THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:44

Việt Nam 30 năm đổi mới: thành tựu và thách thức về kinh tế

 

Những thành tựu đáng tự hào 

Mức tăng trưởng GDP bình quân năm ở giai đoạn 1986 - 1990 đạt 4,4%; giai đoạn 1991 - 2000, đạt 7,6%/năm; giai đoạn 2001 - 2005, đạt 7,34%; giai đoạn 2006 - 2010, là 6,32%/năm; giai đoạn 2011 - 2013, là 5,6%/năm. GDP cả năm 2014 tăng 5,98% so với năm 2013. Năm 2015, ghi nhận 4 điểm nhấn tích cực về tăng trưởng:  GDP tăng 6,68%, cao nhất 5 năm qua; lần đầu tiên trong 5 năm qua vượt kế hoạch (6,2%); năm thứ 4 liên tiếp có mức tăng GDP quý sau luôn cao hơn quý trước; đặc biệt tốc độ tăng GDP tăng nhanh hơn tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội hàng năm (tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện theo hiện hành bằng 32,6% GDP và GDP tăng 6,68%, so với con số tương ứng năm 2012 là 33,5% GDP và 5,03%). Đặc biệt, GDP tăng cao, trong khi lạm phát thấp nhất trong 14 năm trở lại đây và tỷ lệ đầu tư xã hội/GDP thấp, một lần nữa khẳng định động lực tăng trưởng không chỉ là vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế cao buộc phải trả giá bằng lạm phát cao đã không còn đúng, cũng không còn là “vòng kim cô” luẩn quẩn đối với Việt Nam nữa.

Động lực tăng trưởng ngày càng được tỏa ra từ sự cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm nhẹ gánh nặng chi phí tài chính; giảm nợ xấu, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng, nhất là lãi suất; tăng sức mua thị trường và giảm chi phí nguyên, nhiên liệu và kinh doanh đầu vào và các chi phí thể chế khác cho doanh nghiệp; làm tốt công tác bình ổn và lưu thông hàng hóa tốt; ổn định thị trường ngoại hối; mở rộng tự do hóa và quản lý cạnh tranh lành mạnh... Từ giữa năm 2015, Việt Nam giảm từ 49 còn 6 lĩnh vực hạn chế đầu tư và bãi bỏ tới 3.299/6.475 điều kiện kinh doanh; giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tức 78% số giờ nộp thuế thực tế cho DN. Hiện hơn 98% các DN đã kê khai thuế qua mạng; trên 80% DN đã nộp thuế theo phương thức điện tử; hơn 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử. Hiện nợ xấu giảm còn khoảng 2,93% so với mức trên 17% năm 2011. Việt Nam tăng 3 bậc so về  chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness 2016) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 28/10; tăng 12 bậc trong Báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh (GCR) 2015 - 2016, công bố ngày 29/9. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, 90% số việc làm và 39% tổng đầu tư toàn xã hội. Trong giai đoạn 2008 - 2013, đã có 457.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 30% so với cả giai đoạn 1991 - 2007. Hệ thống các DNNN được đổi mới, sắp xếp lại; hình thành các tổng công ty và một số tập đoàn kinh tế ở những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế; đồng thời thu hẹp những lĩnh vực độc quyền nhà nước. Hiện nay, còn 949 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, tổ chức dưới dạng công ty TNHH một thành viên; 32 tỉnh không còn DNNN kinh doanh thuần túy. Khu vực DNNN vẫn đang chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư, 70% viện trợ. Phương thức hoạt động của các hợp tác xã bước đầu được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường và các nguyên tắc: Tự nguyện, dân chủ, bình đẳng cùng có lợi và phát triển cộng đồng.

Kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu. Hiện nay, ngoài WTO, Việt Nam đã ký 11 FTA (có 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN); ký trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Năm 2015, Việt Nam  ký FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazaxtan; kết thúc đàm phán FTA Việt Nam EU và TPP; FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ 20/12; và cuối năm 2015 chính thức hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).  Từ 2011 -  2015, Việt Nam đã thiết lập thêm hợp tác chiến lược với 8/15 nước đối tác chiến lược đã xây dựng trong 15 năm qua, nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện hoặc sâu rộng với 2 nước, lập quan hệ đối tác toàn diện với 3/10 nước đối tác toàn diện, trong đó có cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vận động được thêm 36 đối tác mới, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường ở nước ta lên 59. Với những hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam có quan hệ sâu rộng với 55 nước đối tác, trong đó có 15/20 nước G20, chiếm tới 65% GDP và 50% thương mại của thế giới, mở ra nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại. Đến giữa năm 2015, Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 250 tỷ USD FDI. Riêng năm 2015, thu hút FDI tiếp tục cải thiện cả về tổng vốn đăng ký mới và vốn mở rộng, cũng như vốn thực hiện. Tính đến 15/12, cả nước có tổng vốn đăng ký mới và vốn bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với 2014. FDI thực hiện năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước. Hiện khu vực FDI đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức. Tính đến hết năm 2015 so với 2011, Việt Nam đã giảm 17 tổ chức tín dụng; giảm một nửa tổng nợ xấu và giảm hơn 50% tồn kho bất động sản... Năm 2015 Việt Nam ghi nhận làn sóng mới về số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng cao nhất từ trước đến nay, cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký: 94.754 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,6% so với năm trước; 601.519 tỷ đồng vốn đăng ký, vượt khoảng 27% số vốn mới. 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần hàng xuất khẩu thô. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 chữ số. Quy mô xuất khẩu bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 11,7 USD, năm 1990 đạt 36,4 tỷ USD, năm 2000 đạt 186,6 USD, năm 2005 đạt 393,8 USD, năm 2010 đạt 830,5 USD, thì năm 2012 đạt 1291 USD và năm 2013 đạt 1450 USD, tức cao gấp gần 124 lần năm 1985. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng khá nhanh: Năm 1985 mới đạt 5%, năm 1995 đạt 26,2%, năm 2000 đạt 46,4%, năm 2005 đạt 61,1%, năm 2007 đạt 64,7%, năm 2012 đạt 73,8% và năm 2013 đạt trên 75%, cao hơn tỷ lệ của Đông Nam Á, cao gấp 3 lần tỷ lệ của châu Á và thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cao gấp 186,1 lần năm 1985. Hàng năm, Việt Nam có trên 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh. Hiện nay, hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của Công ty quản lý quỹ chứng khoán Việt Nam (VFM), hiện có gần 30 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn rót vào nội địa khoảng 2 tỷ USD. Tổng ODA từ năm 1993 đến nay đạt  trên 78 tỷ USD vốn cam kết, trên 40 tỷ USD giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10  nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, tổng cộng giai đoạn năm 1991 đến nay đạt trên 92 tỷ USD, từ trên 167 nước, vùng lãnh thổ; với  trên 12 tỷ USD năm 2015. Từ nước nhận đầu tư một chiều, gần đây đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng nhanh. Đến đầu năm 2015,  Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 1000 dự án, tổng vốn 19,78 tỷ USD; tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (54,3%), nông, lâm nghiệp và thủy sản (27,5%), khai khoáng (6%).

Từ năm 2010, Việt Nam đã chính thức ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,5% vào cuối năm 2015, so với mức 22% năm 2006. Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp chung 2,31%, ở thanh niên  là 6,85%  và ở thành thị  là 3,29%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động là 1,82% (thấp hơn mức 2,40% năm 2014).  Tỉ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2015 ước đạt 51,6%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ là 21,9%. Việt Nam đã hoàn thành sớm 5/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ. Số người tham gia BHXH 12 triệu người năm 2015 (so với 9,7 triệu người năm 2011). Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 75% dân số. Diện tích nhà ở bình quân 22m2 năm 2015...

 

Nhiều thách thức cần vượt qua

Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, vì vẫn phải dựa vào vốn, phụ thuộc vào tăng trưởng từ nguồn lao động giá rẻ, tăng trưởng nhờ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa đi vào chiều sâu, nhất là vấn đề về tăng năng suất lao động. Số lượng doanh nghiệp còn rất mỏng và ít so với yêu cầu; nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ;  đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo (12%) trong đồng bào dân tộc (15% dân số cả nước) còn cao (hơn 50% hộ nghèo cả nước; tái nghèo lớn (12%) theo chuẩn đa chiều từ 1/1/2016. Vấn đề về an toàn thực phẩm, an toàn xã hội, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều mặt bức xúc, nguy cơ vô sinh và ung thư cao bất thường. Thách thức lớn nhất là phải khai thác hiệu quả những cơ hội từ hội nhập khi đã tham gia Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật, sở hữu, xuất xứ nội khối, phát triển hạ tầng và thể chế; bảo vệ môi trường và an sinh xã hội…).

Các doanh nghiệp sẽ đối diện với sự gia tăng áp lực cạnh tranh và mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, cùng với những rủi ro và chi phí cao hơn về các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính, cơ chế quản trị nội bộ. Nợ xấu và hàng tồn kho những sản phẩm kém cạnh tranh hoặc thiếu đổi mới công nghệ, thiếu thân thiện với môi trường và với con người… sẽ còn là gánh nặng với không ít doanh nghiệp kém năng động.Quy tắc xuất xứ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đồng thời, khiến gia tăng các chi phí, giảm cơ hội cải thiện thu nhập và khả năng cải thiện quy trình sản xuất vốn lạc hậu của nhiều ngành sản xuất trong nước. Các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Việt Nam cũng đứng trước nhiều áp lực đáp ứng các chuẩn mực nền kinh tế thị trường, trong đó có yêu cầu về chuyển đổi đồng tiền, các quyền thỏa thuận mức lương lao động, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, quyền kiểm soát nhà nước đối với các tư liệu sản xuất và sự phân bổ các nguồn lực…

Những ngành còn khó khăn sẽ liên quan nhiều đến kinh doanh bất động sản cao cấp; cơ khí chế tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các doanh nghiệp nhà nước trì trệ, chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ và cả năng lực quản trị. Ngành chăn nuôi (nhất là lợn, gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng) trong nước sẽ tiếp tục đối diện với áp lực cạnh tranh giảm giá từ sản phẩm ngoại nhập và sự gia tăng các chi phí đầu vào, cũng như sự nâng cao các hàng rào kỹ thuật, nếu không có những đổi mới về công nghệ và mô hình chăn nuôi mới, hiện đại và những hỗ trợ cần thiết phù hợp cam kết hội nhập.

Các dự án FDI, nhất là dệt may, có thể thu hẹp lợi ích mà doanh nghiệp trong nước có được từ các FTA; vì vậy, cần quan tâm thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực tài chính và giải pháp bảo vệ môi trường, quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; tăng cường “hậu kiểm” và quản lý các dự án đã được cấp phép.

Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải có sự điều chỉnh rất lớn; co hẹp về những phân khúc không phải cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản (những nước có ngành công nghiệp ô tô tiên tiến và hiệu quả). Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập.

Nhiều thách thức và triển vọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và tới đây cũng tùy thuộc vào kết quả thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trọng dụng người hiền tài và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng; giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và doanh nghiệp... 

TS.Nguyễn Minh Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh