Dàn diễn viên Đất phương Nam ngày ấy – bây giờ
- Văn hóa - Giải trí
- 16:54 - 20/06/2015
Đất phương Nam là bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, phát sóng năm 1997 sau 3 năm thực hiện. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Nhân vật chính là cậu bé 12 tuổi An, do Hùng Thuận đảm nhận. Với gương mặt ngây thơ, trong sáng, đôi mắt biết nói và lối diễn xuất tự nhiên, Hùng Thuận đã chinh phục được khán giả cả nước.
Chuyến hành trình đi tìm cha đầy cảm động của An giữa sự đùm bọc và lòng nhân ái của đồng bào đã lấy đi nước mắt của khán giả nhiều thế hệ. Vai diễn để đời này cũng đã mang về cho Hùng Thuận giải Mai Vàng dành cho diễn viên được yêu thích nhất cùng với nhiều giải thưởng khác.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Hùng Thuận chuyển hướng sang làm ca sĩ. Anh là thành viên của nhóm nhạc MBK với 2 thành viên khác. Sau một thời gian hoạt động không mấy thành công, nhóm MBK tan rã, còn Hùng Thuận bước vào sự nghiệp solo của mình. Tuy nhiên, nghiệp cầm ca của anh chàng cũng không mấy khởi sắc.
Một vài năm trở lại đây, Hùng Thuận trở lại với nghệ thuật thứ 7 qua một số bộ phim truyền hình như Hoa ngũ sắc, Nàng dâu bất đắc dĩ, Dòng đời, Cổng mặt trời… Tuy nhiên, cái bóng của “bé An” quá lớn khiến cơ hội tỏa sáng lần nữa trên màn ảnh của anh trở nên khó khăn. Chính Hùng Thuận cũng thừa nhận rằng mình "không thể thoát khỏi nhân vật An".
Năm 2008, Hùng Thuận kết hôn với một cô gái kém anh 3 tuổi, cũng chính là fan trung thành của bé An trong Đất phương Nam. Cặp đôi sinh một bé trai rất kháu khỉnh và giống bố như đúc. Thời gian sau, có những nguồn tin cho rằng cặp đôi đã đường ai nấy đi sau 6 năm chung sống. Tuy nhiên, Hùng Thuận không chia sẻ nhiều với báo chí mà vẫn úp mở về những rạn nứt trong hôn nhân.
Hai bố con Hùng Thuận hiện đang gây sốt ở chương trình truyền hình thực tế 'Bố ơi! Mình đi đâu thế?'. Bé An của phim 'Đất phương Nam' ngày nào giờ đã là một ông bố trẻ. Anh tự hào vì có cậu quý tử điển trai như 'hot boy'.
Hóa thân thành công vào vai cậu bé Cò, bạn chí cốt của An trong “Đất phương Nam”, Phùng Ngọc cùng Hùng Thuận khi ấy là những diễn viên nhí sáng giá nhất của làng phim Việt.
Sau "Đất phương Nam", Phùng Ngọc muốn tiếp tục với nghiệp diễn nhưng không có duyên. Phim duy nhất mà anh để lại dấu ấn là "Ông nội và cháu đích tôn" năm 2002. Do mẹ mất sớm và không thân thiết với bố, Phùng Ngọc phải tự bươn chải cuộc sống hàng ngày. Anh làm đủ mọi nghề, đến mức tự gọi bản thân là "thợ đụng" - tức đụng gì làm nấy.
Hiện tại, Phùng Ngọc đang sống thuê trong một căn nhà nhỏ 16 mét vuông cạnh nhà bố ruột. Anh làm đủ nghề từ xe ôm, sửa máy, cắt tóc dạo,... để chắt chiu từng đồng sống qua ngày. Tuy khán giả màn ảnh nhỏ cảm thấy đồng cảm với cuộc sống không may mắn của chàng diễn viên "nhí" có tài nhưng không gặp thời, Phùng Ngọc vẫn tỏ ra khá vui vẻ không than phiền gì về nghề "thợ đụng" của mình.
Đưa hai cậu bé An và Cò rong ruổi trên con đường đi tìm cha chính là ông Ba bắt rắn do diễn viên Mạnh Dung đóng. Dù là người gốc Bắc, nhưng ông nhập vai "ngọt" từ giọng nói, điệu bộ, cử chỉ rất điển hình của người nông dân chân lấm tay bùn miền sông nước phương Nam.
Diễn viên Mạnh Dung được khán giả yêu phim Việt nhớ đến với hình ảnh mái tóc hoa râm buộc chỏm phía sau, bộ râu bạc phơ, đôi lông mày phúc hậu. Qua mấy chục năm trong nghề, ông đã trở thành giảng viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Song song với nghề dạy, ông còn làm đạo diễn sân khấu cải lương và tham gia một số vai phụ trong các phim truyền hình.
Giờ đây, nghệ sĩ Mạnh Dung đã nghỉ hưu và sống hạnh phúc bên cạnh người bạn đời là NSƯT Thanh Dậu.
Những năm 1997-1998, Cát Phượng vẫn là một diễn viên hài chưa có nhiều tên tuổi. Tham gia “Đất phương Nam” với một vai phản diện là vợ tên Việt gian Tư Mắm, Cát Phượng gây ấn tượng với khán giả bởi cách diễn rất đặc sắc và độc đáo của mình.
Sau “Đất phương Nam”, Cát Phượng chuyển sang thể loại hài là chính và xuất hiện phần lớn trên các sân khấu kịch. Cô được khán giả mến mộ bởi lối diễn hài duyên dáng và rất tự nhiên.
Trải qua một số mối tình, năm 2004, Cát Phượng kết hôn cùng diễn viên Thái Hòa. Cả hai có với nhau một bé trai kháu khỉnh tên Bom. Nhưng cuộc hôn nhân này lại có một kết thúc buồn là ly dị. Hiện tại Cát Phượng đã tìm được tình yêu mới nhưng chưa vội làm đám cưới vì muốn con trai lớn thêm.
Bộ phim Đất phương Nam đã dành cho "tay ngang" Lê Quang một vai diễn để đời là anh Tư Võ Tòng. Võ Tòng tướng tá bặm trợn, râu tóc tua tủa, lầm lì nhưng tốt bụng và nhân hậu, Võ Tòng đem lòng yêu cô Út Trong nên không quản nguy hiểm tay không giết cá sấu, lấy vàng bạc châu báu trong dạ dày "quái thú" làm của hồi môn, để rồi sau đó như người lạc mất hồn khi cô Út bị bắt đi ngay sau ngày cưới.
Sau vai diễn Tư Võ Tòng để đời, Lê Quang tiếp tục được mời đóng hàng loạt phim khác từ Viên ngọc Côn Sơn, Trùng Quang tâm sử đến Chúa tàu Kim Quy, Người Bình Xuyên... Đến nay, số lượng bộ phim Lê Quang đóng đã vượt qua con số 40, tuy nhiên các vai diễn sau này của anh gần như bị lu mờ. Bên cạnh đó, Lê Quang còn tham gia làm đạo diễn ca nhạc và làm ca sĩ. Có lẽ sau thời vàng son của Đất phương Nam, Lê Quang vẫn mãi lênh đênh để được sống trọn với đam mê của mình. Chục năm sau, hầu như khán giả "không thèm" nhớ tên thật của anh, mà cứ gọi trìu mến Võ Tòng.
Nếu ai đã từng đọc qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi thì chắc chắn sẽ ấn tượng với nhân vật bà Tư Ú mập mạp, dễ gần và rất yêu quê hương đất nước. Từ truyện, bà Tư Ú bước lên màn ảnh với tạo hình gần như là dành riêng cho diễn viên Mai Thanh Dung. Chưa cần diễn, chỉ cần thấy Mai Thanh Dung xuất hiện là khán giả đã biết ngay đó là bà Tư Ú.
Nghệ sĩ Mai Thanh Dung đam mê kịch nghệ từ nhỏ. Dù bị gia đình ngăn cản nhưng bà vẫn kiên trì đi với nghề diễn đến cùng. Sự nỗ lực, lòng yêu nghề và tài năng đưa bà trở thành một trong những diễn viên kịch nói có tiếng tại sân khấu kịch phía Nam.
Từ năm 1980, nghệ sĩ Thanh Dung bắt đầu giảng dạy bộ môn luyện giọng, phát âm tại ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Khi đã nghỉ dạy tại trường đại học, bà tiếp tục đào tạo cho các em thiếu nhi ở cung văn hóa. Những học trò thành danh của bà phải kể đến NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, diễn viên Thanh Thủy…
Tương tự như Cát Phượng, Kiều Oanh trước khi tham gia Đất phương Nam đi diễn hài khá nhiều, nhưng phải tới khi xuất hiện trong vai Năm Xuân - cô đào hát tài sắc vẹn toàn nhưng đoản mệnh, tên tuổi của chị mới vụt sáng. Phân cảnh cô đào hát vở Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà rồi tự tử được đánh giá là một trong những phân cảnh hay của bộ phim.
Sau Đất phương Nam, Kiều Oanh càng nổi hơn qua nhiều vai diễn của các phim truyền hình khác như Giã từ dĩ vãng, Những nẻo đường phù sa, sô diễn hài, kịch nói… cũng đắt hơn rất nhiều. Đúng vào thời điểm đỉnh cao, Kiều Oanh theo chồng sang Mỹ và tham gia diễn ở các sân khấu hải ngoại. Sau đó, cô có trở lại Việt Nam để đóng phim, diễn kịch. Cuối năm 2013, Kiều Oanh và Lưu Huỳnh chia tay với nhiều tai tiếng, ồn ào.
Người hâm mộ phim “Đất phương Nam” hẳn không ai quên được hình ảnh ông Ba ngủ đã từng cưu mang cậu bé An. Ông Ba được NSƯT Hồ Kiểng hóa thân trọn vẹn với hình ảnh một ông già Nam Bộ ham nhậu, ưa vọng cổ, rất tốt bụng và hiền lành.
Tuy là một diễn viên gạo cội, song cuộc sống của nghệ sĩ Hồ Kiểng gặp rất nhiều khó khăn, lận đận. Hồ Kiểng 4 lần lấy vợ, có 4 mặt con nhưng cuối đời, ông vẫn sống đơn lẻ một mình trong căn phòng chưa đầy 15 mét vuông, đồ đạc đắt giá nhất trong nhà là chiếc quạt máy.
Ngày 3/4/2013, "Ông già Nam Bộ" đã trút hơi thở cuối cùng, từ giã cuộc đời lắm truân chuyên. Hơn 60 năm trong nghề, giờ đây ông đã được vinh danh nghệ sĩ ưu tú. Hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 vở kịch truyền hình, 12 vở cải lương… là những tác phẩm ông để lại cho đời.