CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:26

'Võ Tòng' phim Đất phương Nam đi hát hội chợ để mưu sinh

20 năm sau khi Đất phương Nam đóng máy, bộ phim cùng dàn diễn viên vẫn lưu lại trong lòng khán giả ký ức đẹp về đời sống và tính cách bình dị của các nhân vật người dân Nam bộ. Nhân vật Võ Tòng cũng trở thành vai diễn để đời của diễn viên Lê Quang.

Chàng "Võ Tòng" ngày nào đã bước vào tuổi lục tuần, xuất hiện thường xuyên tại các sân khấu hội chợ với vai trò ca sĩ. Nam diễn viên vẫn "rùng mình" khi nhớ lại vai diễn để đời của mình trong bộ phim truyền hình. "Đó là những cái đau thân thể cảm nhận được để hóa thân trọn vẹn cho vai diễn", anh nói.

Để trở thành một Võ Tòng can trường và hồn hậu trong phim, chân Lê Quang nhiều lần tứa máu khi đạp phải mảnh chai, gai nhọn và những gốc cây đước dưới lòng sông được người dân vát nhọn mỗi khi thu hoạch. "Gốc đước nằm sâu dưới nước mình không thể biết để né. Mỗi lần dẫm lên, cái đau chạy ngược từ chân lên sống lưng, đau đến chết lặng mà vẫn phải cố diễn", anh nhớ lại.

 

Tạo hình Võ Tòng của Lê Quang trong phim "Đất phương Nam"

 

Lê Quang nói rằng nghề diễn rất nghiệt ngã khi diễn viên phải hy sinh nhan sắc, sức khỏe dưới mọi điều kiện thời tiết. Với một diễn viên không có lợi thế về ngoại hình như anh, sự hy sinh lớn hơn khi không phải vai diễn nào cũng phù hợp. Nhiều lần Lê Quang mạo hiểm đảm nhận vai trò cascadeur cho chính vai diễn của mình để có thêm tiền công. Kỷ niệm để lại là những vết sẹo trên thân thể.

Sau Đất phương Nam, Lê Quang góp mặt trong nhiều bộ phim khác nhưViên ngọc Côn Sơn, Trùng Quang tâm sử, Chúa tàu Kim Quy, Người Bình Xuyên... Những vai tướng cướp, giang hồ về sau của anh khá mờ nhạt trong lòng khán giả. Những vai phụ như thế không mang đến thu nhập ổn định khiến cuộc sống Lê Quang chật vật. Tuy vậy, nam diễn viên cho biết anh chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. 

Để mưu sinh, vừa lo cho gia đình vừa nuôi dưỡng đam mê diễn xuất, Lê Quang làm cùng lúc nhiều việc. Anh từng chụp ảnh, thiết kế, tráng rửa ảnh. Anh còn nhận làm làm MV cho các ca sĩ trẻ mới vào nghề. Có thời kỳ, chàng "Võ Tòng" gom vải vụn từ các tiệm may về đan thành thảm chùi chân, thảm lau nhà rồi bỏ mối khắp Sài Gòn. 

Vài năm trước, nhờ sự dẫn dắt của diễn viên Kim Tính, Lê Quang chuyển sang nghề đi hát ở nhà hàng, quán bar, hội chợ. Khi đó, Lê Quang đang làm chủ nhiệm một phim truyền hình. Anh đã gật đầu đồng ý sau một vài phút đắn đo khi so sánh thù lao của công việc này với thu nhập thất thường bên phim ảnh. "Việc đóng phim hay làm chủ nhiệm phim ăn theo mùa vụ. Chủ nhiệm một bộ phim có thể nhận được vài chục triệu trong vòng ba, bốn tháng nhưng di chuyển nhiều, quay vòng thế nào đi đâu hết. Bởi vậy tôi phải tính kế lấy ngắn, nuôi dài, có thu nhập ổn định mới yên tâm làm phim", anh nói. 

Trừ đi tất cả chi phí đi lại, ăn ở, Lê Quang thu về từ ba đến năm triệu đồng cho một suất hát. Lịch hát của anh hiếm khi trống nên đây được coi là nguồn thu nhập ổn định của anh. Tuy vậy, điều khiến anh vừa vui vừa trăn trở là mỗi khi đi hát, bầu show vẫn phải mượn danh "Võ Tòng" để bán vé. "Khi tôi bước ra sân khấu, giới thiệu là diễn viên Lê Quang không ai biết. Nhưng khi nói Võ Tòng, khán giả vỗ tay rần rần". Trong số những bài hát được nam diễn viên trình bày, Bài ca đất phương Nam cũng luôn là tác phẩm được anh thể hiện thường xuyên.

 

Võ Tòng" của hiện tại

Lê Quang hiện sống cùng người vợ thứ hai và hai con gái trong căn nhà của gia đình vợ. Anh thường đi hát vào buổi tối còn vợ đi làm từ sáng sớm, vì thế mọi việc trông con, đi chợ, cơm nước cho con... do một tay anh lo liệu. Anh tự nhận mình vừa làm cha vừa làm mẹ trong nhà. "Những khi tôi đi diễn tỉnh, mẹ con cô ấy thường ra ngoài ăn chứ ít khi tự nấu". Trong mắt con gái, Lê Quang luôn là số một, đặc biệt về khoản nấu ăn. 

Tình cảm mà nam diễn viên dành cho gia đình khiến bạn bè, đồng nghiệp yêu mến. Diễn viên Kiều Trinh - người được Lê Quang giới thiệu vào vai diễn đầu đời trong phim Mùa len trâu - chia sẻ: "Nhìn tướng Lê Quang bặm trợn, dữ dằn vậy nhưng tính tình rất dễ thương. Niềm hạnh phúc của anh ấy là nấu những món ăn ngon cho vợ con, hay cùng hai con gái nằm coi phim bộ. Khó có ai rủ được Lê Quang tụ tập, nhậu nhẹt".

Trải lòng về cuộc sống hiện tại, Lê Quang cho rằng anh còn may mắn hơn những người thợ hồ, anh lao công hay người đạp xích lô. "Hết đi quay, đi hát, tôi về nhà đọc kịch bản, nghiền ngẫm nhân vật trong khi họ phải lăn lộn cả ngày ngoài đường, tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. Tôi không thấy xấu hổ khi làm nhiều việc kiếm tiền miễn là lương thiện. Sau này, nếu không đi diễn, đi hát được nữa, có thể tôi sẽ đi bán vé số", Lê Quang nói.

 

Đất phương Nam là phim truyền hình dài tập gây tiếng vang những năm 1990. Phim do NSƯT Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và biên kịch dựa trên tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.

Trên bối cảnh những khu rừng ngập mặn Nam bộ, êkíp dựng lên cuộc sống của những nông dân bình dị thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dù loạn lạc, mất mùa, người dân luôn đùm bọc, yêu thương, động viên nhau vượt qua gian khó. Các nhân vật trong phim đã trở thành hình tượng đẹp trong ký ức nhiều thế hệ như bé An (Hùng Thuận), thằng Cò (Phùng Ngọc), Võ Tòng (Lê Quang), ông Ba bắt rắn (NSƯT Mạnh Dung), bác Ba Phi (nhà văn Mạc Can)..

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh