Vĩnh Phúc: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2023
- Bài thuốc hay
- 09:22 - 08/12/2023
Ngày 24/11/2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh ban hành Văn bản số 3553/SLĐTBXH-LĐVL ngày 24/11/2023 về xác nhận kết quả giải quyết việc làm 9 tháng đầu năm 2023 và ước cả năm 2023 gửi UBND các huyện, thành phố. Theo đó, ước thực hiện năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết việc làm mới cho 20.735 người, đạt 121,9% so với chỉ tiêu giao theo Kế hoạch số 41/KH-BCĐ ngày 20/02/2023 của BCĐ Giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó: Giải quyết việc làm mới trong nước cho 19.705 lao động. Đưa 1.030 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động kê khai hồ sơ tìm kiếm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTDVVL)
Theo bà Ngô Thục Phương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc, để có kết quả vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu giải quyết việc làm cho 17.000 lao động trong năm 2023), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các đơn vị sở, ngành liên quan thực thực hiện đồng bộ các giải pháp: Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác lao động, người có công và công tác xã hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, dự báo, phổ biến và quản lý thông tin thị trường lao động của tỉnh.
Thực hiện hiệu quả việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; sử dụng có hiệu quả nguồn lao động đi xuất khẩu lao động trở về nước; quan tâm tạo việc làm cho nhóm người lao người đặc thù, trong đó có chấp hành xong án phạt tù, để người lao động tái hòa nhập cộng đồng, có thu nhập ổn định cuộc sống.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến; có sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác giải quyết việc làm, để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò ý nghĩa của công tác tư vấn, giải quyết việc làm tại địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững và phát triển đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Đối với thị trường việc làm trong nước, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai các biện pháp như: Tăng cường hợp tác giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh với các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm ngoài tỉnh, để xúc tiến đưa lao động tỉnh ngoài đến làm việc tại Vĩnh Phúc. Tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp đóng trụ sở trên địa bàn tỉnh, để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, duy trì việc làm cho người lao động. Tiếp tục thực hiện ghi chép, cập nhật thông tin thị trường lao động, để hoàn thiện cơ sở dữ liệu thị trường lao động của tỉnh, làm cơ sở hoạch định chính sách sử dụng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn của tỉnh ủy thác.
Đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm, đồng thời tăng cường liên kết với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm mở rộng phạm vi khai thác thông tin thị trường lao động, tăng số lượng lao động cung ứng và rút ngắn thời gian cung ứng lao động…
Tỉnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Quy định chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ một số chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025. Quản lý chặt hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện pháp lý, năng lực hoạt động tham gia tuyển chọn, đưa lao động Vĩnh Phúc đi làm việc ở nước ngoài.
Đại diện Phòng Việc Làm, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc cũng cho biết, mức thu nhập bình quân trên địa bàn tỉnh hiện đạt từ 8,9 đến 12 triệu/tháng, đứng thứ 4 trong 10 địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng, sau Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Với mức thu nhập đó, người lao động có thể tiết kiệm, gửi về nhà vì chi phí sinh hoạt ở Vĩnh Phúc khá thấp.
Được biết, hiện nay, nhà ở xã hội của Vĩnh Phúc đang được tỉnh quan tâm đầu tư. Các chế độ phúc lợi khác, như: hỗ trợ nuôi con nhỏ; xăng xe… được các doanh nghiệp hỗ trợ đầy đủ.
Công việc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất ổn định. Bên cạnh đó, với khoảng cách địa lý khá gần nên người lao động từ Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái về Vĩnh Phúc làm việc sẽ thuận lợi hơn các tỉnh khác.
Nhìn tổng thể năm 2023, ông Lưu Văn Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc khẳng định, chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo...tiếp tục được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Thị trường lao động dần ổn định và phát triển theo hướng linh hoạt, hiệu quả góp phần ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Toàn tỉnh có khoảng 265.026 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (tăng 16.464 người so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó 1.235 lao động làm trong doanh nghiệp nhà nước; 92.755 lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và 171.036 lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lao động nữ chiếm khoảng 53,6%; lao động ngoại tỉnh chiếm 27% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.