Việc thu hồi giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư: Chủ tịch Hội đồng Thơ nói gì?
- Văn hóa - Giải trí
- 19:02 - 21/10/2015
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Hội đồng Thơ HNVHN.
Vẫn đợi giải trình
Thưa ông, được biết chiều 20/10, Ban chấp hành Hội NVHN đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng đối với tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Theo thông tin tôi được biết thì sáng ngày 20/10, chị Phan Huyền Thư đã gửi một lá đơn đến Ban chấp hành của Hội. Trong đơn, Huyền Thư xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan về sự việc xảy ra, đồng thời xin trả lại giải thưởng. Ban chấp hành họp đã họp ngay chiều hôm nay (20/10), sau đó đi đến quyết định thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư.
Cũng phải nói thêm rằng, trước đó chúng tôi có đề nghị Chủ tịch HNVHN-người chịu trách nhiệm cao nhất cần nhanh chóng yêu cầu tác giả có giải trình và tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất, đưa ra chính kiến của mình với thái độ trách nhiệm, tôn trọng sự thật và công chúng văn học. Đã dự kiến có một cuộc họp giữa chị Phan Huyền Thư với Chủ tịch HNVHN và tôi, nhưng cuộc họp này vẫn chưa diễn ra với lý do chị Thư bận công việc. Tôi cho rằng việc Ban chấp hành Hội NVHN thu hồi giải thưởng là cần thiết, kịp thời.
Với tư cách cá nhân, cho phép tôi được gửi lời xin lỗi tới độc giả và nhận phần trách nhiệm phần việc của mình trong sự việc này.
Với người trong hay ngoài giới văn chương, chuyện “đạo” tác phẩm đều hết sức nhạy cảm và cần cẩn trọng xem xét, ông cảm nhận gì về sự vào cuộc của báo chí, truyền thông?
- Tôi cho rằng việc vào cuộc của báo chí là đương nhiên và cần thiết. Tất nhiên, với những phán xét hay mạt sát một cách thiếu văn hóa như trên mạng xã hội thì không nên. Mọi sự bất bình trước hiện tượng này chúng tôi rất hiểu và chia sẻ vì đó cũng là thái độ của chúng tôi.
Không cổ súy trùng lặp
Những năm gần đây giải thưởng của HNVHN luôn được giới chuyên môn, công chúng đánh giá cao. Vậy câu chuyện rùm beng xung quanh tập thơ “Sẹo độc lập” có làm giảm đi uy tín của giải thưởng?
- Tôi là thành viên Hội đồng Thơ HNVHN từ khóa trước, tính đến nay cũng đã 15 năm góp tiếng nói vào giải thưởng. Cũng như các thành viên Hội đồng, tôi rất tiếc về sự cố lần này. Trong đời sống sáng tạo, chúng tôi còn thiếu sự mẫn cảm, quan tâm đến các tác phẩm nên có lựa chọn thiếu chính xác, tác động đến uy tín đã được bền bỉ xây dựng suốt những năm qua.
Nhưng tôi nghĩ, nếu xử lý đàng hoàng, sòng phẳng đề cao lao động sáng tạo chân chính thì dư luận sẽ chia sẻ với chúng tôi. Đánh giá công bằng thì giải thưởng của HNVHN những năm gần đây không chỉ ấn tượng ở thơ mà đáng ghi nhận nhiều thể loại như: Văn xuôi, dịch thuật, lý luận phê bình. Giữ cho một giải thưởng “không tì vết” là rất khó. Có những giải thưởng uy tín nhưng vẫn gây bàn tán dư luận, nhầm lẫn. Chúng tôi coi đây như bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Chuyện trùng lặp trong sáng tạo đã có từ xưa nhưng vì sao những năm gần đây lại trở nên ồn ào? Theo ông, căn cứ vào đâu để nhìn nhận việc “đạo” tác phẩm hay trùng lặp ngẫu nhiên?
- Mọi việc ồn ào thể hiện sự quan tâm của công chúng dành cho văn chương có sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông. Chẳng hạn, ngày xưa chỉ đọc qua bản in thì sức lan tỏa, so sánh các tác phẩm với nhau hạn chế hơn. Sáng tạo văn học nghệ thuật không phải chỉ đơn thuần giống nhau mà đã nói là “đạo” ngay được. Có rất nhiều trạng huống phức tạp, thậm chí nhiều tranh cãi tác quyền từ trong lịch sử đến nay vẫn để ngỏ. Chúng ta cần căn cứ vào ý kiến của chủ thể, chứng cứ gốc.
Nhưng dù vậy, chúng tôi cũng không cổ súy cho sự trùng lặp, nhất là ở lĩnh vực thơ, vốn cần nhiều sự sáng tạo và cá tính. Ở các lĩnh vực khác, sự trùng lặp dễ được chấp nhận hơn.
Có người vì mang tiếng “đạo” văn chương mà mất cả sự nghiệp nhưng người viết ở ta vẫn hờ hững trong chuyện đăng kí bản quyền. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Trước khi đặt ra chuyện bản quyền, người ta nói nhiều đến phẩm chất trung thực của người sáng tạo nghệ thuật nhưng điều đó cần cả một quá trình rèn luyện cũng như bản lĩnh, trải nghiệm trong cuộc sống mới có thể đối diện sự thật. Còn chuyện bản quyền, rõ ràng người sáng tạo cần nghĩ đến ngay. Điều này vừa giúp bảo vệ sáng tạo của mình, dễ xử lý vấn đề phát sinh và cũng thể hiện sự văn minh trong lao động sáng tạo.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Xin trả giải thưởng nhưng không thừa nhận đạo thơ Theo thông tin đăng trên Tuổi Trẻ, Tiền Phong và một số tờ báo khác, sáng 20/10, nhà thơ Phan Huyền Thư đã gửi đến Hội nhà văn Hà Nội một lá thư xin lỗi và xin trả lại giải thưởng vừa được Hội nhà văn HN trao cho tập thơ “Sẹo độc lập” của chị. Lý do là vì có một bài thơ trong tập “Sẹo độc lập” gây nên những tranh cãi xung quanh việc đạo thơ, tác giả không muốn ảnh hưởng đến uy tín của Hội, của Hội đồng xét tặng giải thưởng nên xin rút. Tuy nhiên, nhà thơ Phan Huyền Thư không thừa nhận mình đạo thơ, mà chỉ nói rằng, trong thời điểm hiện nay, chưa thể có những chứng cớ chứng minh bài thơ mình đã viết từ năm 1996. |