THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:15

'Em bé Napal' có thể đã chết nếu không được chụp ảnh

 

Xin giới thiệu cuộc phỏng vấn của Mark Edward Harris với Nick Út:
Hãy trở lại thời điểm buổi sáng ngày 8/6/1972
- Tôi rời Sài Gòn vào khoảng 7 giờ sáng bằng xe hơi để tới làng Trảng Bàng. 8/6/1972 là ngày thứ 2 trong trận chiến dữ dội quanh Trảng Bàng. Tôi tới đó với tư cách phóng viên ảnh của AP và nhiều người của các cơ quan báo chí khác đã xuất hiện, gồm ABC News, CBS, BBC.

Trong buổi sáng, ngôi làng đã bị ném bom dữ dội nên một số phóng viên rời đi, bởi họ tin rằng đã có đủ hình ảnh cần thiết. Người ta (quân Việt Nam Cộng hòa) ném bom napalm vào làng lúc 12h30 trưa. 

Anh sử dụng máy ảnh nào trong ngày hôm đó?
- Tôi mang 4 máy ảnh, với 2 chiếc Nikon, 2 chiếc Leica, các ống kính tiêu cự 24 mm, 35 mm, 50 mm, 105 mm, 200 mm và 300 mm. Tôi cũng cầm theo 50 cuộn phim đen trắng Tri-X, vài cuộn phim màu và vài cuộn phim dương bản. 
Người ta ném cả thảy 4 quả bom napalm. Khi thấy bom napalm nổ, tôi không nghĩ có dân thường ở trong làng. 2 ngày trước đó, hàng ngàn dân thường đã di tản khỏi làng. Nhưng rồi tôi bắt đầu thấy có một số người chạy ra từ chỗ quả cầu lửa và khói đang bùng lên. 
Tôi vội nhấc chiếc máy ảnh Nikon với ống 300 mm và bắt đầu chụp. Khi những người dân tới gần, tôi chuyển sang dùng chiếc Leica. Đầu tiên là một bà già mang theo một em bé đã chết ngay trước ống kính của tôi.

Rồi qua khung ngắm, tôi thấy một bé gái thân thể trần truồng đang chạy. "Trời ơi. Chuyện gì đã xảy ra thế?" - tôi nghĩ. Bé gái đó không có quần áo trên người. Tôi đã liên tục chụp cô bé với chiếc máy Leica M2 gắn ống 35 mm khẩu độ f2.

Tôi chụp gần hết cuộn phim Tri-X thì thấy da của cô bé rơi xuống nên đã ngừng chụp ảnh. Tôi không muốn cô bé chết và muốn giúp đỡ. Chúng tôi đã dội nước lên người cô bé. Tên của bé gái ấy là Kim Phúc. Cô bé liên tục kêu lên “nóng quá”. Chúng tôi đều bị sốc.

Chú cô bé đã hỏi xem có thể đưa cháu mình tới bệnh viện không. Biết rằng cô bé có thể chết, tôi đã gật đầu ngay. Lúc ấy Kim Phúc liên tục hét lên: "Cháu chết mất!" Cơ thể cô bé bị bỏng nặng. Tôi tin chắc rồi Kim Phúc sẽ có thể chết bất kỳ lúc nào trên xe mình. Khi chúng tôi tới bệnh viện ở Củ Chi, không ai muốn giúp cô bé vì có quá nhiều binh lính và dân thường bị thương tại đó. Bệnh viện thì quá nhỏ. Tôi bèn giơ thẻ phóng viên AP và nói rằng nếu cô bé chết thì họ sẽ gặp rắc rối. Thế là họ đưa Kim Phúc vào trước vì bị thương nặng. Sau đó tôi đã về văn phòng AP ở Sài Gòn để tráng rửa phim. 

 Anh tự tráng rửa phim hay kỹ thuật viên làm điều này?
- Tôi và chuyên viên phòng tối giỏi nhất Đông Nam Á là Ishizaki Jackson, người cũng là một biên tập viên, đã vào phòng tối và tráng rửa. Tôi có 8 cuộn phim và tôi nói với Jackson rằng mình có 1 cuộn rất quan trọng trong đó. 
Toàn bộ số phim được tráng trong 10 phút và Jackson đã nhìn vào bức ảnh rồi hỏi: "Nicky, tại sao bé gái lại không có quần áo?" Tôi nói rằng vì bé đang bị bom napalm thiêu cháy. Nghe thấy thế, anh ấy đã cắt phim âm bản và rửa một tấm ảnh 13 x 18 cm. Biên tập viên đang phụ trách khi ấy là Carl Robinson đã nói: "Ồ không, xin lỗi nhé. Tôi không nghĩ chúng ta có thể dùng bức ảnh này ở Mỹ". 

Thế rồi Horst Faas, biên tập viên ảnh của Văn phòng AP ở Sài Gòn, trở lại sau bữa trưa. Horst nhìn thấy ảnh của tôi và hỏi ngay: "Ảnh của ai đây?" Một biên tập viên nói rằng ảnh của Nicky. Ông bèn bảo tôi kể lại câu chuyện, sau đó hét lên với mọi người: "Tại sao bức ảnh vẫn còn ở đây? Chuyển ảnh ngay lập tức!" Rồi ông xem toàn bộ các cuốn phim của tôi và cắt các bức ảnh ông muốn. Các bức ảnh được chuyển bằng vô tuyến điện từ Sài Gòn tới Tokyo rồi từ Tokyo tới New York. 

Bức ảnh nổi tiếng chụp "em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc của Nick Út

Các biên tập viên ở New York phản ứng với bức ảnh ra sao?
- Chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại từ New York nói rằng đó là một bức ảnh tuyệt vời và nó đã được sử dụng trên khắp thế giới. Sáng sớm hôm sau, lúc 7h30 sáng, Horst Faas, phóng viên Peter Arnett của AP và tôi tới làng Trảng Bàng. Khi ấy quân đội (Việt Nam Cộng hòa) không biết tôi là ai, cũng như việc tôi đã chụp ảnh Kim Phúc. Họ đang gặp nhiều rắc rối. Quân Mỹ phàn nàn họ rằng: "Vì sao các anh để cánh phóng viên ảnh chụp bức hình đó?" 

 Anh từng bị thương trong chiến tranh nên chắc anh biết cảm giác ra sao khi thành nạn nhân?
- Tôi bị thương ba lần. Lần đầu là từ một mảnh vỡ rocket khi ở Campuchia. 3 tháng sau khi chụp bức ảnh, tôi tới Trảng Bàng để viết câu chuyện tiếp theo về Kim Phúc và đã bị thương ở chân do dính đạn cối. Lần bị thương thứ 3 là ở Campuchia. Nhiều phóng viên ảnh chiến trường đã buộc phải nhận nhiều kỷ vật chiến tranh. Tôi vẫn còn một "kỷ vật" nhỏ ở chân. 

Kim Phúc đã mất nhiều thời gian để bình phục sau các sự kiện ngày 8/6?
- Kim Phúc ở trong bệnh viện suốt gần 1 năm (rồi mới bình phục). Tôi gặp Kim Phúc lần đầu tiên sau chiến tranh là vào năm 1989, ở Cuba. 
Sau khi bức ảnh có Kim Phúc xuất hiện trên các trang nhất, rất nhiều bác sĩ trên thế giới đã tình nguyện giúp đỡ. Thật may mắn khi cô ấy được chụp ảnh, nếu không có thể cô ấy đã chết. 

 

Khoảnh khắc quyết định 

Nick Út tên khai sinh là Huỳnh Công Út. Ông sinh ra tại Long An, Việt Nam vào năm 1951. 

Nick Út đã chụp nhiều bức hình, ghi lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh ở quê hương và chứng kiến sự vươn lên của Việt Nam thời hiện đại. Nhưng có lẽ ông không bao giờ quên các sự kiện diễn ra trong ngày 8/6/1972. Bức ảnh chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, của Nick Út được nhiếp ảnh gia người Pháp Henri Cartier-Bresson gọi là "Khoảnh khắc quyết định". Trong khoảnh khắc đó, cuộc sống khép lại với một số người và thay đổi vĩnh viễn với rất nhiều người dân Trảng Bàng. Hình ảnh gương mặt sợ hãi, đau đớn của Kim Phúc đã trở thành bằng chứng về sự kinh hoàng của chiến tranh.

Theo Thể thao & Văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh