THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:57

Vọng cố hương

 

Đó là miền cực lạc. Cõi vời xa mà thật gần. Một cõi nhắc đến khiến ta ái ngại nhưng không thể tránh.

Nó gợi buồn, nỗi buồn xa xăm mịt mùng. Sao vẫn thấy yêu cuộc đời trần thế, biết bao bề bộn, buồn vui, bất hạnh ê chề găm sâu vào ký ức thời gian, nhiều lúc tưởng sẽ chết trong hối tiếc, rồi đều được chữa lành, tuy không còn nguyên vẹn như thoạt kỳ thuỷ, lại giúp cho ta bình lặng và trưởng thành, giúp ta gạt ưu tư, phiền muộn, vụn vặt ganh đua, chấp chiếm và giành giật.

Chỉ còn lại trong tim niềm yêu thương vị tha, cảm thông và độ lượng. Sự chuyển hoá từ lẽ gì mà hoàn nguyên màu nhiệm, lớn lao, sáng láng đến vậy? Phải chăng là kết quả của trải nghiệm, phải chăng từ niềm tin yêu con người, tin yêu cuộc đời?

Chỉ là một phần nguyên do. Đã bao năm tôi lặng lẽ đi tìm nguyên do của lắng dịu đó là gì.

Đã bao năm tôi đi gần khắp thế gian để tìm định nghĩa cho sáu chữ “thể tất để được an lành” mà chưa một lần kết cục trọn vẹn. Càng đi lại càng thấy khó tiếp cận điều mình muốn biết. Liệu con người ai cũng như ai? Thật khó! Thử một lần nữa tìm lại xem.

Tất cả tác phẩm của tôi viết ra chỉ như gió thoảng, chỉ như những vụn vàng nhặt nhạnh quanh mỏ vàng lớn. Cái mỏ vàng lớn đó chính là quê hương tôi Trùng Khánh, Cao Bằng.

Mỗi lần ngồi đối diện với trang viết, hình ảnh quê hương lại hiện trong ký ức. Ký ức ư? Tôi từng viết trong một truyện ngắn về điều này: "Con người ta có thể trở lại quê hương bằng con đường, trở lại quá khứ chỉ bằng ý nghĩ".

Vâng, ký ức chỉ có thể trở về bằng ý nghĩ thôi, vì nó đã khắc sâu tâm khảm không chỉ riêng tôi, người Trùng Khánh xa quê chung điều đó.

Vùng đất nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc với người dân mộc mạc, chân chất, rất đỗi yêu thương. Nơi có thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quy Sơn chảy bên đồng lúa vàng dưới chân những chàng núi cao ngất đẹp tựa tranh thuỷ mặc luôn gợi cảm giác bồi hồi.

"Gặp gỡ" - Tranh sơn mài của hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Dù muôn nơi xa sẽ không bao giờ quên những ngày phố Cô Sầu người còn thưa vắng. Ngày đó, giữa những năm của thế kỷ 20, con đường chạy dọc theo phố Trâu (Háng Vài) rải đá đen, trắng mòn vết chân người, lọc cọc tiếng vó ngựa và xe thổ mộ lăn bánh.

Những ông già, bà lão mang những cái tên cổ xưa như phố núi, gọi theo tiếng Tày: Chỉnh Dề, trưởng phố Sền, Dề (bác trai) Mão, Dề Quáng, Dề Côn, Dề Khím, Dề Ma, Chá (bác gái gần như mẹ) Sằn, ông Cáu, ông Chúng, Sắn Chính,... những bà như: mú (bác gái) Chúng, mú Khẳm Dính, mú Pì, mú Nề, mú Chắm, mú Nhì, mú Cái... không chỉ những cái tên này đã làm nên hồn vía vùng đất, mà cốt cách cuộc đời họ khiến diện mạo nơi đây sống mãi trong nhiều thế hệ.

Giờ những người ấy đã trở về  miền cực lạc. Nhưng chất nhi nhiên của họ, họ đâu biết rằng nó đã như thứ linh khí ảnh hưởng lớn đến thế hệ sau, góp phần gợi lên trong tâm hồn người Cô Sầu về những ước mơ lãng mạn.

Nhiều người làm ăn xa, mang theo cốt cách đó làm rạng danh Cao Bằng. Dù thế nào, họ vẫn coi thành công của mình chỉ như hạt bụi, như giọt mưa Xuân trong ngàn vạn những giọt nước tinh khôi thả xuống miền đất này những ngày xưa yêu dấu.

Yếu tố giúp họ thành công, là hình bóng quê hương, đất trời miền Đông Bắc, là tác động gián tiếp của quá khứ, của những ông những bà, họ là sự tiếp nối của văn hoá truyền thống, của khí chất lâu bền thấm sâu trong lời ăn tiếng nói, trong ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Tôi gọi đó là hành trang cho cuộc đời mỗi người chuẩn bị rời bước xa quê. Hành trang đó, một khi đã thấm nhuần, sẽ là động lực giúp cho ước mơ thành đạt. Không ai, không người nào thành đạt lại không bắt đầu từ ý chí. Tài năng chỉ là phần nhỏ, ý chí mới là điểm tựa.

Người Trùng Khánh có điểm giống nhau: Sự khảng khái và đạo lý. Sự trân trọng quá khứ chính là đạo lý làm người, là tiền đề để vượt qua trở ngại, vượt qua mặc cảm vươn lên bằng nỗ lực bản thân.

Cống hiến cho đất nước, dân tộc là tri ân với quê hương Trùng Khánh - ý nguyện của các lớp người từ đất này. Đó là đạo lý nhân sinh cao cả, là ước mơ cháy bỏng giúp cho rất nhiều người con Cao Bằng thành những tên tuổi được cả nước biết đến.

Chúng tôi, những người dân tộc có quyền tự hào về đại gia đình hoạ sỹ Vi Kiến Minh (1926 - 1981) với 3 thế hệ liên tiếp thành đạt: anh em NSƯT Vi Kiến Hoà - hoạ sỹ Vi Kiến Thành, nhà thơ Vi Thuỳ Linh; Trùng Khánh còn có các nhà thơ: Y Phương, Từ Ngàn Phố, Bế Thành Long; những anh hùng lực lượng vũ trang:

La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu, Hoàng Văn Thượng, Nông Văn Việt, Hoàng Đình Hợp; những trí thức tên tuổi: GS, Thầy thuốc Nhân dân Bành Khìu, GS Ngôn ngữ học Hoàng Văn Ma, PGS Hoàng Sự (nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh), 2 tiến sỹ du học châu Âu:

Lô Thị Tiềm (Nông nghiệp), Nông Văn Páo (Chế tạo máy) và còn những nhân vật ưu tú khác. Tuy mỗi người có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khác nhau, thế hệ khác nhau, họ cùng có chung một Trùng Khánh, cùng chung ý chí, khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ và bằng cả sinh mạng của mình cho Tổ quốc, nhân dân.

Với tất cả tình cảm và tấm lòng, họ đã làm rạng danh quê hương Trùng Khánh, để mảnh đất địa đầu trở thành một địa chỉ không phai mờ trong lòng bạn bè bốn phương.

Những dấu ấn ấy là kết quả của ý chí nghị lực, của năm tháng tích tụ khí chất con người, sông núi Cao Bằng.

Tôi về Hà Nội định cư. Mỗi khi nhớ quê, lại tưởng nhớ những ngày xưa tươi đẹp. Bây giờ, mọi chuyện đã khác, kinh tế phát triển, đời sống con người đổi thay. Sự vươn lên của cuộc sống mới là đáng mừng lắm lắm.

Bữa cơm trong mỗi gia đình giờ đã no đủ và ngon hơn, áo quần đẹp hơn, điều kiện sinh hoạt giúp cuộc sống tinh thần cũng đã phong phú gấp bội. Mong sao hồn cốt văn hoá truyền thống được truyền giữ.

Để mất đi vẻ đẹp văn hoá truyền thống là mất tất cả. Văn hoá - sợi dây níu giữ tâm hồn con người với quê nhà, là sự ăn ở tử tế với nhau, là sự cố kết tự nhiên đẩy lùi tệ nạn lạc hậu. Là nguồn nuôi dưỡng tài năng, phát triển tài năng.

 Giá quê hương vẫn còn những phiên Háng lượn, vẫn còn những ngày sư tử, kỳ lân nhảy múa trong tiếng trống, chiêng rộn rã lòng người vào dịp Tết đến Xuân sang.

Giá  vẫn còn những bộ trang phục truyền thống thướt tha tự tin và hãnh diện của nam thanh nữ tú. Mơ và nghĩ nhiều đến ngày đó, và ước, tương lai gần những người con ưu tú Cao Bằng khắp mọi nơi trong và ngoài nước sẽ có dịp được tề tựu ngay tại quê nhà để nhìn thấy - lắng nghe nhau, được đóng góp nhiều hơn công sức, trí tuệ cho mảnh đất đã sinh ra mình.

Sự xuất hiện của họ biết đâu sẽ góp phần hun đúc những tài năng đang dè dặt ấp ủ, rồi tương lai sẽ xuất hiện nhân tài, những người quả cảm tự nguyện dấn thân cho sự nghiệp mình theo đuổi.

Dù ở lĩnh vực nào, người Trùng Khánh đều hướng mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh Cao Bằng.

Không có quê hương sẽ chẳng có ta. Ai ly hương đều là kẻ mắc nợ. Cứ tiết Thanh minh hay Tết Nguyên đán, tôi lại về quê. Lần nào ngày trở về cũng là ngày tạ lỗi vì những gì đóng góp cho quê còn quá ít!

Tản văn của CAO DUY SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh