CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:21

Việt Nam kiên quyết nói không với bóc lột tình dục trẻ em

 

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết tại hội thảo thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo báo cáo "Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Phân tích hệ thống pháp luật quốc gia" do Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản vừa tổ chức tại Hà Nội. 

Du lịch tình dục trẻ em đang trở thành vấn nạn

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa, xâm hại tình dục trẻ em nói chung, du lịch tình dục trẻ em nói riêng đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính sách hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực và chính sách quốc gia về phát triển du lịch đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức, trong đó có vấn đề liên quan đến sự gia tăng tội phạm về tình dục trẻ em nói chung, tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành nói riêng. Theo bà Thoa, để ngăn chặn vấn nạn này, đòi hòi phải có những chính sách pháp luật chặt chẽ nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi liên quan đến tình dục trẻ em cũng như đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trong việc bảo vệ và thực hiện quyền của trẻ em.

 

Do hoàn cảnh gia đình, nhiều em nhỏ phải tham gia làm du lịch.

 

Theo số liệu của UNODC, xâm hại tình dục trẻ em và lữ hành có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, điểm nóng là khu vực Đông Nam Á. Để kiểm tra mức độ đáp ứng của luật pháp trong nước với các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động lữ hành và du lịch, UNODC đã thực hiện các đánh giá luật ở Việt Nam (Campuchia, Lào và Thái Lan) vào năm 2014. Báo cáo này cập nhật lại báo cáo phân tích năm 2014, đánh giá các khung pháp lý hiện hành ở Campuchia, Lào và Việt Nam so với các điều ước quốc tế quan trọng để đưa ra các tiêu chuẩn pháp lý về ứng phó tư pháp hình sự hiệu quả đối với du lịch tình dục trẻ em - tập trung vào việc hình sự hóa. Bên cạnh đó bảo vệ các nạn nhân và nhân chứng trẻ em và các biện pháp hợp tác xuyên biên giới - và thông tin về các tiến bộ đạt được ở mỗi quốc gia từ năm 2014, góp phần xây dựng các biện pháp ứng phó tư pháp hình sự mạnh mẽ và hiệu quả hơn đối với vấn đề du lịch tình dục trẻ em trong khu vực.

Có cả trẻ em nam bị ép tham gia vào hoạt động du lịch tình dục

Những năm gần đây, ở Việt Nam tình hình lạm dụng trẻ em và lạm dụng tình dục trẻ em nói riêng đã trở nên phức tạp hơn về bản chất, quy mô và mức độ nghiêm trọng.Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để kinh doanh, sinh sống, du lịch và học tập. Một số người trong số họ đã dính tới hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Ngoài ra, nhiều khách du lịch trong nước đã lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn của trẻ em và đã sử dụng các em cho mục đích bóc lột và lạm dụng tình dục. Việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trong ngành Du lịch, bao gồm các biện pháp pháp lý để bảo vệ trẻ đã trở thành một vấn đề mang tính cấp bách. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và phòng chống lạm dụng trẻ em, bao gồm du lịch tình dục trẻ em ở Việt Nam.

Bà Noriko Shibata, Chuyên gia UNODC về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự bày tỏ sự lo ngại khi ngày càng có nhiều trẻ em nam bị ép tham gia vào hoạt động du lịch tình dục hoặc có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn trẻ em gái. Trong khi trên thực tế, hệ thống pháp luật các nước vẫn thường chú trọng hơn đối tượng nạn nhân là nữ.Gốc rễ của du lịch tình dục trẻ em là vấn đề phức tạp. “Sự thiếu hiểu biết của người dân về quyền trẻ em và đói nghèo là 2 trong nhiều nguyên nhân sâu xa. Năm 2015, cộng đồng ASEAN được thành lập, nhiều khách du lịch, những kẻ có âm mưu xâm hại tình dục trẻ em lợi dụng sự tự do đi lại, đến khu vực này để thực hiện tội ác. Chúng tôi rất lo ngại cho vấn nạn này", bà Noriko cho biết.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cần có một báo cáo khảo sát về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong lĩnh vực du lịch, lữ hành để nhận diện rõ các hành vi phạm tội và đề ra biện pháp ngăn chặn. Bởi việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trong ngành du lịch, bao gồm các biện pháp pháp lý trở thành vấn đề mang tính cấp bách.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh