễn giải như sau: Với 2 câu thơ "Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ", thầy Nhật đã suy ra tính cách con gái khi yêu vô cùng khó hiểu và cho rằng con trai phải tỏ ra lạnh lùng thì mới thu hút được. "Này nhé các chàng trai, đôi khi chúng ta phải lạnh lùng một chút, quan tâm khi cần thiết chứ không phải lúc nào cũng săn đón đã là hay. Đó là sự đặc biệt của tính cách con gái khi yêu".

Bài giảng gây bão của thầy giáo trẻ.

Với khổ thơ thứ 2: "Ôi con sóng ngày xưa - Và ngày sau vẫn thế - Nỗi khát vọng tình yêu - Bồi hồi trong ngực trẻ", thầy giáo lại cho rằng tình yêu không hẳn là sự chung thủy. Để chứng minh điều này, thầy lấy dẫn chứng là các mối tình tan hợp trong showbiz. "Các em đừng bao giờ nghĩ đến tình yêu là nghĩ đến lòng thủy chung. Chúng ta biết về Brad Pitt - Angelina Jolie, mối tình 12 năm, 6 đứa con nhưng vẫn chia tay. Chúng ta biết về mối tình của những ngôi sao nổi tiếng có thể lên đến 9 năm vẫn chia tay. 

Chúng ta sẽ nhận ra rằng vẻ đẹp của khổ 2 không chỉ nằm ở sự thủy chung mà là tình yêu sẽ chiến thắng được thời gian. Chúng ta không phản bội ai, không cắm sừng ai nhưng đôi lúc khi yêu lại cảm thấy chán người ta".

Vụ thầy giáo Văn gây tranh cãi khi giảng bài thơ "Sóng", nhiều giáo viên bộ môn lên tiếng: Sai hoàn toàn ý thơ, truyền tư tưởng sai lệch - Ảnh 3.

Bài thơ Sóng của tác giả Xuân Quỳnh.

Không chỉ vậy, thầy Nhật còn "nhồi" nhiều quan điểm cá nhân và cả những quan điểm yêu đương của giới trẻ ngày nay cho một tác phẩm của thế hệ trước như: "Sông là môi trường nhỏ bé, nó không tìm được hạnh phúc nên phải bơi ra bể lớn. Cho thấy con gái rất chủ động, người con gái thời đại mới". Nhiều người cho rằng thầy đang dạy các nữ sinh cấp 3 một quan điểm sai lệch. Đó là phụ nữ là chủ thể nhỏ bé, không thể tự tìm hạnh phúc nên phải chủ động đi tìm đàn ông? Sự thủy chung không quan trọng trong tình yêu?

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng đồng tình về việc cách giảng bài của thầy quá lan man, không tập trung vào ý chính của bài thơ mà chỉ "đào", "bẻ gãy" các ý nhỏ của bài thơ rồi phân tích theo quan điểm cá nhân của mình.

Người trong nghề có quan điểm ra sao trước bài giảng "gây bão"?

Sau khi xem nội dung bài giảng của thầy Nhật trên sóng truyền hình, cô H. - cựu giáo viên của một trường THPT chuyên nổi tiếng tại Hà Nội, nay đã về hưu tỏ ra khá bức xúc. Cô cho biết: "Thầy giáo này đã giảng sai hoàn toàn ý thơ của Xuân Quỳnh. Lời giảng không hề bám vào nghệ thuật, cái hay trong cách làm thơ của nữ thi sĩ, cũng không bám vào ý tưởng chủ đạo mà chỉ cố bẻ gãy bài thơ, "vặt" nhỏ các từ ngữ rồi phân tích lan man theo hướng sai lệch. Từ một hình ảnh biểu trưng, khát vọng đẹp về tình yêu mà đem suy diễn thành "bí kíp tán gái", rồi xuyên tạc sang những mối tình showbiz".

Nói về cách giảng dạy của thầy Nhật, cô H. nhận xét: "Đây là một sự khủng hoảng diễn thuyết. Tôi thấy thầy giáo này chỉ cố thu hút sự chú ý của học sinh bằng những câu chuyện hoa mỹ mà không thực sự hiểu rõ và truyền tải đúng cho các em cái hay, cái giá trị nhân văn cốt lõi của các tác phẩm văn học. Nói thẳng ra thì thầy giảng hơi buồn cười.

Không chỉ một bài thơ "Sóng" này đâu, tôi mới xem thêm một số bài giảng khác và phát hiện ra thầy giáo này giảng sai khá nhiều. Chẳng hạn như bài Tràng Giang, thầy này cũng giảng sai câu thơ "Con thuyền trôi mái nước song song".

Vụ thầy giáo Văn gây tranh cãi khi giảng bài thơ "Sóng", nhiều giáo viên bộ môn lên tiếng: Sai hoàn toàn ý thơ, truyền tư tưởng sai lệch - Ảnh 5.

Cô T.V - một giáo viên bộ môn Văn, có hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy cũng cho rằng thầy giáo đã giảng sai ý nghĩa chủ đạo của bài thơ kinh điển này và các thông điệp truyền tải cũng không hề phù hợp với đạo đức, quan niệm sống bao đời này của người Việt.

"Thầy dạy phần đầu thì được, có phân tích và nói đúng sự khó hiểu của tính cách con gái. Và đồng ý là nên chủ động trong tình yêu. Tuy nhiên sang khổ 2 thầy liên hệ không được và không phù hợp với đối tượng học sinh và càng không phù hợp với người Việt ta.

Hình ảnh sóng vốn tượng trưng cho nỗi khát vọng tình yêu luôn bồi hồi trong ngực trẻ. Cho dù là thế hệ của Xuân Quỳnh hay thế hệ của lớp trẻ hiện tại thì tình yêu vẫn luôn đẹp và ai cũng có khát vọng tình yêu. Thầy chỉ cần giảng như vậy là được. Và thầy cũng nên lấy ví dụ về tình yêu của những con người trong chiến tranh, những người vợ chung thuỷ chờ chồng đi chiến đấu... Thời bình họ vẫn chung thuỷ dù cách xa nhau hoặc vì điều kiện nên không thể ở bên nhau.

Việc thầy lấy ví dụ về các mối tình 9 năm, 12 năm rồi chia tay là hoàn toàn không phù hợp khi giảng dạy cho các em học sinh. Nếu nói vậy học sinh sẽ nghĩ: Ôi ta chẳng cần chung thuỷ với ai! Lớn lên, các em sẽ hình thành tính cách không tốt trong tình yêu".

Theo cô V., thầy giáo Phạm Minh Nhật nên giảng là trong tình yêu cái quan trọng nhất phải là chung thuỷ. Nếu không có điều đó tình yêu sẽ chết và chẳng còn ý nghĩa. Còn dĩ nhiên vì lí do nào đó không đến được với nhau, không sống cùng nhau nữa là do 2 người đã không còn hợp nhau, không thể nhường nhịn và tiếp tục đi chung con đường.

"Thầy nói vậy là hơi cực đoan và chưa phù hợp với những điều tốt đẹp trong tình yêu của người việt Nam và lạc đề so với ý của tác giả", cô V. nhận xét.

Về việc nhiều người cho rằng, bài giảng của thầy Nhật đã "hạ thấp bài thơ và có ý coi thường người phụ nữ khi họ không tìm được hạnh phúc nên phải tự lao ra đi tìm đàn ông", cô V tỏ ý đồng tình bởi: "Thầy nói chưa được rõ ý đồ của tác giả là người phụ nữ cũng nên chủ động trong tình yêu. Thầy dùng từ chưa được chuẩn".

Vụ thầy giáo Văn gây tranh cãi khi giảng bài thơ "Sóng", nhiều giáo viên bộ môn lên tiếng: Sai hoàn toàn ý thơ, truyền tư tưởng sai lệch - Ảnh 6.

Sau khi bài giảng này được chia sẻ rộng rãi trên mạng, một số nhà văn cũng đã lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Nhà văn Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: "Chả trách gì học sinh chán học văn! Đại thảm họa của dạy văn. Thầy "vặt" các từ như vặt lông gà, lông vịt ấy. Sóng dữ dội. Sóng cồn cào. Sóng dịu êm. Sóng lặng lẽ. Sóng bồi hồi. Sóng da diết. Đặc biệt là sóng tinh tế cơ mà. Sóng đâu có thô tục thế? Sóng ơi là sóng ơi!".

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa cũng lên tiếng: "Khi giảng khổ hai của "Sóng", thầy huyên thuyên về lòng thủy chung của tình yêu, rồi đem mối tình sớm nở tối tàn của các ngôi sao giải trí ra để phủ nhận thì tôi cho rằng khả năng đọc hiểu văn bản của thầy này có vấn đề.

Ở khổ thơ này, nữ sĩ Xuân Quỳnh đưa ra hình ảnh so sánh để khẳng định, rằng khát vọng tình yêu là khát vọng ngàn đời của người trẻ (trẻ tuổi, trẻ lòng). Không liên quan gì đến lòng thủy chung, đến chuyện mối tình hưởng dương hay hưởng thọ ở đây cả" .

Làm thế nào để truyền tải đến cho học sinh những bài học đúng đắn nhất?

Theo cô H. hiện giờ học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước đang học tập qua sóng truyền hình nên việc chuẩn bị các bài giảng cần thực sự kỹ lưỡng. Cô H. cho rằng, trước khi phát sóng các giáo viên cần được tập huấn các phương pháp diễn thuyết, những ngôn từ thích hợp với sóng truyền hình.

Ngoài ra chuyên môn và bài giảng của giáo viên cũng phải được một Hội đồng chuyên gia thẩm định, đánh giá kỹ càng trước khi lựa chọn phát sóng cho học sinh. Ý kiến của cô H. được nhiều giáo viên bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.

Thanh Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh