Viết theo… “đặt hàng” của thời cuộc
- Văn hóa - Giải trí
- 12:18 - 21/06/2015
Thời thanh niên sôi nổi
* Là nhà thơ của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, lại là thầy giáo, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề báo?
- Xuất phát từ sáng tác thơ. Những bài thơ tôi làm, trước khi trở thành người lính thông tin, lên đường nhập ngũ ngày tổng động viên 6/9/1971, tôi đã tham gia thực tế sáng tác ngay tại chiến trường khốc liệt Hàm Rồng. Thời đấy, thơ ca và báo chí ranh giới rất ít, sức tác động tới toàn dân từ các bài thơ có tính hiệu triệu, sức mạnh ngang với một bài báo.
Ở lứa tuổi 20, tham gia ở chiến trường khốc liệt Quảng Trị. Bom ném trước mặt như cơm bữa. Lính thông tin với núi hành trang sau lưng, trèo đèo, leo dốc ngày đêm, giữa ì ầm tiếng phản lực trên tít mây mù. B52 thỉnh thoảng lại dội tọa độ xa xa… Các bài thơ, bài báo ra đời từ khốc liệt chiến trường như thế.
Ngày nhập ngũ từ sân trường Đại học thương nghiệp Hà Nội, 6.9.1971
* Hai bài thơ “Cây xấu hổ” và “Mưa trên mái tôn” rất nổi tiếng của ông thời đó ra đời trong hoàn cảnh nào, khi được giải ông có biết không?
- Bài “Cây xấu hổ” tình cờ thôi, khi tôi chạy máy bay, đã nhào đúng vào một lùm cây xấu hổ (tiếng quê tôi gọi là cây thẹn) và bị gai cào cho rớm cả máu. Đó chính là cây xấu hổ đã đi vào bài thơ cùng tên. Đó là một ngày như mọi ngày, đi nối mạch máu thông tin liên lạc, thì đối diện với một “chú” OV10 cứ vo ve trên đầu, tôi không khỏi cảm thấy... oai oai! Tuy nhiên, cũng không hiên ngang được lâu, vì chú OV10 này lúc lúc lại ngoặt cánh, đảo vòng lượn, tiếng động cơ bỗng chói gắt lạ thường, dấu hiệu sắp ném pháo khói - khiến tôi phải ba chân bốn cảng chui vội vào lùm lau ven đường, cành cây xấu hổ bất giác đã cho tôi cảm hứng sáng tác: “Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình…”
Khi đăng 2 bài này trên báo văn nghệ, tôi vẫn ở chiến trường không hề biết được giải và cũng không biết là được yêu thích như thế.
Thời chiến, bút ký là thể loại “đại bác” của báo chí
* Những tháng ngày khốc liệt ở túi bom Quảng Trị ấy hiện diện trong các tác phẩm thơ ca và báo chí của ông như thế nào, thưa ông?
- Tất cả trở thành cảm xúc, và hiện thực sống động trong hàng loạt tác phẩm thơ và bút ký sau này. Thời đấy bút ký được coi là thể loại “đại bác” của báo chí. Nhớ có đêm dài tránh bom trên đường 9, tôi và đồng đội sống dưới cống. Những hòm đạn là giường của lính tráng chúng tôi. Nếu không bị những cái đinh ngoi lên, thi thoảng nhói vào lưng, thì hòm đạn cũng không khác giường là mấy (cười hóm hỉnh). Muỗi như trấu, cống thì khỏi phải tả, hôi thối vô cùng, dưới chân thì chuột chạy, coi lính tráng như rơm rác (cười), chạy như giặc dưới chân, trên đầu thì đường xe chạy ầm ầm suốt ngày, máy bay trinh sát của địch quần rít từng hồi… Rồi bom rơi, rồi đạn dội. Chiếc cống trở thành “tổ ấm” bình yên nhất với lính thông tin liên lạc…
Nhà thơ Anh Ngọc hiện nay.
Đó là những kỷ niệm của những người lính thời chống Mỹ không thể quên, trở thành vốn sống, phần ký ức quan trọng, đưa vào các sáng tác thơ, bút ký, ký sự sau này trên báo Quân đội Nhân dân, Văn nghệ quân đội… Những bài thơ thời đó có sức chiến đấu mạnh mẽ, không phân biệt tác phẩm báo chí hay văn thơ rạch ròi như hiện nay. Tính chiến đấu và hiệu triệu lòng người rất cao.
Hành trang cuộc đời người lính chỉ có thế, những đêm dài nghe bom rơi, nối dây liên lạc bất kể ngày đêm, trèo núi băng sông với thiết bị liên lạc nặng hàng chục ký sau lưng là hành trang vô giá của đời lính… Cứ thế đi tiếp vào vùng giải phóng Quảng Trị, cho đến ngày ký Hiệp định Paris thì cấp trên gọi ra Bắc làm báo Quân đội Nhân dân, bắt đầu những tháng ngày làm báo chuyên nghiệp.
* Từ chiến trường trở về cầm bút trên tờ báo “nặng ký” thời ấy, làm người lính trên mặt trận mới, gian khổ thế nào thưa ông?
- Trên bất cứ mặt trận nào cũng đòi hỏi phải lăn vào thời cuộc. Phải xông pha ra chiến trường, làm phóng viên chiến trường! Ngày 22/1/1975, chúng tôi gồm 9 phóng viên được cử vào chiến trường để phản ánh cuộc chiến- chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Đây là những tháng ngày hào hùng nhất, mà đời làm báo, đã cho tôi những cơ hội để được hòa mình vào những thời khắc lịch sử ấy.
Lưu giữ cảm xúc chiến trường bằng trái tim, “chụp” sự kiện bằng ký họa
* Ở chiến trường, điều kiện khó khăn, gửi bài về tòa soạn bằng cách nào thưa ông?
- Thời đấy, chỉ có Thông tấn xã là có đủ điều kiện để gửi bài về ngay, còn chúng tôi, đến cây bút còn hiếm, máy ảnh không có, tất cả “ghi âm”, “chụp ảnh” hoàn toàn bằng trí nhớ, lưu giữ cảm xúc chiến trường bằng trái tim, có thời gian thì “chụp” sự kiện bằng ký họa… Cứ thế lao vào chiến trường, tuổi xuân là những tháng ngày hành quân cùng các chiến sĩ, lăn vào chiến trận. 9 phóng viên báo Quân đội Nhân dân khi đó chia làm 3 cánh: Cực Nam Trung bộ (khu 6), miền Đông, miền Tây Nam bộ… Tôi đi vào chiến trường Khu 6, từ Hà Nội vào Bình Thuận mất 1 tháng nằm trên thùng xe gác và nửa tháng cuốc bộ. Những ngày tháng cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, đi đến đâu tin thắng trận đến đấy. Trong đầu nghĩ “Phải vào Sài Gòn ngay lập tức”! Thế là lại hành quân!
Đông Hà, 1.1975, cùng đoàn nhà báo QĐND vào Nam tham gia chiến dịch mùa xuân 1975, Anh Ngọc đeo kính râm, đầu trần, thứ hai từ phải sang...
30/4 giải phóng miền Nam, thì 1/5 tôi đến Sài Gòn. Ngày đầu tiên trên đất giải phóng, vui đến không ngủ được. Cảm xúc thiêng liêng lắm! Đó là cảm hứng và các chi tiết rất đời cho loạt ký sự sau này trên báo Quân đội Nhân dân. Sáng hôm sau, mượn được chiếc xe máy cũ, bị thủng hộp máy, phun dầu, nhét vội tấm giẻ vào ngăn không cho dầu chảy, thế mà tôi chở phóng viên Mạnh Hùng chạy xe xuống Vũng Tàu, để ra Côn Đảo gặp gỡ các tù nhân vừa được giải phóng.
Tại Vũng tàu, có một đêm trò chuyện khó quên với giáo sư Lê Quang Vịnh. Mấy ngày vào thăm anh em tù nhân vẫn đang nằm trong… nhà tù, vì làm gì có chỗ nào mà ở.. Tất cả đã giúp tôi viết bút ký “Côn Sơn hôm nay, hòn đảo tự do” cùng với anh Mạnh Hùng, và tôi viết ký “Ánh mắt Lê Quang Vịnh”, cả hai đều in dài kỳ ngay dịp đó trên báo Quân đội nhân dân. Và sau đó là trường ca “Sóng Côn Đảo” (giải A báo Văn nghệ năm 1975). Vào những thời khắc như thế, nghề làm báo là tuyệt vời nhất, còn nhanh nhậy hơn nghề làm văn nhiều…
Quần thảo ở Sài Gòn hơn 1 tháng tôi mới về Hà Nội, trên một chiếc máy bay của quân Sài Gòn, và do tổ lái cũng của quân Sài Gòn phụ trách chính… (cười)… . Một chi tiết thú vị: Ngày đi vào chiến trường, chúng tôi đi mất 1 tháng rưỡi, còn lúc về mất… hơn 1 giờ rưỡi (cười) !!! (mà thời gian cách nhau có … 5 tháng!)...
Anh Ngọc (bên trái) cùng nhà báo Mạnh Hùng, báo QĐND, trên 1 con tàu ở cảng Bạch Đằng, Sài Gòn, ngày đầu giải phóng, 5.1975
* Sau 1975, đến năm 1986, bắt đầu phong trào cởi trói cho văn nghệ, đây là thời kỳ như một mốc son đánh dấu bước ngoặt trong làm văn, làm báo. Những tác phẩm thời kỳ này của ông là gì?
- Đến năm 1979, tôi không còn làm báo đúng nghĩa nữa, mà về với mái nhà Tạp chí văn nghệ quân đội. Thì câu hỏi này lại cũng đúng với tôi, vì khi đó tôi thuần túy sáng tác. Đó là giai đoạn đầy những kỷ niệm khó quên của làng văn nghệ, một cuộc cách mạng đòi hỏi một vài điểm sáng cá nhân, một vài tổng biên tập dám thay đổi, dám đăng những bài thơ, văn gai góc. Họ được mệnh danh là “dũng sĩ của thời kỳ đổi mới”. Đây cũng là thời kỳ cũng xuất hiện rất nhiều các tên tuổi, tác phẩm nổi tiếng. Đời sống báo chí từ thời đó đến nay, tôi thấy ngày một sôi động. Các nhà báo trẻ ngày nay xông xáo, năng động, cũng nhiều hi sinh và đấu tranh không khoan nhượng trên mọi mặt trận của cuộc sống.
* Nếu được lựa chọn, ông có còn làm báo nữa không?
Có. Tôi mãi mãi là một nhà thơ - nhà báo, viết theo đơn “đặt hàng” của thời cuộc!
* Xin chúc ông luôn yêu nghề, tâm sáng bút sắc và cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này.
“Cho đến khi có tiếng chim hót ríu ran ngoài miệng cống, tôi mới thức giấc để nhận ra cái nơi mình đã qua đêm vừa ngộ nghĩnh vừa thân thiết biết bao nhiêu. Ngay phút ấy, tôi đã biết rằng, rồi ra tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên được cái mảnh đất dưới lòng cống bẩn thỉu và hôi hám này, cái mảnh đất nghèo xơ xác đã dang tay chở che và dâng tặng cho tôi giấc ngủ bình yên dưới một trời bom đạn…” (Trích nhật ký của nhà thơ, nhà báo Anh Ngọc những ngày ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 khốc liệt). |