Vụ cá chết trên sông Bưởi: Đóng cửa công ty xả thải 6 tháng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:36 - 12/05/2016
Đó là kết luận của ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hòa Bình, Tổ trưởng tổ công tác tiến hành kiểm tra ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi của tỉnh Hòa Bình tại buổi làm việc với Công ty cổ phần nhà máy đường Hòa Bình chiều 11/5.
Giám đốc công ty nhận lỗi
Tổ công tác Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình kiểm tra tại Công ty cổ phần nhà máy Đường Hòa Bình chiều 11/5.
Chiều 11/5, Tổ công tác của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã tiến hành làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần nhà máy Đường Hòa Bình (Công ty đường Hòa Bình). Tại buổi làm việc ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty đường Hòa Bình thừa nhận việc xả thải của công ty là có và cam kết sẽ bồi thường tất cả những thiệt hại do việc xả thải gây nên, theo đúng kết luận của cơ quan chức năng. Theo ông Hùng, nguyên nhân là do thời gian xây dựng nhà máy quá gấp, nên công ty chưa kịp xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bởi phải kịp thời thu mua cho bà con, vì vụ mía sắp hết, trữ đường rất thấp. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công ty đã lỗ tới 16 tỷ đồng sau hơn 1 tháng hoạt động” – ông Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Chuyện, Giám đốc Công ty đường Hòa Bình cho biết thêm, sau khi sự việc cá chết xảy ra, phía công ty đã có đoàn vào thăm làng chài ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). “Tôi rất đau xót và ngay lập tức chỉ đạo công ty có những biện pháp khắc phục kịp thời. Vào đó tôi mới biết người dân ở đây rất nghèo, khó khăn. Có những hộ có tới 7 lồng cá những không còn một con cá nào. Sau khi thống kê lượng cá chết, tôi cho rằng phía huyện Thạch Thành thống kê rất sát, trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các hộ 1,4 tỷ đồng” – ông Chuyện nói.
Tổ công tác Sở TNMT tỉnh Hòa Bình kiểm tra tại Công ty Cp nhà máy Đường Hòa Bình chiều 11.5.
Ông Chuyện cho biết thêm, công ty sản xuất từ 15/3, đến 25/4 thì kết thúc. Những hóa chất của công ty sử dụng đều được cho phép. Tuy nhiên, theo người dân, tại thời điểm đó nước rất độc, tựa như thuốc sâu vậy, cá gặp phải là chết ngay. “Họ bảo khoảng 12 giờ đêm 4/5, họ thấy cá đập mạnh, tưởng cá đòi ăn, họ cho ăn, thì sáng mai thấy cá chết nổi hết. Do đó tôi đề nghị các sở, ban, ngành hai tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa điều tra làm rõ, liệu có phải chỉ mỗi mình công ty chúng tôi xả thải… Hiện huyện Thạch Thành đề nghị hỗ trợ 6 tháng cho 79 hộ và 2 tấn cá giống cho những hộ mưu sinh từ nghề sông nước và chúng tôi cũng đã đáp ứng yêu cầu thứ nhất, còn yêu cầu thứ hai chúng tôi đang chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định” – ông Chuyện cho biết.
Đóng cửa 6 tháng để khắc phục
Về vấn đề trên, ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho rằng, đây là sự việc rất đáng tiếc. Song việc nhận lỗi của công ty là điều rất cần thiết. “Tôi cho rằng công ty đã có một động thái rất đáng khen là nhận lỗi và ủng hộ cho bà con có cá chết ở huyện Thạch Thành 1,4 tỷ đồng” – ông Hùng nói.
Một trong 3 bể thải của Công ty Đường Hòa Bình ảnh chụp chiều 11/5.
Sau khi kiểm tra hệ thống xử lý rác, nước thải của công ty, ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, hệ thống xử lý nước thải của công ty chưa hoàn thiện. Đây chính là nguyên nhân mà công ty đã phải thải nước thải chưa quan xử lý ra môi trường. Ông Vinh đề nghị công ty tạm dừng ngay mọi hoạt động của nhà máy để khắc phục. Khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Kịp thời hỗ trợ cho các gia đình bị hại.
Một trong 3 bể thải của Công ty Đường Hòa Bình ảnh chụp chiều 11/5.
Ông Phạm Văn Sự, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho hay, mặc dù chưa có thông tin chính xác, nhưng phía công ty cũng đã xác nhận là có xả thải và cũng đã đồng ý bồi thường cho những người bị hại. Đồng thời, tỉnh Hòa Bình cần đề xuất các cơ quan tỉnh Thanh Hóa phải chứng minh được việc cá chết là do công ty Đường Hòa Bình, hay do đâu và phía cơ quan của tỉnh Hòa Bình cũng phải tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm. Đồng thời cần rà soát trên địa bàn, ngoài việc xả thải của công ty, còn có đơn vị nào nữa không, bởi ngoài khắc phục hậu quả, còn phải khắc phục ô nhiễm…
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Anh cho biết, ngày 4/5 có hiện tượng cá chết, thì ngày 5/5, Sở TN&MT Hòa Bình đã phối hợp với Sở TN&MT Thanh Hóa điều tra, xử lý và ngay sau đó Sở đã có văn bản chỉ đạo Công ty Đường Hòa Bình ngừng ngay việc xả thải nước thải chưa quan xử lý ra môi trường.
“Chưa cần phân tích, chúng ta cũng đã thấy công ty có 2 lỗi lớn, là xả nước thải chưa qua xử lý và xả nước thải ra nguồn nước khi chưa được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước” – ông Anh nhấn mạnh.
Ông Anh cho biết thêm, ngày 12/5, Bộ TN&MT sẽ thành lập đoàn công tác để kiểm tra đột xuất các công ty, để có những kết luận chính xác nhất.