CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:07

Vụ khai thác trái phép trên 1,5 triệu tấn quặng Apatit: Địa phương đã "phớt lờ" cảnh báo của Kiểm toán nhà nước?

Từ cảnh báo trái quy định Luật Khoáng sản, vượt thẩm quyền

Tài liệu từ vụ việc cho thấy, đầu tháng 2/2013, Kiểm toán Nhà nước có văn bản số 99 về việc Thông báo kiến nghị kiểm toán của Tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

Văn bản này cảnh báo rõ: Việc UBND tỉnh Lào Cai giao cho Công ty Apatit Việt Nam và công ty này giao lại cho Công ty Lilama cải tạo mặt bằng chống sạt lở kết hợp tận thu quặng là “trái với quy định của Luật Khoáng sản, thẩm quyền cho phép thu hồi quặng không thuộc của UBND tỉnh Lào Cai và Công ty Apatit Việt Nam”.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký văn bản (số 984, ngày 28/3/2013) gửi Kiểm toán Nhà nước khẳng định làm đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền. UBND tỉnh Lào Cai cho rằng: “Để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo nếu khối lượng san gạt có kèm theo khoáng sản thì cho phép Công ty Apatit Việt Nam được thu hồi, vận chuyển, quản lý, sử dụng. UBND tỉnh đã khẳng định thẩm quyền cấp phép khai thác quặng là của Bộ TNMT. Việc ký hợp đồng giữa Công ty Apatit Việt Nam và Công ty Lilama là hợp đồng thuê san gạt, cải tạo mặt bằng, trong đó có nội dung thu hồi quặng…. thực tế đã thu hồi triệt để các loại quặng, vận chuyển về kho quản lý và sử dụng theo quy định”.

Chỉ 01 ngày sau khi trả lời Kiểm toán Nhà nước, ông Doãn Văn Hưởng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký QĐ 754 cho phép chuyển mục đích sử dụng 3,77 ha như đã nêu để Công ty Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng. Sau đó là quyết định cho Công ty Lilama thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ… (việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất này được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại KLTT số 3238, tháng 12/2017 là: Không đúng quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất).

Thực tế, ở khu đất dự án trên đến nay không có bất cứ một khu nhà hàng hay khách sạn nào được Công ty Lilama xây dựng. Hiện trạng khu đất là sự nham nhở do hoạt động khai thác quặng trái phép gây nên. Dư luận tại Lào Cai đủ căn cứ cho rằng Công ty Lilama xin thực hiện dự án như đã nêu để làm bình phong cho việc khai thác quặng trái pháp luật. Thực tế, Nguyễn Mạnh Thừa- Giám đốc công ty đã thu lợi hàng trăm tỉ đồng từ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép này.

Empty
Empty
Empty

Hiện trạng khu đất

Đến sự lắt léo trong việc “mở đường” cho Công ty Lilama thu gom quặng

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, ngày 15/5/2013, Sở TNMT Lào Cai có có văn bản 712 gửi UBND tỉnh Lào Cai tham mưu: Trong quá trình thi công san gạt mặt bằng dự án nhà hàng, khách sạn, Công ty Lilama phải thường xuyên theo dõi, lấy mẫu để phát hiện các dấu hiệu liên quan đến khoáng sản. Nếu kết quả phân tích có phát hiện quặng (kể cả quặng nghèo và quặng Apatit có hàm lượng trên dưới 18,69% P2O5) thì đề nghị UBND giao cho Công ty Lilama gom lại và thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để có biện pháp quản lý, sử dụng và chế biến theo quy định.

Trong trường hợp phát hiện thân khoáng có giá trị công nghiệp thì Công ty Lilama phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức khảo sát, đánh giá và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khoáng sản.

Xác minh của phóng viên cho thấy, chỉ 5 ngày sau khi nhận được văn bản tham mưu của Sở TNMT, ngày 20/5/2013, ông Doãn Văn Hưởng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký văn bản số 1717/UBND-CN về việc thực hiện các biện pháp quản lý khoáng sản trong khu vực thi công dự án nhà hàng, khách sạn.

Tại QĐ này, UBND tỉnh Lào Cai đồng ý với một phần tham mưu của Sở TNMT như trên (nếu có phát hiện quặng, kể cả quặng nghèo, giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý sử dụng theo quy định).

QĐ số 1717 của UBND tỉnh Lào Cai đã bỏ qua, không đả động đến vấn đề “Trong trường hợp phát hiện thân khoáng có giá trị công nghiệp thì Công ty Lilama phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức khảo sát, đánh giá và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khoáng sản.”- như tham mưu của Sở TNMT trước đó. QĐ 1717 cũng bỏ qua quặng Apatit có hàm lượng trên dưới 18,69% P2O5, như tham mưu của cơ quan chuyên môn.

“Việc UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh những nội dung rất quan trọng đã làm thay đổi hoàn toàn ý kiến đề xuất của cơ quan chuyên môn và ảnh hưởng trực tiếp đến giai đoạn sau của dự án, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”- một chuyên gia pháp lý có nhận định về QĐ 1717 của UBND tỉnh Lào Cai.

Có QĐ 1717 trong tay, Công ty Lilama bắt đầu các hoạt động vừa san gạt mặt bằng, vừa lấy mẫu và phân tích. Nếu có quặng thì sẽ giao lại cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý. Nhưng các báo cáo của đơn vị này không thể hiện khối lượng cụ thể.

Đến tháng 6/2014, đơn vị này bất ngờ có báo cáo UBND tỉnh Lào Cai và cho rằng do Công ty Apatit Việt Nam không tiêu thụ kịp quặng Apatit đã thu gom. Do khó khăn về tài chính xin UBND tỉnh cho phép “được liên hệ giao một phần lượng quặng tồn kho cho các nhà máy chế biến sâu”.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh vai trò các văn bản để Công ty Lilama tận thu, thu gom quặng Apatit

 

“Trên thực tế trên diện tích 3,77 ha mặt bằng xây dựng khách sạn, nhà hàng, Công ty Lilama đã thu được 1.363.519 tấn quặng apatit. Số tiền bán quặng thu được 379.045.759.068 đồng. Như vậy, Việc UBND tỉnh Lào Cai có văn bản số 2160/UBND-CN ngày 02/08/2012 và văn bản số 1717/UBND- CN ngày 20/05/2013 cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom apatit là chưa đúng quy định tại Điều 65 (quy định về khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình) và Điều 67 (quy định về tận thu khoáng sản) của Luật Khoáng sản 2010 (tận thu chỉ được thực hiện khi đã đóng cửa mỏ). Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Lào Cai, Sở TNMT cùng các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom quặng Apatit”- kết luận thanh tra số 3238/KL-TTCP ngày 29/12/2017 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh