CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:14

Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, dự kiến đạt 6,9%

Cho biết, kinh tế toàn cầu 9 tháng đầu năm tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh nhiều căng thẳng chính trị và kinh tế, Bộ Công thương phân tích, trong đó ba rủi ro tác động đến kinh tế thế giới là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và một số nền kinh tế lớn, Anh rời EU không có thỏa thuận và nguy cơ xung đột I-ran.

Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn so với năm 2018. Cạnh tranh chiến lược, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, khó lường. Thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế nhiều biến động.

Xu hướng nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch của các dòng đầu tư vẫn tiếp diễn. Chỉ số thương mại hàng hóa thế giới theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (tháng 8/2019) tiếp tục suy giảm, hiện chỉ đạt 95,7 điểm.

Dẫn báo cáo của các tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, Bộ Công thương cho hay, trong báo cáo Dự báo Kinh tế thế giới được công bố ngày 23/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 từ 3,3% (mức dự báo đưa ra hồi tháng 4) xuống còn 3,2%.

Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, dự kiến đạt 6,9% - Ảnh 1.

IMF cũng cho rằng thương mại toàn cầu giảm tốc mạnh trong năm nay, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm 0,9 điểm phần trăm xuống còn 2,5% trong năm 2019 so với dự báo trước đó;

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết nền kinh tế thế giới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm nay. Mức dự báo này giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tăng 2,9% mà WB đưa ra hồi tháng 1, đồng thời thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 3% đạt được trong năm 2018.

Ngày 19/9/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế đang giảm tốc của thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái, đồng thời cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu về mức thấp nhất một thập kỷ (2,9% trong năm 2019 và 3% trong năm 2020).

Theo OECD, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ Brexit không thỏa thuận và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc là những yếu tố rủi ro gây tác động tới nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tình hình trong nước vẫn có những điểm sáng tích cực.

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2019 của Bộ Công thương, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ: sự thay đổi một số chính sách của các nền kinh tế/khu vực chủ chốt trên thế giới, giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp, công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, sức ép lạm phát và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp.

Trong tháng 9, PMI sản xuất của Việt Nam giảm về 50,5 điểm, điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ, và mức cải thiện là yếu nhất kể từ tháng 2/2016.

Kết quả chỉ số đã giảm từ mức 51,4 điểm của tháng 8, là lần giảm thứ hai liên tiếp.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quý III, với mức tăng khiêm tốn gần đây là kể từ tháng 8/2016. Đây cũng là tình trạng chung trên thị trường quốc tế khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm hơn dẫn đến sản lượng sản xuất giảm nhẹ.

Mặc dù vậy, trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, lãi suất cơ bản ổn định.

Bên cạnh đó, thu hút FDI vẫn tiếp tục tăng; xuất khẩu nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.

Theo báo cáo kinh tế toàn cầu Quý III/2019 của Ngân hàng Standard Chartered ngày 12/8/2019, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019, trong đó lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các bộ, ngành và địa phương đã theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, cụ thể ngay từ những ngày đầu năm 2019 các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai cơ cấu lại kinh tế trong các ngành, lĩnh vực;

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;...

Và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh