THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:31

Vời xa Đất Mũi Cà Mau

 

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi ngành du lịch chưa phát triển như ngày nay, tôi đã từng đôi lần đến xứ Cà Mau.

Khi ấy, tôi từng ngồi tắc ráng xuôi dòng sông Trẹm du ngoạn về tận huyện Thới Bình vùng U Minh Hạ.

Thới Bình với những tên đất, tên làng, tên kênh, tên rạch, tên những món ẩm thức đầy gợi nhớ về biết bao kỳ tích của những lưu dân đời nối đời cùng nhau rửa mặn, tháo chua chế ngự thiên nhiên, khai hoang trồng lúa, giăng câu, thả lưới, bắt cá, nuôi tôm.                      

Đến với Thới Bình, du khách sẽ được người dân nồng hậu nơi đây đón tiếp chân tình và nhắc nhớ đến những câu chuyện lịch sử gắn với con kênh xáng Chắc Băng huyền thoại, chuyện một bà má gửi cho Bác Hồ cây vú sữa miền Nam…

Đặc biệt là hình ảnh dòng sông Trẹm thơ mộng đã đi vào tiểu thuyết, thơ ca, âm nhạc sẽ mãi im đận trong lòng mỗi du khách khi một lần đặt chân đến nơi đây.

Thới Bình cũng là một điểm đến rất hấp dẫn và thu hút du khách thập phương khi tới xứ Cà Mau, nhưng có lẽ ấn tượng mạnh mẽ, điều khiến du khách mong đợi nhất, háo hức đặt chân đến nhất  vẫn là Mũi Cà Mau (Đất Mũi).

Tôi cũng vậy, bao năm ao ước mãi đến nay mới thực hiện được chuyến “hành phương Nam” đi về nơi tận cùng Mũi Cà Mau.   

Mũi Cà Mau nằm ở phía Tây, thuộc địa phận xóm Mũi của xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nơi có cột mốc tọa độ quốc gia và vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Du khách đến đây sẽ thấy cột mốc tọa độ GPS 000 1(cây số 0) với biểu tượng là một con tàu với cánh buồm no gió đang vươn mình ra khơi.

Vây xung quanh nơi đặt cột mốc là bạt ngàn cánh rừng đước, rừng tràm quanh năm xanh tươi, đây là nơi duy nhất du khách có thể quan sát cả mặt trời mọc và lặn.

Hiện nay đi tới Đất Mũi cả đường thủy và đường bộ đều thuận tiện, nhưng nhiều du khách vẫn thích lựa chọn phương tiện đường thủy với tàu cao tốc để trải nghiệm, tận hưởng thú du ngoạn tham quan khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn thế giới dài hơn 100 km.  

Cái lý thú của sự di chuyển bằng đường thủy, một đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ là du khách sẽ mãn nhãn với cảnh quan dọc hai bên bờ sông, kênh, rạch những xóm làng trù phú, những chợ nổi tấp nập ghe, thuyền qua lại.  

Trong nhiều điểm nhấn ấn tượng ấy, có cảng cá Cà Mau là một trong những trung tâm cung cấp thủy hải sản lớn như: Tôm, cua, cá, mực, ba khía về chợ đầu mối Sài Gòn từ bao đời nay.

Khởi hành từ bến Cà Mau, sau 3 giờ chạy, tàu cao tốc sẽ đưa du khách cập bến đặt chân lên phần đất tận cùng cực Nam Tổ quốc – Mũi Cà Mau.

Sau khi thăm cột mốc, du khách sẽ theo cầu khỉ vào thăm làng rừng và khu lấn biển với mỗi năm phù sa bồi đắp từ 80 – 90 mét, tham gia tắm bùn thư giãn, ngắm cánh chim hải âu bay lượn, nghe sóng biển rì rào...

Thú vị nhất, nhiều cung bậc cảm xúc nhất là khi du khách leo lên Vọng hải đài, cao 20 mét để ngắm toàn cảnh Mũi Cà Mau trong bạt ngàn màu xanh của rừng đước, tràm, mắm và của biển cả mênh mông vời vợi như vô tận.

Phút giây ấy, giai điệu, ca từ của ca khúc “Về Đất Mũi” của cố  nhạc sĩ Hoàng Hiệp như càng mê hoặc bước chân phiêu bồng của du khách nơi vợi xa mảnh đất tận cùng Tổ quốc. 

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau/ Anh thấy xanh tươi đước rừng bát ngát/ Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người/ Về thăm quê hương Đất Mũi xa xôi/ Trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề/ Biển bao la sóng tung cách chim hải âu..”.

 

 Hiện nay du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ngày càng trở nên thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước


 Ẩm thực trong tour du lịch Đất Mũi cũng thật phong phú và ấn tượng, rất đặc trưng của phương Nam, với những món ăn truyền thống có từ thời khẩn hoang mở cõi.

 Lợi thế về hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, lại vừa có rừng và biển nên đã tạo cho vùng Đất Mũi có nhiều loại động thực vật cả nước mặn, nước lợ lẫn nước ngọt, là nơi được mệnh danh là “cá bạc, tôm vàng”.

Những loại động, thực vật ấy qua tay những người dân bản địa hầu hết đều có thể chế biến thành những món ẩm thực rất hấp du khách.

Nói về cách chế biến các món ăn từ lâu vùng Đất Mũi nói riêng, bán đảo Cà Mau nói chung đã lưu truyền câu: “ Nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”.

Các nón nướng điển hình như cá lóc, cá trê, sặc rằn được nướng trui trong lửa của rơm rạ, tôm nướng, hàu nướng trên lửa than đước mang dấu ấn từ thời khai hoang mở cõi, tuy đơn giản, không cầu kỳ, nhưng lại vô cùng hấp dẫn, quyến rũ bởi hương vị rất đặc trưng và bởi nguyên liệu để chế biến những món này luôn tươi rói, với những con cá như vừa được bắt từ dưới kênh, rạch, đìa lên.

Ngoài ra những món lẩu được chế biến từ các loại mắm nổi tiếng như mắm tép, mắm cá lóc ăn với các loại rau rừng cũng vô cùng hấp dẫn, khiến du khách thưởng thức một lần là nhớ...

Đúng như một “thi sĩ dân gian” nào đó từng viết: “Tiếng đồn vang vọng thật xa/ Tuyệt vời lẩu mắm đậm đà thật ngon/ Khi  anh về tới Sài Gòn/ Hương thơm phảng phất vẫn còn đâu đây”.

Đặc biệt là món gỏi nhộng ong, hay còn gọi là ong non và ba khía muối là những món ẩm thực đặc sản đặc trưng truyền thống của vùng Đất Mũi.

Đối với dân nhậu, được lai rai rượu Cà Mau truyền thống với món gỏi nhộng ong rừng U Minh thì tuyệt, đây là món ẩm thực được liệt vào hàng “đệ nhất” các món ngon của Cà Mau nói chung, Đất Mũi nói riêng.

Nhộng ong U Minh khi chế biến thành gỏi có vị bùi, béo ngậy của nhộng ong kết hợp với vị thơm gia vị của các loại rau, bắp chuối, đậu phộng tất cả được hòa trộn tạo nên món ẩm thực tuyệt ngon không thể diễn tả hết bằng lời.

Món ba khía tuy có vị mặn, nhưng khi chế biến xong với dấm, đường, sả, tỏi, ớt thích hợp sẽ tạo nên đủ vị chua, cay, ngọt làm dịu bớt đi vị mặn ăn với cơm, hay lai rai nhậu cũng đều hao cơm, tốn rượu khiến du khách thưởng thức một lần rồi nhớ mãi. 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh