Vũ 'nhôm' được giúp sức thâu tóm nhà đất công sản Đà Nẵng ra sao?
- Pháp luật
- 15:51 - 03/01/2020
Với số lượng bị cáo lớn cùng bản cáo trạng dài tới 104 trang, buổi làm việc đầu tiên chủ yếu là phần làm thủ tục và công bố cáo trạng cho thấy, các bị can đã sử dụng nhiều chiêu trò để thâu tóm đất công sản tại Đà Nẵng.
Theo báo Tuổi trẻ, trong vụ án này, tại 6/7 dự án bất động sản, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai để chủ động nắm bắt thông tin quy hoạch về các dự án đất, đặc biệt tại các vị trí ven biển.
Bị cáo Vũ đã liên hệ, đề nghị để được các ông Trần Văn Minh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Văn Hữu Chiến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo một số cán bộ cấp dưới tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Bị cáo Vũ được giúp sức nhanh chóng hoàn thành hồ sơ nhận quyền sử dụng đất các dự án này không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở…
Đối với các dự án này, viện kiểm sát xác định hành vi nêu trên của các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền là 19.600 tỉ đồng.
Còn về nhà, đất công sản, theo bản cáo trạng được công bố tại tòa, 15/22 nhà, đất công sản, bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các công ty do ông đứng ra thành lập, góp vốn và điều hành không phải là đối tượng được mua nhà công sản.
Tuy nhiên, bằng những thủ đoạn thỏa thuận với giám đốc một số công ty là các đơn vị thuộc diện đối tượng được mua chỉ định nhà, đất theo quy định để thực hiện. Các đối tượng này sau đó sang nhượng cho Vũ "nhôm" hoặc người thân của Vũ.
Hai cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến đã đồng ý về chủ trương và chỉ đạo các thuộc cấp tham mưu, đề xuất, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo trái pháp luật.
Hành vi của các bị cáo nêu trên đã cùng nhau cố ý thực hiện việc mua, bán nhà, đất công sản trái pháp luật, đã làm trái các quy định… gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tại 22 nhà, đất công sản tổng số tiền hơn 2.400 tỉ đồng.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định đối với các công văn, quyết định do ông Trần Văn Minh ký, ban hành quy định về quy trình, thủ tục bán nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước liên quan đến hành vi phạm tội.
Kết quả xác định việc UBND TP Đà Nẵng ban hành các công văn, quyết định liên quan là không đúng với quy định của pháp luật về sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; trái với quy định của nghị định số 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ và quy định của pháp luật về đất đai, giúp các bị cáo trong vụ án này tùy vào vai trò, vị trí đã lập các hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng nhà, đất trái pháp luật để liên tục giúp Vũ "nhôm" thâu tóm 15/22 nhà, đất công sản trái pháp luật.
Tiếp đó, liên tục trong thời gian dài bị cáo Phan Văn Anh Vũ trực tiếp hoặc thông qua các công ty do Vũ thành lập, góp vốn chi phối và trực tiếp điều hành liên hệ với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng để ban hành những chủ trương, quyết định trái pháp luật, tạo điều kiện thâu tóm, trục lợi từ các dự án đất trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Hai bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và các đồng phạm đã cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật, chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục để giúp Phan Văn Anh Vũ được nhận dự án không qua đấu giá, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất trái pháp luật.
Cáo trạng xác định hành vi của 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng cùng đồng phạm đã giúp Vũ "nhôm" thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Cũng trong ngày xử đầu tiên, theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, luật sư của bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã có kiến nghị gửi tòa, đề nghị triệu tập ông Hoàng Tuấn Anh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) vì liên quan đến hai dự án nhà, đất. Luật sư cũng đề nghị tòa mời ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) vì liên quan đến nhà, đất số 16 Bạch Đằng.
Một luật sư khác của bị cáo Chiến cho biết đã có văn bản kiến nghị Hội đồng xét xử triệu tập đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường vì một số tài liệu có liên quan đến cách đánh giá của bộ này.
Ngoài ra, hồ sơ vụ án có một số tài liệu mật và tuyệt mật, có thể là chứng cứ để bào chữa cho bị cáo. Luật sư cũng đề nghị giải mật một số văn bản mật cũng như hướng dẫn phương thức sử dụng các tài liệu này…