THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:43

Viếng mộ thi nhân: Tập tục văn hóa mới ở Huế

 

Thắp hương tưởng nhớ các tài hoa văn chương đã khuất - tập tục văn hóa mang tính giáo dục ở Huế.

Viếng mộ thi nhân là hoạt động thường niên vào mỗi dịp Nguyên Tiêu của văn nghệ sĩ Cố đô Huế, nhằm tri ân các thế hệ đã đóng góp cho thi ca địa phương và đất nước. Đây là một tập tục văn hóa mới rất có ý nghĩa, cũng là dịp để giáo dục, khơi dậy truyền thống thơ ca cho thế hệ trẻ trên đất Cố Đô. Từ mấy năm nay, cứ đến ngày Viếng mộ thi nhân, buổi sáng ngày 14 âm lịch, các văn nghệ sĩ ở Huế lại tập trung ở Tạp chí Sông Hương. Nhiều anh em tự đi xe máy. Còn Tạp chí thuê một chiếc xe 24 chỗ ngồi, mang theo rượu, đồ mồi, nhang, nến, vàng mã để viếng từng ngôi mộ. Đoàn do do Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên- Huế dẫn đầu cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ nhạc sĩ xứ Huế như: Nguyễn Khoa Điềm, Mai Văn Hoan, Tô Nhuận Vỹ, Lê Phùng, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Nhất Lâm, Bửu Nam, Võ Thị Quỳnh, Ngô Minh, Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vĩnh Thái… Có năm thêm các học sinh chuyên văn Trường Quốc học, sinh viên Đại học Sư phạm… Nói là viếng mộ thi nhân, thực ra mộ các nhà yêu nước, nhà văn như Nguyễn Chí Diểu,  Hải Triều, Hoàng Triều Trần Thúc Nhẫn, hai chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân - Thái Phiên, họa sĩ Bửu Chỉ… năm nào cũng được anh em đến viếng.

Hành trình các lần Viếng mộ thi nhân bắt đầu từ Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở đường Phan Bội Châu. Đây là căn nhà cũ nơi nhà chí sĩ yêu nước, “ông già bến Ngự” từng sống. Từ Rằm tháng Giêng Ất Mùi (2015), anh em tìm ra thêm một địa chỉ để viếng, đó là mộ cụ Phạm Quỳnh, Phạm Hầu ở Chùa Vạn Phước (đường Điện Phủ), cạnh chùa Từ Đàm, gần nhà lưu niệm Phan Bội Châu. Mộ cụ Phạm Quỳnh nằm ở phía ngoài đường vô chùa, Mộ Phạm Hầu nằm khu đất phía sau chùa. Về nhà văn, học giả lừng danh Phạm Quỳnh, hẳn ai cũng biết câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Trong khi đó, Phạm Hầu có bài thơ “Vọng Hải Đài”, với hai câu thơ nổi tiếng: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận / Ai biết  xa lòng có những ai”… Thi sĩ Phạm Hầu, lúc nhỏ từng học trường Quốc học Huế, sau ra Hà Nội học tại trường Mỹ thuật Đông Dương. Do mắc chứng bệnh động kinh, ông nằm điều trị tại nhà thương Vôi ở Bắc Giang một thời gian rồi được chuyển về quê nhà, nhưng khi tàu hỏa đến đoạn Đồng Hới, thì ông mất, hưởng dương 24 tuổi.

Tiếp đến, cả đoàn lên nghĩa trang Phan Bội Châu ở số 5 đường Thanh Hải, nơi an nghỉ của 21 nhà chí sĩ như Hải Triều, Đạm Phương nữ sĩ, Nguyễn Chí Diểu, nhà thơ Thanh Hải. Sau đó đến đồi Từ Hiếu, nơi an nghỉ của nhiều văn nghệ sĩ, chí sĩ yêu nước như nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Hoàng Triều Trần Thúc Nhẫn, Trần Cao Vân - Thái Phiên, vợ chồng nhà thơ Vĩnh Mai - Phương Chi, nhà văn Trịnh Xuân An... Hành trình tiếp theo là thăm mộ họa sĩ Bửu Chỉ ở nghĩa trang Ba Đồn. Điểm  nghĩa trang TP. Huế có mộ của nhà thơ Thanh Tịnh, Thái Ngọc San, Nguyễn Văn Phương (Phương xích lô) và Nguyễn Xuân Hoàng. Rời nghĩa trang thành phố Huế, xe vòng xuống Thủy Dương, Thị xã Hương Thủy, vào đường Phùng Quán viếng nhà thơ Phùng Quán. Đường lên mộ Phùng Quán đã được đúc bê tông, ở tam cấp có tay vịn, người già cũng trèo lên dễ dàng.

Ngoài ra, ở Huế còn có mộ của các thi sĩ hoàng tộc như Tuy Lý Vương Miên Trinh, Mai Am Huệ Phố… không biết nằm ở đâu. Lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT phải liên lạc để tìm cho ra, đưa vào chương trình Viếng mộ thi nhân trong ngày thơ Việt Nam. 

Về việc viếng mộ thi nhân vào Ngày thơ Việt Nam hàng năm, tôi có mấy đề nghị: Để  đảm bảo nghi lễ phúng viếng, cuộc hành trình phải bắt đầu từ rất sớm. Có thể 6 giờ sáng kéo dài tới 12 giờ trưa, đi khẩn trương, mới đến được đầy đủ các nghĩa trang có mộ văn nghệ sĩ nằm. Hoặc, tổ chức hai đoàn cùng xuất phát một lúc. Một đoàn bắt đầu từ Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, đến mộ cụ Phạm Quỳnh, sau đó lên Nghĩa trang Phan Bội Châu rồi đồi Tự Hiếu. Một đoàn bắt đầu từ mộ họa sĩ Bửu Chỉ (chùa Ba Đồn) lên nghĩa trang thành phố rồi về Thủy Dương viếng mộ nhà thơ Phùng Quán. Có như thế mới viếng hết các mô thi nhân. Vì đã có năm, việc viếng bỏ sót một số mộ thi nhân mà năm trước đã viếng. Theo tôi, nên viếng đầy đủ, không bỏ sót một thi nhân quá cố nào, vì một năm đến Ngày Thơ Việt Nam, Rằm Nguyên tiêu mới viếng một lần, không nên để cho các hồn thi sĩ buồn. Việc này lãnh đạo Liên hiệp Hội VHNT Thừa Thiên- Huế phải chủ động lên phương án từ trước, thông báo với anh em để tham gia, bố trí phương tiên đàng hoàng để di chuyển cho kịp thời gian.

NGÔ MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh