THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:46

Vụ logo xe vua: Hủy án sơ thẩm, đề nghị làm rõ người nhận hối lộ

Báo báo tienphong đưa tin, theo nội dung bản án phúc thẩm, qua hồ sơ, chứng cứ và lời khai của các bị cáo, HĐXX phúc thẩm cho rằng, đủ cơ sở khẳng định các bị cáo đã bán logo cho các lái xe, chủ xe thường xuyên lưu thông trên nhiều tuyến đường ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và đưa hối lộ cho các cán bộ Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT) tại các địa bàn trên, để không phạt lỗi xe gắn logo "68" vượt quá tải trọng, "Garage Thành Đô" nhằm hưởng lợi bất chính.

Hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ của các bị cáo là nguyên nhân làm cho đội ngũ cán bộ nhà nước thoái hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, làm đường bộ nhanh chóng xuống cấp hư hỏng, gây bức xúc trong nhân dân nên cần phải nghiêm trị.

Vụ logo xe vua: Hủy án sơ thẩm, đề nghị làm rõ người nhận hối lộ  - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa (ảnh tienphong)

Bản án phúc thẩm cũng cho rằng, các cơ quan cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Dù Viện KSND tối cao đã nêu đích danh một số người nhận hối lộ với số tiền, thời điểm nhận hối lộ cụ thể. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Thới đã hai lần đưa cho bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ đội 1 Phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai) 1,2 tỷ đồng để đưa hối lộ. Chân đưa lại cho Võ Thanh Sơn (đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai, đã chết) và ông Đỗ Hữu Tuyến (phó Phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai).

Nhiều cán bộ khác cũng được cáo trạng nêu đích danh có nhận tiền của bị cáo Thới và bị cáo Lê Thị Cẩm Vân cùng đồng phạm, nhưng tất cả các cán bộ mà cáo trạng nêu này đều không bị truy cứu trách nhiệm về tội nhận hối lộ. 80 cán bộ trong lực lượng CSGT, TTGT trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM không thừa nhận đã nhận hối lộ để kết luận không đủ căn cứ xử lý là đã không tiến hành đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Theo Báo tin tức, trong thời gian kinh doanh vận tải, hai nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) đã đưa hối lộ cho các Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để những người này bỏ qua lỗi vi phạm quá tải đối với những xe có mang logo "68," logo "Garage Thành Đô" và logo "Xe chở hàng".

Các bị cáo còn bán các logo này cho các chủ xe tải khác để thu lợi rồi dùng tiền đó để hối lộ cơ quan chức năng. Từ năm 2014-2015, đường dây của Thới đã bán logo cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỉ đồng. Đường dây của Vân thu gần 8 tỉ đồng từ việc bán logo, đưa hối lộ gần 630 triệu đồng; nộp phạt cho các xe vi phạm, còn lại hưởng lợi gần 1,6 tỉ đồng.

Ngày 3/10/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thới 14 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tám đồng phạm của Vân và Thới bị phạt từ 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 10 năm tù cùng về tội "Đưa hối lộ." Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973; nguyên cán bộ Đội 1, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai) bị tuyên phạt 8 năm tù vì tội "Môi giới hối lộ". Về những người là Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông mà các bị cáo khai đưa hối lộ, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng ngoài lời khai thì không có cơ sở nào chứng minh, mặt khác những người này cũng phủ nhận lời khai của các bị cáo nên không có cơ sở xử lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hành vi của các bị cáo về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ là đúng người, đúng tội. Nhưng về kết luận cho rằng không có cơ sở xử lý những người mà các bị cáo khai đã đưa hối lộ, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, có dấu hiệu cho thấy cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Hồ sơ vụ án đã thể hiện danh sách 79 cán bộ Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông liên quan, thông qua vào lời khai của các bị cáo và Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng thu thập được một số chứng cứ. Việc các cơ quan điều tra, tố tụng cấp sơ thẩm nhận định rằng những cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận hối lộ để không truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi nhận hối lộ là không phù hợp, khách quan.

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận, những sai sót của cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không có khả năng khắc phục nên buộc phải hủy án, đề nghị điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

THÀNH NAM (Tỏng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh