Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xây dựng nhà máy nhiệt điên
- Huyệt vị
- 13:33 - 28/04/2016
Ngày 27/4,tại TP Hồ Chí Minh, CHANGE/350.org Việt Nam và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Ngã rẽ năng lượng: thay đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng trong việc đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, thông qua việc nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa phát triển năng lượng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và các vấn đề môi trường và xã hội khác, từ đó đưa ra các ý tưởng và đề xuất cho những giải pháp thực tế và khả thi cho Việt Nam.
Các đại biểu đưa tay thể hiện thông điệp hành động vì khí hậu ngay bây giờ
Buổi hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu, bao gồm đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, Văn phòng biến đổi khí hậu TP.Hồ Chí Minh, và nhiều cơ quan chính phủ khác; đại diện Lãnh sự quán Mỹ, Pháp và Canada; đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam; đại diện các đơn vị truyền thông, báo đài; đại diện các quỹ đầu tư, các công ty năng lượng tái tạo; các chuyên gia đến từ Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các trường đại học; và đặc biệt là đại diện người dân đến từ các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề: BĐKH và ảnh hưởng tại Việt Nam; Tác động tiêu cực của phát triển nhiệt điện than đối với môi trường, xã hội; Những thay đổi trong Điều chỉnh Quy hoạch điện lực quốc gia VII và định hướng phát triển bền vững của Việt Nam liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo; Các giải pháp sử dụng Năng lượng bền vững ở Việt Nam: các thách thức, khó khăn và cách tháo gỡ.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia và diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế cho biết, sau cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH COP21 tại Paris cuối năm 2015, các chính phủ trên toàn thế giới hiện đang nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C. Để làm được điều này, ngành sản xuất điện trên toàn cầu cần phải loại bỏ hoàn toàn than đá cho tới năm 2050.
Việt Nam tham gia Diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương, cam kết giữ nhiệt độ không tăng quá 1.5 độ C. Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay Việt Nam vẫn đang có những bước đi trái chiều với xu thế chung của thế giới, khi là nước lớn thứ ba trên thế giới về xây dựng nhà máy nhiệt điên, với tổng công suất lên tới hơn 55GW vào năm 2030, và nhiệt điện than sẽ vẫn chiếm tới 53% tổng cơ cấu nguồn điện trong 15 năm tới, mặc dù Việt Nam có tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng mặt trời và gió.
Bên cạnh câu chuyện năng lượng, các diễn giả tại hội thảo cũng đưa ra những thông tin cập nhật về tình hình BĐKH nghiêm trọng tại Việt Nam, điển hình như vụ hạn hán và ngập mặn kỷ lục tại miền Trung và miền Nam trong những tháng gần đây, gây ra những hậu quả nặng nề đối với cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tới tham dự hội thảo từ tỉnh Bến Tre, ông Phạm Thành Trung chia sẻ: “Hiện tại ở Bến Tre đang bị tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hướng nặng nề nhất từ trước đến giờ, điều đó khiến tôi bắt đầu quan tâm hơn đến BĐKH, cái mà mọi người vẫn thường nói. Đó không phải là một cái gì đó quá xa vời nữa mà đang ở ngay trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và công việc mưu sinh của chúng tôi. Gần đây tôi lại được nghe thêm thông tin về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở ĐBSCL, nghe nói sẽ gây ra ô nhiễm không khí và làm cho tình hình BĐKH ngày càng nặng nề hơn, tôi thực sự đang rất hoang mang và lo lắng”.
Ông Phạm Thành Trung phát biểu tại hội nghị
Cùng chia sẻ những mối quan tâm chung, đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, các chuyên gia nghiên cứu và các nhà đầu tư, đã đưa ra đề xuất về các giải pháp năng lượng bền vững có thể áp dụng tại Việt Nam. Nhận thức đúng đắn của cộng đồng và giới truyền thông, sự tham gia của giới khoa học và giới kinh doanh và sự quan tâm đúng mức của chính phủ, sẽ là những mục tiêu quan trọng cần đạt được để hướng tới tương lai năng lượng bền vững cho Việt Nam. Trong thời gian tới, CHANGE/350.org Việt Nam sẽ tiếp tục các chiến dịch truyền thông sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi BĐKH, để cùng VSEA và các đối tác vươn xa hơn trong các cam kết về chính sách và tăng cường năng lực cho cộng đồng.