CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

“Việc không tên” - Gánh nặng vô hình trên vai phụ nữ

 

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày 19/10, Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương – Yêu thương là san sẻ”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan tham dự buổi lễ công bố.

Quan niệm “việc nhà là của đàn bà”

Trước đó, vào tháng 9/ 2016, báo cáo “Để ngôi nhà trở thành tổ ấm” do Vụ Bình đẳng giới cùng ActionAid Việt Nam giới thiệu cho biết phụ nữ Việt Nam trung bình dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho những công việc chăm sóc không lương, nhiều hơn nam giới từ 2 tới 2,5 giờ đồng hồ. Dù công việc tốn khá nhiều thời gian cho mỗi gia đình và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước, nhưng công việc chăm sóc không lương vẫn chưa nhận được sự trân trọng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng. Công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) trở thành gánh nặng đè lên vai người phụ nữ, khiến họ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình.

Báo cáo "Công việc chăm sóc không lương – Yêu thương là san sẻ" công bố lần này cho thấy, phụ nữ thực hiện phần lớn những CVCSKL trong gia đình, bất kể trình độ học vấn nào. Quan niệm “việc nhà là việc của đàn bà” đã làm giảm đi sự cảm thông, chia sẻ, động viên đối với người phụ nữ trong gia đình. Để thay đổi quan điểm này, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp các thành viên gia đình và cộng đồng san sẻ các CVCSKL.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao những phát hiện trong báo cáo.

 

Đặc điểm về nhóm tuổi và sắc tộc, địa lý cũng có tác động lớn đến việc phân công CVCSKL. Nghiên cứu này cho thấy, phụ nữ trên 60 tuổi, những người ngoài độ tuổi lao động là những người mang gánh nặng CVCSKL lớn nhất từ công việc chăm sóc trẻ nhỏ, người khuyết tật, người già trong gia đình. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và miền núi thậm chí còn chịu gánh nặng nhiều hơn do phải dành rất nhiều thời gian cho việc lấy nhiên liệu và nước.

Tại các địa bàn nghiên cứu trên, có 100% phụ nữ và trẻ em gái trong các hộ gia đình (tham gia nghiên cứu) vẫn đang chịu định kiến giới nặng nề trong phân công lao động. Đặc biệt, ở nơi có điều kiện yếu kém về kinh tế và dịch vụ công có nhạy cảm giới, phụ nữ và trẻ em gái dành hơn tám giờ (533 phút) mỗi ngày cho các CVCSKL. Bên cạnh đó, đối với nam giới, họ có thời gian làm công việc được trả lương nhiều hơn nữ giới ít nhất là một giờ (60 phút) mỗi ngày. Ngoài ra, nam giới cũng có thời gian tham gia các hoạt động xã hội hoặc giải trí bên cạnh thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc cá nhân cao hơn phụ nữ khoảng hơn một giờ mỗi ngày.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: “Báo cáo rất có ý nghĩa cho việc tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam".

 

Phụ nữ và nam giới cần bình đẳng cả trong và ngoài tổ ấm

Qua đây thấy rõ, phụ nữ đang là người chịu thiệt hơn nam giới trong việc phải dành nhiều thời gian cho CVCSKL. Những thiệt thòi này kéo theo hệ lụy là những đóng góp của phụ nữ không được gia đình và cộng đồng đánh giá là có giá trị, vì đó là những công việc được coi là đương nhiên phụ nữ phải làm. Phụ nữ đang phải chịu sự bất bình đẳng giới ngay trong gia đình, cộng đồng nơi họ sinh sống và đất nước có nhiều điều luật bảo vệ phụ nữ.

 “Báo cáo “Công việc chăm sóc không lương – Yêu thương là chia sẻ” không chỉ ghi nhận và trân trọng những đóng góp của phụ nữ mà điều quan trọng của báo cáo lần này là phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc phân công CVCSKL, từ đó đưa ra những khuyến nghị thực tiễn giúp giảm thiểu gánh nặng cho người phụ nữ”, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam cho biết.

Do đó, để giảm thiểu CVCSKL mà phụ nữ phải làm, báo cáo đã đưa ra khuyến nghị cần tăng tính sẵn có và khả năng tiếp cận của các dịch vụ công - đặc biệt là đầu tư vào trường mẫu giáo cho trẻ em dưới ba tuổi. Phụ nữ đang phải hy sinh rất nhiều để nam giới có thể trở thành trụ cột gia đình cũng như cho xã hội. Bên cạnh đó, cần giải quyết các định kiến xã hội đang đặt gánh nặng chăm sóc lên người phụ nữ bằng cách giải quyết các khuôn mẫu về vai trò của nam giới và nữ giới qua việc thảo luận về trách nhiệm gia đình. Điều quan trọng nhất là hành động cần bắt đầu từ trong gia đình. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấy được một xã hội công bằng hơn, nơi mà cả nam giới và phụ nữ đều có cơ hội bình đẳng cả bên trong lẫn bên ngoài tổ ấm.

 

Toàn cảnh hội thảo.

 

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao sự hợp tác tích cực giữa Vụ Bình đẳng giới và tổ chức ActionAid Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương: San sẻ là yêu thương”. Thứ trưởng khẳng định: “Báo cáo này rất có ý nghĩa cho việc tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam. Việc san sẻ, tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng CVCSKL với người phụ nữ là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, của cộng đồng và của chính quyền các cấp. Những kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện và tổng thể hơn trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc thực hiện Mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là: Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực giới”.

 

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu “đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững”, trong đó cũng đề ra mục tiêu cụ thể bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình với chỉ tiêu “rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 1,5 lần vào năm 2020”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh