Hoạt động của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại CRW 59
- Dược liệu
- 01:16 - 13/03/2015
Quang cảnh Khóa họp CRW 59 tại New York
*Tại buổi gặp bà Phumzile Mlambo Ngcuka, Giám đốc Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc, Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hiệu quả của UN Women với Việt Nam, trong thời gian qua. Được biết, từ năm 2008 Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với UN Women tại Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 và Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện hiệu quả chiến lược và chương trình này.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trân trọng cảm ơn bà Ph.M Ngcuka đã chỉ đạo UN Women Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật hoàn thiện Báo cáo quốc gia kiểm điểm 20 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và để tạo ra nhiều cơ hội cho các thành viên của đoàn Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào các phiên họp và sự kiện của Hội nghị kiểm điểm toàn cầu tại CRW 59.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông báo:“Việt Nam đã hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; củng cố bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới; có sự tham gia hiệu quả của phụ nữ vào lãnh đạo và quản lý...Tuy nhiên, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế, bất bình đẳng giới đối với phụ nữ vẫn tồn tại nhiều hình thức khác nhau; luật pháp chính sách chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; nhân lực và tài chính cho bình đẳng giới còn hạn hẹp...”.
Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ theo hướng: Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng; xây dựng và phát triển các dịch vụ thúc đẩy bình đẳng giới; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong tham chính; xây dựng ngân hàng dữ liệu có tách biệt giới.
Để triển khai các nhiệm vụ này, Việt Nam đề nghị UN Women tiếp tục quan tâm và hỗ trợ kỹ thuật để cho Việt Nam có thể duy trì thành tựu đã đạt được và giải quyết các thách thức nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ sau tổng kết Cương lĩnh hành động Bắc Kinh +20.
*Tại buổi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, hai bên cùng điểm lại các hoạt động hợp tác về bình đẳng giới giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, đã được ký kết tại Hà Nội tháng 10/2010.
Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Y tế Sahmyook (Hàn Quốc) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chung về đào tạo, nghiên cứu về phụ nữ giữa hai bên.
Theo đó, hai bên hợp tác xây dựng Mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc xem xét hỗ trợ. Được biết trong hai năm 2011-2012, mô hình Trung tâm Nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam được triển khai thực hiện tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP. Cần Thơ. Năm 2013, mô hình tiếp tục được duy trì tại Cần Thơ và mở rộng ra miền Bắc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Thái Bình. Năm 2014, dự án thực hiện tại TP. Cần Thơ, tỉnh Thái Bình và nhân rộng tại tỉnh Quảng Nam, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm về cách thức xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ; có kỹ năng chuyên sâu về tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ; xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn về Tư vấn nhóm ở các Trung tâm.
Theo ghi nhận, dự án đã đóng góp thiết thực cho việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam. Ba mô hình của phía Hàn Quốc trong dự án đã được Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, áp dụng trong Chương trình quốc gia Bình đẳng giới 2011-2015 là: Mô hình nhà trông giữ trẻ; mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm và khởi sự và phát triển doanh nghiệp; triển khai tổng đài tư vấn tại Trung tâm công tác xã hội. Năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ KH&ĐT làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc(KOICA) về đề xuất khả năng hỗ trợ dự án ODA về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam giai đoạn 2016-2019. Năm 2015, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã có thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH triển khai dự án này. Trong tháng 1/2015, KOICA đã cử đoàn chuyên gia Hàn Quốc đến Việt Nam(có đại diện Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc) khảo sát tính khả thi của Dự án, gặp gỡ các cơ quan liên quan của Việt Nam, làm việc với Bộ LĐ-TB&XH và khảo sát thực địa. Theo đó, hồ sơ dự án đang được KOICA xem xét và hoàn thiện khả năng phê duyệt theo quy định.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ Bộ LĐ-TB&XH dự án này trong quá trình xem xét thông qua để thúc đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, Đoàn Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc:Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới giữa hai Bộ. Ủng hộ và có ý kiến với KOICA việc hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để Bộ LĐ-TB&XH triển khai dự án phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời tiếp tục duy trì và mở rộng dự án hỗ trợ Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam hiện đang được thực hiện rất hiệu quả.
Được biết, hiện nay, số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc khá lớn, điều này góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì nhiều phụ nữ Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc cũng phải đối mặt với một số khó khăn về ngôn ngữ, kỹ năng hòa nhập cuộc sống cũng như bảo đảm sự an toàn. Do vậy, phía Việt Nam đề nghị Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tiếp tục quan tâm triển khai các chương trình dành cho cô dâu ngoại quốc nói chung, trong đó có phụ nữ Việt Nam nói riêng.