THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:30

Vụ kiện đòi đất tại số 15A phố Thuốc Bắc: Cần được xem xét lại một cách khách quan

 

Mượn rồi … chiếm?

Tính đến nay vụ kiện đòi đất và vật kiến trúc (gồm đất ở và tường nhà) tại số 15A phố Thuốc Bắc đã bước sang năm thứ 18, trải qua 9 lần xét xử với 9 bản án. Cụ Trần Thị Chính (96 tuổi), là nguyên đơn, bức xúc: “Vợ chồng tôi chưa bao giờ viết giấy hay yêu cầu con cháu viết giấy từ bỏ tài sản của mình là nhà đất tại số 15A phố Thuốc Bắc. Tuy nhiên, việc xem xét thiếu khách quan của HĐXX Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã khiến gia đình tôi từ vị trí là chủ sở hữu hợp pháp nhà và đất trở thành các đối tượng thuộc diện bị cải tạo và trở nên trắng tay. Bị đơn là gia đình ông Nguyễn Ngọc Khanh từ vị trí là người ở nhờ nhà tôi trở thành ông chủ chính thức nắm quyền sở hữu nhà và đất của gia đình tôi”.

Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 1946, đất và nhà tại số 15A phố Thuốc Bắc thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Như Tập. Năm 1949, gia đình ông Tập đã bán lại cho ông Nguyễn Văn Nhường (đã mất) và vợ là Trần Thị Chính, khi bán có làm các giấy tờ mua bán. Đầu năm 1952, gia đình ông Nhường đã cho vợ chồng ông Khanh ngồi nhờ một phần ngoài hiên và cuối năm đó gia đình ông Nhường cho phép gia đình ông Khanh vào trong nhà ở. Vì gia đình ông Khanh lúc đó ở quê mới ra, đời sống còn chật vật, khó khăn nên gia đình ông Nhường không thu tiền.

Sau khi cho mượn đất, gia đình bà Chính luôn chứng minh quyền sở hữu hợp pháp nhà đất tại số 15A phố Thuốc Bắc với chính quyền. Như tại: “Sổ nhà cửa”, quyển 1, trang 55; “Tờ khai đăng kí đất ở”; “Giấy phép xây dựng nhà”; “Bảng tình hình sử dụng nhà cửa hiện nay”;… đều ghi có chủ sở hữu là vợ chồng ông Nhường, bà Chính. Và những giấy tờ do ông Khanh làm cũng thừa nhận chủ sở hữu đất và vật kiến trúc là ông Nhường, bà Chính. Còn ông Khanh cùng các con cháu là người đi mượn và ở nhờ mà thôi.

Dù đã gần trăm tuổi nhưng cụTrần Thị Chính vẫn phải đi đòi lại đất nhà của chính mình.

 

Những phán quyết có căn cứ

Vì không có chỗ ở, bà Chính đã đòi lại nhà nhưng gia đình ông Khanh từ chối trả, buộc bà Chính phải khởi kiện ra tòa. Căn cứ vào hồ sơ tài liệu mà các bên cung cấp cũng như kết quả thẩm tra của cơ quan tố tụng, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ kiện ra xét xử.

Tại bản án sơ thẩm số 30/DS-ST ngày 11/7/2000, TAND TP Hà Nội đã chấp nhận đơn khởi kiện của gia đình bà Chính, đồng thời “buộc ông Nguyễn Ngọc Khanh và các thành viên đang ở tại ngôi nhà 15A phố Thuốc Bắc phải trả cho gia đình bà Trần Thị Chính toàn bộ quyền sử dụng 50m2 đất và tường tại 15A phố Thuốc Bắc”.

Đồng tình với bản án sơ thẩm, ngày 26/2/2001, Tòa phúc thẩm TANDTC Hà Nội đã có bản án số 32/DS-PT, quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm số 30/DS-ST. Và sau đó, Viện KSNDTC và TANDTC có công văn phúc đáp đơn khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Khanh với nội dung: “Không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Từ báo cáo thiếu khách quan?

Bản án số 32/DS-PT được xem là đúng đắn và khách quan nhất. Đánh giá đúng các chứng cứ và tài liệu kết hợp với việc phân tích đánh giá các lời khai của nhân chứng. Bản án cũng đã xác định quan hệ dân sự có tranh chấp là đòi quyền sử dụng đất và tường nhà trên đất tại 15A phố Thuốc Bắc.

Nhưng do có khiếu nại, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Pháp luật đã vào cuộc làm rõ vụ việc trên. Báo cáo Sở TNMT Hà Nội (số 2438/TNMTNĐ-CS) khẳng định: “Ông Nguyễn Văn Nhường là tư sản công thương, đã học tập cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo Thông tư 73/TTg ngày 7/7/1962 về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành nội thị”. Đồng thời khẳng định: “Nhà 15A phố Thuốc Bắc thuộc diện Nhà nước quản lý”. Tuy nhiên, bản báo cáo đã bị Viện KSNDTC và TANDTC cho rằng là không thuyết phục.

Cụ thể, báo cáo ngày 28/5/2004 của Viện KSNDTC gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật, báo cáo ý kiến về việc giải quyết vụ án dân sự tại số 15A phố Thuốc Bắc, khẳng định:Thể hiện ở hai nội dung: “Không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện có việc giao đất 15A phố Thuốc Bắc cho Nhà nước quản lý. Các cơ quan Nhà nước cũng không có tài liệu nào thể hiện có việc quản lý đất của gia đình ông Nhường theo quy định của thông tư trên”. Từ những phân tích đó, đại diện Viện KSNDTC kết luận: “Nhà đất ở 15A phố Thuốc Bắc không đương nhiên là của Nhà nước cũng như của gia đình ông Khanh được”.

Báo cáo ngày 28/5/2004 của TANDTC gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật, báo cáo ý kiến về việc giải quyết vụ án dân sự tại số 15A phố Thuốc Bắc, cũng khẳng định: Chiếu theo Thông tư 73 có thể thấy không phải các đối tượng có đất cho thuê thì đất đó đương nhiên chuyển thành sở hữu Nhà nước mà chỉ khi nào Nhà nước có các hành vi quản lý trực tiếp (cụ thể bằng văn bản hoặc trên thực tế) thì diện tích cho thuê mới trở thành sở hữu Nhà nước. “Thực tế diện tích và tài sản có trên đất ở số 15A phố Thuốc Bắc Nhà nước chưa có bất kỳ một quyết định quản lý nào và nhà nước chưa bao giờ quyết định giao cho ông Nguyễn Ngọc Khanh quản lý. Do đó, diện tích đất và vật kiến trúc trên đất tại số 15A phố Thuốc Bắc hiện vẫn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Nhường. Bản án phúc thẩm số 32 ngày 26/2/2001 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội là đúng pháp luật”.

Báo cáo của TANDTC là như vậy, thế nhưng không hiểu vì sao ngày 3/11/2004, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã lấy báo cáo số 2438/TNMTNĐ-CS làm căn cứ tuyên hủy bản án phúc thẩm số 32/DS-TP, dựa vào báo cáo thiếu căn cứ này để làm sai lệch bản chất vụ án, khiến vụ kiện càng phức tạp hơn.

Được biết hiện nguyên đơn là cụ Trần Thị Chính vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại bản án trên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. “Năm nay tôi đã 96 tuổi, tôi mong các cơ quan pháp luật cần sớm xem xét lại một cách khách quan, đúng pháp luật vụ việc trên do tôi là nguyên đơn”, cụ Chính nói.

NHÓM PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh