THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:56

Đặc khu kinh tế: Cần cơ chế giám sát phòng ngừa sự lạm quyền

Tránh lạm quyền: Cái gốc vẫn là công khai, minh bạch

Đề cập đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu, báo cáo giải trình nhắc lại 2 phương án đề xuất của Chính phủ (phương án 1: không tổ chức HĐND, UBND mà thực hiện Thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và phương án 2: tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND) và trình bày phương án chốt lại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc chỉnh lý, hoàn thiện mô hình chính quyền đặc khu cần đảm bảo chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp; bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh; phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền.

 

Từ đó, UBTVQH đề nghị QH cho tiếp thu chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu theo hướng kết hợp ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và hoàn thiện để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án. Cụ thể chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Tuy nhiên, ĐBQH Bùi Văn Phương (Quảng Bình) cho rằng, không  sợ thiếu giám sát để rồi đặc khu lạm quyền.

"Chúng ta sợ giao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu thì sợ lạm quyền, sợ không có cơ chế giám sát lại sợ lạm quyền nên lại quay lại mô hình HĐND, UBND, tôi cho rằng có lẽ không phù hợp và không sát với tinh thần vì đây là đơn vị hành chính đặc biệt. Nó đặc biệt thì đặc biệt chỗ nào, chứ vẫn cấu trú mô hình bình thường thì không phải đặc biệt"- Đại biểu Bùi Văn Phương nói.

Cũng theo ông Phương, đặc biệt của đặc khu chính là tính vượt trội của ở thẩm quyền được giao, vượt trội ở cơ chế đặc biệt. Đại biểu  đề nghị không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan là UBND.

“Chúng ta không sợ không kiểm soát được. Lâu nay, chúng ta không công khai, minh bạch cho nên mới dẫn đến sai phạm, không có sự kiểm soát, giám sát. Tôi cho rằng, cái gốc vẫn là công khai, minh bạch"- ông Phương kiến nghị.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thì cho rằng mô hình tổ chức chức quyền địa phương chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu vì chế độ trách nhiệm chưa rõ.

“Cơ chế kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm phải vượt trội” – đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm và lưu ý “vừa qua chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách. Giờ cho vượt trội mà không có “lồng nhốt quyền lực” để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại, nên cần cân nhắc hoàn thiện thêm”.

ĐBQH Bùi Văn Phương cho rằng, không  sợ thiếu giám sát để rồi đặc khu lạm quyền.


Có nên thành lập Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu?

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho chủ tịch UBND đặc khu.

Cơ chế kiểm soát này được thực hiện thông qua việc tư vấn cho UBND, chủ tịch UBND đặc khu trước khi quyết định những vấn đề quan trọng; cảnh báo các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động của các cơ quan này. Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu giúp Thủ tướng theo dõi, đánh giá hoạt động của UBND, chủ tịch UBND đặc khu, kiến nghị với Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến phát triển của đặc khu.

UBTVQH lý giải thích việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu.

Góp ý về quy định này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng cơ chế đó sẽ giúp tránh tình trạng phải xử lý cán bộ làm sai khi "việc đã rồi". Tuy nhiên, theo ông Hàm, ban này không nên hoạt động thường xuyên mà chỉ thực hiện giám sát theo chuyên đề…

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng quy định về chức năng nhiệm vụ Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu như dự thảo luật là chưa hợp lý vì luật đã chỉnh lý, xác định đặc khu là một cấp chính quyền có HĐND.

Theo bà Lan, dự luật quy định UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền quản lý tại đặc khu theo luật này và các luật khác, nghĩa là cấp tỉnh vẫn thực hiện đầy đủ quyền chỉ đạo với đặc khu như một cấp chính quyền trực thuộc. Điều này khẳng định đã đủ sức kiểm soát các hoạt động tại đặc khu theo các luật hiện hành. Mặt khác, việc lập thêm Ban Tư vấn là chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính tại đặc khu.

"Có thêm ban này là chồng chéo chức năng vì UBND đặc khu đã chịu sự giám sát, điều hành của nhiều cấp rồi, lại thêm một cơ chế khác, sẽ thành bó buộc"- bà Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng bày tỏ không đồng tình lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu như dự thảo luật vì đây không phải là thiết chế quyền lực nên không đủ năng lực giám sát. Ban này chỉ là tổ chức tham vấn, khuyến nghị thì không cần thiết để Thủ tướng thành lập mà có thể để Chủ tịch UBND đặc khu thành lập trên sự chí thành tuyển người tài, như các nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải từng lập hội đồng tư vấn giúp cho mình.

Trưởng Đoàn ĐBQH  tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng việc lập thêm Ban Tư vấn là chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy.

 

Lưu tâm đến yếu tố quốc phòng, an ninh trong quá trình giao đất

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng thời gian cho thuê đất tới hơn 90 năm là quá dài và cần cân nhắc vì ba vị trí dự định thành lập đặc khu là vị trí đặc biệt nhạy cảm về quốc phòn an ninh nhưng đến nay chưa có chuyên gia về quốc phòng an ninh ở Quốc hội lên tiếng.

" Ba vị trí này lại nhô ra Biển Đông, tác động của nó ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào? Chúng ta lại sống cạnh quốc gia có tư tưởng bá quyền, có nhiều hành động xâm lấn biển đảo. Thế giới cũng cảnh báo rằng đang có xu hướng thay đổi từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc, chi phối cán bộ và xâm lấn thông qua sở hữu đất đai, đầu tư kinh tế. Với những ưu đãi như vậy, tôi rất lo lắng. Tôi nghĩ điều này phải bàn bạc kỹ và thận trọng. Chúng ta đồng thuận không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi cách thì bây giờ cũng không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia để phát triển bằng mọi cách” – ông Lê Thanh Vân nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách đột phá, mở rộng không đồng nghĩa với dễ dãi. Thời gian giao đất quá dài thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có vấn đề liên quan đến khía cạnh quốc phòng an ninh? “Cần quan tâm vấn đề chủ quyền trong quá trình giao đất và thực hiện ưu đãi. Cả 3 đặc khu ở khu vực hết sức nhạy cảm. Ta không thể hời hợt về vấn đề thế sự này được, cần nghiên cứu tác động đến chủ quyền đất nước trong tương lai” – ông Khuê nêu quan điểm.

Làm rõ thêm về thời hạn giao đất, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời hạn giao đất 99 năm chỉ trong trường hợp đặc biệt và thực tế sau này khi xem xét yếu tố “đặc biệt” phải trải qua quy trình với nhiều cấp thẩm quyền quyết định. Quy định như vậy nhằm đảm bảo độ mở của luật để hạn chế việc sửa đổi nếu có sau này chứ không phải giao ngay đất với thời hạn trên.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh