CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:06

Việc gì cũng ký, vị trí Chủ tịch đặc khu rất dễ bị vi phạm trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
"Ở dự thảo luật đặc khu kinh tế, chúng ta đã có nhiều điểm đột phá, đổi mới, khắc phục tình trạng những năm qua tăng trưởng thấp, các giải pháp phát triển kinh tế đang bão hòa, sức cạnh tranh thấp chưa có đột phá mới nên thu ngân sách thấp", ông Phương nhìn nhận.

Đồng tình với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu, tuy nhiên ông Phương đề nghị cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh, giảm bớt quy định cho Chủ tịch và giao cho UBND đặc khu để ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và một số ban, ngành Trung ương, vì theo dự thảo luật, có quá nhiều nội dung Chủ tịch đặc khu ký, cấp, quyết định. Trong đó có những nội dung cụ thể như Chủ tịch đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh...

"Chủ tịch đặc khu không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát được mọi vấn đề. Việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn. Theo như dự thảo luật thì vị trí Chủ tịch đặc khu rất dễ bị vi phạm trách nhiệm", đại biểu Phương nêu quan điểm.

Còn Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong bản dự thảo luật, trong đó có ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược và phân quyền về hoạt động tư pháp ở đặc khu. Vị đại biểu này nói việc cấp giấy đầu tư theo thủ tục rút gọn là cần thiết để sớm triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả dự án mới là điều quan trọng.

“Cần có sự đánh giá kỹ lưỡng, không nên vì tiến độ mà không đánh giá đầy đủ tính khả thi, hiệu quả của dự án”, bà Hoa nói.

Nữ đại biểu lo ngại về quy định không cần đánh giá thông tin nhà đầu tư; mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ dự án; khả năng tạo việc làm, đóng góp xã hội và công nghệ dự án.

“Không đánh giá thông tin thì làm sao khẳng định nhà đầu tư có đủ điều kiện, tư cách pháp lý để thực hiện dự án. Không đánh giá mục tiêu, quy mô, địa điểm thì làm sao biết dự án phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển của đặc khu…”, bà Hoa nói.

Đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng cho rằng khi đã cấp giấy đầu tư thì nhà đầu tư có quyền. Nếu việc triển khai dự án không phù hợp định hướng phát triển của đặc khu, gây hệ lụy cho xã hội sẽ xử lý thế nào?

Theo bà Hoa, chỉ nên bỏ qua các thủ tục không cần thiết, không nên bỏ nội dung đánh giá. Việc rút gọn thủ tục phải bằng rút ngắn thời gian, thực hiện đồng bộ đồng thời nhiều nội dung.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng)

 

Về việc trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng cần có cơ chế ưu đãi nhất định. Tuy nhiên, cần cân nhắc kĩ khi trao các quyền để đảm bảo điều kiện tối ưu cho nhà đầu tư chiến lược nhưng không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của chính quyền.

Dự thảo luật thể hiện nhà đầu tư có quyền tham gia vào quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại đặc khu. Bà Hoa nói việc trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược mà không giới hạn có thể khiến các đơn vị này chi phối hoạt động hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đặc khu có lợi cho họ và làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà đầu tư khác.

“Nhà đầu tư chiến lược phải bình đẳng với các nhà đầu tư khác trong công tác quy hoạch, xây dựng chính sách. Do đó việc trao quyền cho nhà đầu tư như trên là không phù hợp. Chỉ nên cho nhà đầu tư chiến lược hưởng cơ chế ưu đãi trong dự án đầu tư”, đại biểu Võ Thị Như Hoa nêu quan điểm.

Liên quan tới quy định Chủ tịch đặc khu có quyền thu hồi đất, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho đây là vấn đề thường xảy ra khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, đi đôi với quyền lực cần làm rõ trách nhiệm cá nhân Chủ tịch đặc khu và làm rõ cơ chế đảm bảo quyền lợi người có đất bị thu hồi.

Bà Mai cũng lưu ý việc quy định Chủ tịch đặc khu có thẩm quyền quyết định đầu tư với các dự án nhóm A, toàn quyền lựa chọn nhà thầu… Song điều này lại đang mâu thuẫn với với Luật đầu tư công, Luật đấu thầu nên đề nghị rà soát, điều chỉnh cho hợp lý. 

"Chủ tịch đặc khu có thẩm quyền vừa lập dự án, vừa thẩm định dự án, vừa phê duyệt dự án, vừa ký kết hợp đồng đầu tư. Đây là quy trình có nhiều công đoạn khác nhau, nếu chỉ giao cho một cá nhân thực hiện toàn bộ quy trình khó đảm bảo tính khách quan, tính hợp lý, rất có thể có trường hợp gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cảnh báo.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh