THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:47

Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về chất lượng và công bằng giáo dục vào năm 2030

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dự hội thảo trực tuyến từ điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dự hội thảo trực tuyến từ điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết tại Hội thảo khu vực về "Nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập và bình đẳng ở Đông Nam Á thông qua lãnh đạo và quản lý giáo dục sáng tạo". Hội thảo do Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) phối hợp với Ban Thư ký SEAMEO tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ những thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là liên quan đến giáo dục, Thứ trường Bộ GD&ĐT cho biết, các chỉ tiêu phát triển bền vững về giáo dục luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, nền giáo dục của Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc.

Giáo dục phổ thông tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), nằm trong top 40; Giáo dục đại học nằm trong top 79, trong khi đào tạo nghề ở mức 90. So với các nước có cùng trình độ phát triển, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đứng thứ 69 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong những cải cách gần đây của giáo dục phổ thông, Việt Nam hướng tới việc phát triển kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lực ở người học để đạt các mục tiêu quốc gia phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Luyện chữ cho học sinh khuyết tật Trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội).

Luyện chữ cho học sinh khuyết tật Trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội).

Riêng đối với mục tiêu “Đảm bảo chất lượng giáo dục hòa nhập, bình đẳng và thúc đẩy học tập suốt đời ở mọi người”, sau gần 7 năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 khu vực ASEAN, sau Singapore); tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng trong tốp đầu ASEAN; Chỉ số Học tập Tiểu học Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN về cả ba năng lực: Đọc, Viết và Toán.

Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về chất lượng và công bằng giáo dục vào năm 2030”. Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung vào hai mục tiêu khó, đó là chất lượng lao động có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, mục tiêu tiếp cận giáo dục bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương và người khuyết tật.

Bộ GD&ĐT sẽ tập trung nâng cấp cơ sở vật chất trường học các cấp để đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, đảm bảo chuẩn tiếp cận của người khuyết tật. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn về kinh tế, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

“Có chính sách nhất quán phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú để hỗ trợ học sinh chưa thành niên dân tộc thiểu số, các trường phổ thông năng khiếu để nuôi dưỡng, bồi dưỡng học sinh tài năng. Các vấn đề như bình đẳng giới, không bạo lực trong trường học, giáo dục đạo đức cũng nằm trong những ưu tiên của Việt Nam nhằm đảm bảo một môi trường giáo dục bình đẳng và công bằng cho tất cả học sinh”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh