CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

Vụ “hư hỏng tài sản” ở thị trấn Sông Thao (Phú Thọ): Chủ nợ thành... bị can (!)

 

Tiền hậu bất nhất

Theo kết luận điều tra số 72/KLĐT ngày 16/9/2015, của cơ quan CSĐT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), khoảng 19 giờ 45 ngày 10/5/2015, chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê đến gia đình chị Nguyễn Thị Phương, ở thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê để đòi tiền anh Nguyễn Trần Phúc (chồng chị Phương). Tại đây, hai bên xảy ra cãi nhau, sau đó anh Phúc đóng cửa cuốn xuống. Chị Hoa dùng chân đạp vào cửa cuốn khiến cửa bị hư hỏng.

Với hành vi nêu trên, ngày 18/6/2015, Công an huyện Cẩm Khê đã có Thông báo số 444/TB về việc trả lời đơn chị Nguyễn Thị Phương, với nội dung: “... Công an huyện Cẩm Khê đã tiến hành điều tra xác minh, xét thấy hành vi của Nguyễn Thị Hoa dùng chân đạp vào cửa cuốn thủy lực của gia đình chị làm cửa cuốn bị hư hỏng, nhưng vụ việc chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự...”.

Nhưng sau đó không lâu, cơ quan CSĐT huyện Cẩm Khê lại có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị Hoa về tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1, điều 143 Bộ luật Hình sự.

Chữ ký giả mạo do điều tra viên Nguyễn Đức Tín tự ký

Chị Hoa cho rằng, cơ quan CSĐT không khách quan, kết luận cửa bị hư hỏng (bung khỏi thanh ray, hỏng dây đề dài 2m, khóa cửa) do sự tác động từ chị là không chính xác vì lực tác động của chị không đủ để cửa cuốn bung khỏi thanh ray và không thể hỏng được khóa cửa. Đặc biệt với lực tác động bên ngoài và không hề chạm vào dây đề thì không thể làm đứt dây đề được. Chị Hoa đã yêu cầu cơ quan CSĐT cho thực nghiệm lại hiện trường, tuy nhiên nguyện vọng chính đáng này của chị Hoa không được chấp thuận.

Bên cạnh đó, ngay các lời khai của chị Phương nhằm buộc tội chị Hoa làm hư hỏng cửa lại mô tả không thống nhất, lúc thì khai chị Hoa dùng cả hai chân nhảy lên đạp vào cửa, lúc khác lại khai không biết chị Hoa dùng vật gì đập vào cửa. Không thống nhất về vị trí cửa lúc bị tác động, khi chị Phương khai cửa cách mặt đất 70cm, khi khai khoảng 40cm, lúc khai khi tác động vào cửa vẫn nhìn thấy nhân chứng ở ngoài, khi lại khai cửa đóng kín không nhìn ra ngoài được... Còn chị Hoa khẳng định khi rời khỏi hiện trường cửa không hề bị hỏng. Hai nhân chứng trực tiếp cũng không nhìn thấy cửa bị hỏng. Việc giám định thiệt hại trong vụ việc này được thực hiện sau 78 ngày khi vật chứng đã bị sửa chữa, thay đổi và việc lập biên bản hiện trường vụ việc không có chữ ký, không có mặt của đương sự khiến bị can cho rằng việc làm của cơ quan CSĐT là thiếu khách quan.

Cán bộ điều tra ký thay... đối tượng

Ngoài ra, trong kết luận điều tra nêu trên còn có rất nhiều điểm không đúng thực tế như: “Chị Hoa đã bồi thường số tiền sửa chữa cửa cho chị Phương”. Nhưng thực tê, chị Hoa và gia đình chưa hề bồi thường, vì chị Hoa cho rằng khi rời khỏi hiện trường cửa nhà chị phương không hề bị hỏng. Hồ sơ chuyển đi không ghi số lượng trang, có số thứ tự trang đầu nhưng không có số trang kết thúc.

Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT cho rằng, chị Hoa từng bị phạt hành chính. Nhưng chị Hoa hoàn toàn không biết mình bị phạt khi nào, xử phạt về hành vi gì. Khi được đọc lại hồ sơ vụ án, chị Hoa phát hiện chữ ký của mình bị giả mạo tại văn bản gọi là “Biên bản giao nhận Quyết định xử lý vi phạm hành chính”.

Phát hiện chữ ký của mình bị giả mạo, chị Hoa đã gửi đơn đến công an huyện Cẩm Khê yêu cầu làm rõ. Tại thông báo số 240/TB ngày 5/10/2015 của công an huyện Cẩm Khê do trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng công an huyện ký đã thừa nhận người ký tên của chị Hoa trong biên bản là cán bộ điều tra Nguyễn Đức Tín, nhưng lại không thừa nhận việc giả mạo chữ ký mà chỉ là... ký thay.

Ngụy biện cho điều này, văn bản cho rằng: “Việc “ký thay” đó là chị Hoa không nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không ký vào biên bản giao Quyết định”. Tuy nhiên, việc giải thích như trên của Công an huyện Cẩm Khê là thiếu thuyết phục, thậm chí là phi lý vì trong Biên bản giao Quyết định xử lý vi phạm hành chính mà chị Hoa phản ánh bị giả mạo chữ ký, mục ý kiến đương sự ghi rõ là “chấp hành”. Phải chăng Công an huyện Cẩm Khê cố tình né tránh, không dám thừa nhận sự thật?

Việc làm của cán bộ Nguyễn Đức Tín là phạm pháp nghiêm trọng nhằm mục đích tăng tình tiết phạm tội của bị can. Cũng từ kết luận điều tra số 72/KLĐT, Viện KSND huyện Cẩm Khê đã quyết định trả lại hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. Để tránh gây oan sai, đề nghị các cơ quan tố tụng huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ sớm làm rõ những thắc mắc của bị can trước khi vụ án được đưa ra xét xử.        

VĂN NGHĨA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh