CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:57

Vợ mù, chồng liệt hành khất nuôi 3 con học đại học

Chồng bại liệt cưới vợ mù lòa

Giữa tháng 12/2014, có dịp về ấp Long Thành A, xã Long Hậu, (huyện Lai Vung, Đồng Tháp), chúng tôi nghe nhiều người ngợi khen hết lời về đôi vợ chồng tật nguyền “vượt lên số phận”, ông Phạm Văn Mơ (SN 1946) và bà Nguyễn Thị Gấu (SN 1954). Men theo con đường rải đá nhỏ dẫn về rạch Chợ Mới, không khó lắm để tìm nhà ông Mơ.

Vợ chồng ông Mơ đang sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ nhưng vô cùng ấm cúng. Căn nhà này được xây dựng từ những đồng lương của con gái cùng tiền của một số nhà hảo tâm hỗ trợ và cả tiền tích cóp sau 22 năm dài làm nghề hành khất của vợ chồng ông. Thời gian gần đây, căn bệnh tai biến hành hạ, cộng với tuổi cao nên ông Mơ phải nằm một chỗ, việc ăn uống, sinh hoạt cũng khó khăn.

Tuy nhiên, khi nghe khách tới nhà ông Mơ cố gắng trò chuyện và luôn tỏ niềm vui khi chứng kiến 3 cô con gái vào đại học. Bà Gấu dù 2 mắt mù lòa nhưng từng vị trí trong nhà bà đều thuộc nằm lòng. Bà nấu cơm, làm thức ăn chẳng thua kém gì những người sáng mắt.

Bà Gấu mù lòa, ông Mơ bị bại liệt, ăn xin 22 năm nuôi 3 con vào đại học

Bà Gấu và ông Mơ 

Rót tách trà mời khách, bà Gấu tâm sự: “Lúc tui mới sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng gia cảnh rất nghèo khó. Năm lên 5 tuổi tui bị chứng bệnh đậu mùa rồi dẫn tới mù lòa 2 mắt do không có điều kiện chữa trị. Nhà nghèo, lại bị mù nên gia đình ai cũng bảo cuộc đời tui coi như khó có tương lai tươi sáng và bản thân tui cũng nghĩ như vậy. Thế rồi năm tui được 32 tuổi, trong lần tình cờ, tôi quen biết với ông Mơ lúc đó đã 40 tuổi và bị bại liệt từ nhỏ. Hoàn cảnh ông Mơ cũng nghèo khó như tui và cũng bị tật nguyền giống nhau và không biết có phải vì vậy mà 2 chúng tôi có sự cảm thông chia sẻ những bất hạnh, để rồi “đến” với nhau bằng cả trái tim và khát vọng sống”.

Tiếp lời vợ, ông Mơ trầm ngâm nhớ lại: “Hai chúng tui biết nhau, tìm hiểu nhau và yêu nhau từ con tim cháy bỏng của mình, cũng như bao nhiêu người khác. Song, để nên vợ nên chồng là không đơn giản chút nào. Thoạt đầu, gia đình hai bên có người thông cảm, nhưng có người khuyên can nếu chúng tôi cưới nhau thì sau này sẽ làm gì sinh sống, bởi cả 2 đều tật nguyền. Chưa kể trường hợp sinh con liệu bọn chúng có mang dị tật gì như cha mẹ hay không? Mọi người lo toan cũng đúng. Vấn đề là chúng tôi nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để được sống cùng nhau và chứng minh khả năng sinh tồn của mình”.

Muốn sống chỉ có cách đi ăn xin

Sau khi cưới, gia đình bà Gấu cho một miếng đất để vợ chồng cất căn nhà nhỏ ở riêng và giao 2 công ruộng làm kế sinh nhai. Bản thân bà Gấu bị mù nên không thể làm ruộng được, trong khi ông Mơ bị bại liệt khiến tay chân yếu ớt, vì vậy làm ruộng cũng không hiệu quả. Kinh tế chật vật, nên đôi vợ chồng này lúc nào cũng cậy nhờ anh chị em tiếp sức, trong khi gia đình 2 bên đều nghèo nên không thể giúp mãi được.

Đi ăn xin nuôi con họa đại họcÔng Mơ bị bệnh tai biến nặng không đi lại được

Ông Mơ kể, cảnh nhà càng thêm khó khi con gái lớn chào đời vào năm 1987 và tới năm 1989 vợ chồng lại đón tiếp cô con gái thứ 2, Tiếng khóc của 2 con thơ khiến đôi vợ chồng vui mừng khôn tả, bởi tất cả đều bình thường không bị dị tật, song chuyện cơm gạo, sữa, thuốc men… vây chặt, khiến đôi vợ chồng tật nguyền vô cùng khổ sở.

Ông Mơ suy nghĩ, bản thân mình bị tật nguyền và chịu khổ thì không nói gì, nhưng không để con cái nó chịu vạ lây, bởi bọn chúng không có tội. Nhiều đêm trằn trọc, đôi vợ chồng bàn với nhau “thôi thì chọn nghề đi ăn xin để cả nhà mưu sinh, dù biết rằng không hề muốn nhưng đã hết cách”.

Khoảng năm 1992, người dân xã Long Hậu thấy mỗi sáng có đôi vợ chồng tật nguyền bồng bế 2 con nhỏ lang thang khắp nơi để xin những đồng bạc lẻ của các nhà hảo tâm. Vợ chồng ông Mơ dù ăn xin nhưng rất hiền lành, từ tốn… nên được lòng bà con xa gần, ai thấy cũng thương. Chồng bại liệt – dẫn vợ mù lòa, cùng dắt thêm 2 con nhỏ nên gặp những lúc mưa gió khiến cả 4 người ướt sũng, trượt té nhào xảy ra thường xuyên.

Thương cảnh nghèo khó, nên người dân địa phương cho vợ chồng ông Mơ chiếc ghe cũ làm phương tiện đi lại. Có được chiếc ghe nên ông bà đi ăn xin dễ dàng hơn và đi được xa hơn. Mỗi tối khi về nhà, bà Mơ đều tâm sự với chồng phải làm cái đó cho con cái sau này có nghề nghiệp mới mong thoát được nghèo.

Rồi vợ chồng đưa ra một quyết định khiến ai nấy “giật mình”, đó là nỗ lực nuôi con cái học lên đại học. “Lúc đó nhiều người nói vợ chồng tui không biết lượng sức mình, hàng ngày đi xin không đủ lo gạo ăn mà nói gì tới nuôi con lên đại học. Người ta còn bảo, xứ này có nhiều gia đình khá giả mà con cái họ chưa học nổi tới đại học huống hồ gì cảnh nghèo như tui. Họ nói có lý nên mình im lặng, tuy nhiên dù khó cách mấy vợ chồng tui cũng quyết tâm”, bà Gấu kể lại.

Kỳ tích khó tin nhưng có thật

Khi các con tới tuổi đi học, bà Gấu yêu cầu chồng ở nhà chăm lo việc bọn trẻ tới trường, còn chuyện đi xin để mình bà lo liệu. Những khi rảnh thì ông Mơ cũng tranh thủ cùng vợ đi xin khắp nơi xa gần và tuyệt đối “tiết kiệm” để đầu tư chuyện học cho con. Năm 1995, bà Gấu sinh con gái thứ ba và chuyện ăn xin cũng được vợ chồng duy trì, bởi không có nguồn thu nào khác.

2 đứa con gái lớn có việc làm, và vừa xây được căn nhà cho cha mẹ… 

Người đời có câu “nợ mòn, con lớn”, hay “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Và chuyện vượt khó của đôi vợ chồng tật nguyền cuối cùng cũng đơm hoa kết trái. Cha mẹ đều không biết chữ nên chẳng ai dạy từ nào, nhưng cả 3 cô con gái của ông Mơ đều nỗ lực tự học và học rất giỏi. Năm 2005, cô con gái lớn Phạm Thị Hương thi đậu vào trường Đại học Đồng Tháp, chuyên ngành công tác xã hội. Sau khi Hương ra trường em đã được nhận vào làm ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Năm 2008, cô con gái thứ hai Phạm Thị Thùy Lan thi đậu vào ngành tài chính ngân hàng thuộc trường Đại học Đồng Tháp. Hiện tại, Thùy Lan cũng đã ra trường và đang làm cho một công ty tư nhân ở huyện Lấp Vò. Còn cô con gái út Phạm Thị Thùy Dung cũng đã thi đậu vào khoa Kinh tế - trường Đại học Cần Thơ và đang học năm thứ 2 ngành kinh doanh quốc tế.

Bà Đặng Ngọc Hương, Phó chủ tịch UBND xã Long Hậu nhìn nhận, hành trình vượt khó của người chồng bại liệt- vợ mù lòa, cùng nhau ăn xin suốt 22 năm để nuôi 3 cô con gái thi đỗ đại học, thật là một kỳ tích “có một không hai” ở xứ này.

Ban đầu khi nghe chính quyền nói chuyện này thì rất nhiều người không tin sự thật, tới khi được chứng kiến tận mắt thì tất cả đều nễ phục sát đất. Ông Mơ, bà Gấu luôn khuyên dạy các con học giỏi, sống tốt để không phụ lòng các nhà hảo tâm đã giúp đỡ trong suốt thời gian qua.

Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May bộc bạch: “Rất cảm động trước sự vươn lên vượt khó của đôi vợ chồng tật nguyền này. Chọn con đường học vấn để xóa nghèo là bước đột phá đúng đắn và can đảm. Từ tháng 11/2014 trở đi, tôi tự nguyện hỗ trợ mỗi tháng 1,2 triệu đồng cho em Thùy Dung lo việc học cho tới khi ra trường…”. 

HƯNG TÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh