THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:51

Lễ hội hóa Ngày thơ Việt Nam

Tôn vinh các giá trị thơ ca 

Ngày thơ năm nay chú trọng tới việc chuyên nghiệp hóa trong tổ chức để trở thành một ngày hội của các nhà yêu thơ. Với hình thức trang trí sân thơ độc đáo, đặc sắc và mang tính dân tộc, công chúng đến với Ngày thơ hòa mình không gian được đọc, được nghe, mà còn được xem nghệ thuật, triển lãm, giao lưu với các nhà thơ.

Phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm tháng Giêng hàng năm để dành cho công chúng yêu thơ. Đây cũng chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sáng tác bài thơ Nguyên tiêu (năm 1948). Ngày thơ Việt Nam ngày càng đa dạng hóa về nội dung và lễ hội hóa về hình thức, thu hút nhiều nhà thơ cũng như nhiều độc giả yêu thơ. Nét độc đáo là trong cùng một thời gian, nhiều địa phương trong cả nước cùng tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Đây không chỉ là dịp tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ, mà còn là cơ hội để giới thiệu các tác phẩm thơ mới. Sau 13 năm tổ chức, đến nay Ngày thơ Việt Nam đã trở thành lễ hội thơ tao nhã, lịch thiệp về văn hóa, đáp ứng yêu cầu của đông đảo độc giả. “Đất nước - cánh buồm Xuân” là chủ đề của Ngày thơ Việt Nam 2016, với ý nghĩa cất cao tư tưởng nghệ thuật chúc mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; giương cao cánh buồm lộng gió bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

50 quả bóng bay mang theo 50 câu thơ, bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng.

Tại sân thơ truyền thống, các nhà thơ đã mang đến những tác phẩm về tình yêu quê hương đất nước, biển đảo. Trong đó liên khúc "Biển đảo - Biên cương" được nhóm nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày như một trường ca. Đặc biệt, trong số đó có bản giao hưởng thơ Biên cương với 3 bài thơ: “Đỉnh núi”, “Tây Bắc” và “Lính thời bình” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Sân thơ trẻ: Mới mẻ, hấp dẫn

Đặc biệt, Sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ, vốn thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng năm nay lấy chủ đề “Đường Xuân”. Trong đó, Sân thơ Thiếu nhi hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam, bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác. Góp mặt trong chương trình còn có nhóm nhảy “Cào cào” của Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, nhóm nhảy đến từ Trường THPT Kim Liên cùng đội kèn trống và đồng ca của các bạn nhỏ đến từ trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong đó điểm nhấn là Hồng Khanh, giọng ca từng lên sóng The Voice Kids. Tham gia Sân thơ Thiếu nhi còn có hai tác giả nhí Ý Nhi và Ngọc Chân, những gương mặt vừa đoạt giải cuộc thi sáng tác “Cây bút Tuổi hồng” do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức. Sân thơ trẻ chào đón đội ngũ nhà thơ mới, những nhà thơ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng những vần thơ lạ, độc đáo, đặc sắc của các vùng, miền.

Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam mời hai tác giả thơ quốc tế là nhà thơ Pháp đoạt giải thưởng Goncourt năm 1996 André Velter; nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Bỉ từng giành Giải thưởng Sách châu Âu năm 2015 Jean-Pierre Orban cùng tham dự ngày hội. Ngày thơ năm nay còn trưng bày gần 100 tác giả, tác phẩm thơ nổi tiếng của Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp xung quanh giếng Thiên Quang, nằm giữa Văn Miếu để phục vụ nhu cầu của người tham dự. Cũng trong chuỗi sự kiện Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu, khu vực bày bán sách thơ rộng rãi bên trong sân Thái Học với mức giá ưu đãi. Kết thúc lễ khai mạc, 50 quả bóng bay mang theo 50 câu thơ, bài thơ được chọn lựa từ nhiều tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng. 

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh