THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:11

Vụ ‘bớt xén’ của người tâm thần: ‘Nói không tư túi là không đúng!’

 

Đoàn thanh tra của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã kết luận Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Nghệ An sai phạm hơn 750 triệu đồng tiền chế độ ăn và tiền trợ cấp quần áo, chăn, màn... của người tâm thần và người neo đơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An (hiện đang bị tạm đình chỉ công tác và chức vụ), cho rằng không tư túi mà chi sai như tiếp khách, công tác phí, đi tết cấp trên...

Mua ít, thống kê nhiều

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hường (ảnh), Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, nói: “Đó là họ nói chứ họ có chứng minh được đâu.

Trong tổng số tiền sai phạm hơn 750 triệu đồng thì có hai khoản sai lớn: Một là bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm, đã không cấp đủ hơn 218 triệu đồng tiền chế độ ăn hằng ngày cho đối tượng được bảo trợ tại trung tâm từ năm 2011 đến tháng 8-2015 thì đã quá rõ. Ngoài ra còn có sai phạm trong số tiền chênh lệch về chế độ ăn, tiền tiếp nhận từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện...

Hai là khoản sai phạm 530 triệu đồng của năm 2013-2014, trung tâm đã mua các trang cấp cho người tâm thần, người vô gia cư với số lượng ít rồi kê khống các mặt hàng lên. Số tiền này ông Phú, bà Phương giải trình là vì đơn vị khó khăn nên đã bỏ vào hoạt động của đơn vị, chi sai mục đích từ năm 2013 đến 2014. Vậy thì họ cứ chứng minh điều đó đi. Bởi xử lý sau thanh tra đang còn 15 ngày nữa.

Nếu đã chi vào hoạt động của đơn vị thì phải có chứng từ, sổ sách kế toán chứ. Ông Phú, bà Phương đã có giải trình nhưng giải trình không có căn cứ sổ sách kế toán thì đoàn thanh tra không thể chấp nhận được.

Chúng tôi không kết luận oan sai đâu, thực ra họ cũng là cấp dưới của Sở chứ có phải nơi khác đâu. Chúng tôi biết trong cái lý cũng phải có cái tình nhưng tình gì đi nữa thì cũng phải đủ cơ sở căn cứ để chứng minh”.

 

Bữa ăn trưa 7/11 của người bị bệnh tâm thần tại Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An đầy đủ hơn trước đây. Ảnh: ĐẮC LAM

 

 Làm giả sáu quyển sổ tài liệu để đối phó

.Phóng viên: Quá trình đoàn thanh tra làm rõ sai phạm ở trung tâm được thực hiện như thế nào, thưa bà?

 Hoàng Thị Hường: Đầu tháng 10/2015, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An nhận được đơn tố cáo của ông Cần Kim Tuyên - một người già đang nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An và bức tâm thư của bà Đàm Thị Lan Anh (ở TP Vinh). Trên cơ sở đó, Sở thành lập đoàn kiểm tra xác minh.

Buổi chiều 2-10, tôi có điện báo anh Phú sắp xếp thời gian để ngày mai chúng tôi lên xác minh và kiểm tra tại trung tâm. 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt thì bà Phương đưa ra 6 quyển sổ tài liệu liên quan có giám đốc, phó giám đốc ký đường hoàng, trong tổng số 8 quyển từ năm 2011 đến 2015. Chúng tôi thử tính các khoản tiền và thấy cách viết, nét mực còn mới nên nghi ngờ họ đã thức cả đêm để làm mới sáu quyển sổ đối phó nhưng bà Phương cho rằng đó là sổ gốc.

Chúng tôi hỏi sao còn thiếu 2 quyển thì bà Phương nói đi xe buýt làm rơi mất rồi. Chúng tôi tiếp tục “vặn lại” thì bà Phương nói đi xe buýt làm rơi cả 8 quyển. Chúng tôi phải nói là hôm tháng 8-2015, thanh tra lên trung tâm kiểm tra toàn bộ hồ sơ đã phôtô sao chụp rồi, đối chiếu thấy hồ sơ mới này không đúng. Tôi nói: “Có thừa nhận không, nếu thừa nhận để làm việc, không thừa nhận thì báo cơ quan điều tra khỏi mất công”. Lúc đó bà Phương mới đưa hồ sơ gốc ra, còn 6 quyển sổ giả chúng tôi đã tịch thu.

Thanh tra trong năm năm (khoảng 1.830 ngày), chúng tôi phải “bóc” từng ngày một, tính toán đối chiếu từng ngày một, rà từng trang sổ sách. Đoàn thanh tra đi xuống tận từng cửa hàng nhập thực phẩm cho trung tâm để xác minh đối chiếu. Sau đó, chúng tôi ngồi rà soát tính toán chi ly chứ đâu đơn giản mà có kết luận được.

Giám đốc buông lỏng để cấp phó... bớt xén

. Dư luận đang quan tâm thực sự lãnh đạo Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An có tư túi không?

+ Khoản tiền sai phạm hơn 218 triệu đồng không “ăn” thì bỏ đi đâu? Bà Phương đã lấy rồi thôi chứ sử dụng vào đâu nữa. Họ ăn chặn rất tinh vi, không phải ai cũng bị bớt đều 3.000 đồng/ngày đâu, trong một bữa ăn có tổng số 80 người thì có 50 người ăn đủ, có 30 người ăn không đủ định mức Nhà nước quy định. Tức 30 người này hôm nay chỉ được ăn 11.000 đồng, còn thiếu 3.000 đồng. Ngày hôm sau lại có 27 người khác ăn thiếu định mức. Tại sao có chuyện này được? Nhân số học 3 nhân 3 bằng 9 nhưng họ nhân số học 3 nhân 3 bằng 21. Như vậy là làm bậy, mục đích để làm gì, để mà ăn chứ để làm gì nữa.

. Nhưng thanh tra cần bóc tách sai phạm cụ thể của từng cá nhân, thưa bà?

+ Sai phạm tiền là từ bà Phương cả, trong quyết định thu hồi khoản tiền sai phạm hơn 750 triệu đồng là thu từ bà Phương.

Ông Phú chịu trách nhiệm để xảy ra hậu quả tại đơn vị, buông lỏng quản lý năm năm liền. Đến khi thanh tra làm ra cụ thể các con số sai phạm, ông Phú mới giật mình nói: “Sai nhiều ri à, sai nhiều ri à”.

Hôm nay (ngày 9-11), chúng tôi tiếp tục mời ông Phú và bà Phương đến giải quyết sau thanh tra, cho họ giải trình thoải mái.

 

Bà Nguyễn Thị Thu PhươngPhó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Nghệ An:

Tôi đã giải trình nhưng không được chấp nhận

Thật sự tôi không tư túi mà tôi đã làm sai nguyên tắc tài chính. Như theo quy định buổi sáng phải chi tiền mua thực phẩm nấu bữa sáng cho các đối tượng nhưng một số người tỉnh táo hơn, có sức khỏe họ nói không ăn sáng mà xin nhận tiền để họ tự mua, tự nấu ăn để hợp khẩu vị hơn. Tôi đã đưa tiền cho họ và họ đã ký xác nhận vào sổ. Còn khoản chênh lệch giá ví dụ như quyết toán 85.000 đồng/kg thịt heo nhưng tôi mua chỉ có 80.000 đồng đó là cái khéo léo, trả giá, ép giá khi đi chợ để còn đổ xăng xe...

Tôi cũng đã giải trình nhưng không được đoàn thanh tra chấp nhận. Tôi mong Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An xem xét lại, tính toán lại cho tôi. Cơ quan công an vào cuộc cứ điều tra, làm rõ cho sáng tỏ để trung tâm sớm ổn định. Một số người đồn đoán tôi đi xe ô tô Lexus, mua nhà lầu, tôi chưa biết lái xe ô tô, xe đó là của chồng tôi đang làm ở Hà Nội, vợ chồng tôi vừa bán đất của bố mẹ cho mua căn nhà 1,1 tỉ đồng chứ không phải tiền tôi tham ô.

Về việc lấy tiền trang cấp (mua quần áo, chăn, màn, chiếu, dép để phát cho người tâm thần và đối tượng BTXH) làm công tác phí cho cán bộ nhân viên và chi tiếp khách hết hơn 530 triệu đồng, ông Nguyễn Xuân Phú lý giải: “Về khoản này, riêng chi cho công tác phí năm 2011 là hơn 75 triệu đồng và năm 2012 là 51 triệu đồng. Số tiền sai phạm còn lại (khoảng 400 triệu đồng) chi cho mục đích phát triển trung tâm, cụ thể là phải chi quan hệ đối nội, đối ngoại “bôi trơn” để tiếp khách, đi tết cấp trên... Ví dụ như đi Hà Nội xin tài sản cơ sở vật chất hơn 200 chiếc giường inox có giá trị 600 triệu đồng, mình cũng phải có cái quà cái cáp, cái này cái nọ thể hiện tình cảm nên chi hết 30 triệu đồng. Nếu cộng 530 triệu lại thì thấy số tiền nó lớn nhưng nếu chia cho năm năm quan hệ đối nội, đối ngoại thì không lớn”.

Theo Đắc Lam/PLO.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh