THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:14

Cần kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2018, GRDP của toàn vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước và chiếm 50,9% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước của vùng chiếm 42,6% tổng thu ngân sách của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 củng vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Đây cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang phát huy lợi thế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành lân cận trong vùng.

Cần kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 1.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại diễn đàn: "Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được coi là 'đầu tàu', có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế cả nước. Trong 10 năm qua mức tăng trưởng kinh tế của vùng luôn giữ mức ổn định và cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Đây được xem là vùng kinh tế động lực, hội tụ những lợi thế nổi trội cho phép phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2018 của vùng đạt 11,31%, gấp 1,7 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước".

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có xu hướng chậm lại, vẫn còn những điểm nghẽn cản trở liên kết vùng và đặc biệt ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ. Chất lượng phát triển đô thị còn thấp, nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa bảo đảm hết nhu cầu an sinh xã hội. Phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. Những lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng.

Cần kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 2.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự diễn đàn.

"Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá. Sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh của vùng"- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng, ông Nguyễn Hồng Long, Phó ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh: "Thủ tướng đã chỉ đạo trong thời gian tới, chúng ta cần phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm động lực, phát triển".

Đây là lần thứ 3, Diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức, với mong muốn Diễn đàn ở vị trí một thể chế phi chính thức, tiếp tục tập hợp sức mạnh và tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư, đặc biệt của khối doanh nghiệp tư nhân vào sự nghiệp phát triển kinh tế vùng.

Qua diễn đàn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 2019, sẽ tiếp tục đóng góp, phân tích, gợi ý chính sách từ các chuyên gia hàng đầu ngành kinh tế về khoa học vùng và các tổ chức đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp chung tay các định rõ nét hơn những nút thắt, đồng thời xây dựng các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, gia tăng động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh