Vì sao VĐV thể thao Việt Nam lại không được thưởng Tết?
- Văn hóa - Giải trí
- 18:35 - 05/01/2020
Đã không có tiền tết còn bị trừ tiền công
Cách đây vài năm, lãnh đạo của nhiều sở VH-TT-DL và cả Trung tâm đào tạo vận động viên (VĐV) cấp cao ở một số địa phương từng chia sẻ với báo chí là cứ mỗi dịp gần đến Tết Nguyên đán, các đơn vị đều cảm thấy rất bối rối. Vì theo quy định của nhà nước, các địa phương không được phép chi tiền tết cho VĐV nên tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mà mỗi địa phương phải tìm cách nào đó để VĐV có tí chút gọi là “đồng quà tấm bánh” mang về quê. Tết Nguyên đán 2020 không phải là ngoại lệ. Có nơi thưởng túi quà, có nơi cho tiền tàu xe, có nơi phải tìm nguồn khác ngoài ngân sách để có ít tiền mặt cho VĐV.
Như đội bóng đá nữ TP.HCM 1, mỗi cầu thủ năm nay chắc cũng được khoảng vài triệu đồng tiền tết. Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó giám đốc Trung tâm TDTT Q.1, Trưởng ban Chuyên môn bóng đá nữ TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi chưa tính toán cụ thể số tiền mà các cầu thủ được nhận, nhưng chắc dao động từ trên 3 triệu đến dưới 4 triệu đồng/người. Mà đây cũng là tiền trích từ nhà tài trợ. Không lẽ cả năm VĐV tập luyện và thi đấu, đến tết lại không có gì cho các em thì rất thương. Với những cầu thủ khoác áo đội tuyển Việt Nam, vừa giành HCV Sea Games còn có tiền thưởng từ nhà nước hay các doanh nghiệp chứ những cầu thủ chỉ thi đấu ở CLB làm gì có thưởng SEA Games. Nên cơ quan chủ quản cũng cố gắng giải quyết được đồng nào hay đồng nấy để VĐV đỡ tủi thân”.
Số tiền gần 4 triệu đồng không phải là nhiều nhưng dù sao các tuyển thủ đang thi đấu cho đội nữ TP.HCM 1 như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Bích Thùy cũng còn may mắn hơn so với các đồng nghiệp ở những đội bóng đá nữ khác. Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung (đội nữ Hà Nam) nói: “Chúng tôi được đội cho 200.000 đồng tiền tàu xe kèm gói quà tết. Cũng không dám đòi hỏi hơn vì CLB còn nghèo mà ngân sách nhà nước thì không có khoản chi tết. Những năm không có tiền thưởng SEA Games hay giải vô địch Đông Nam Á, đúng là mỗi khi tết đến, thấy chạnh lòng. Năm nay, SEA Games 30, đội nữ được thưởng lớn vì đoạt HCV. Chúng tôi giờ đã nhận được chừng một nửa, mỗi người khoảng 400 triệu đồng đối với cầu thủ được xếp loại A. Các doanh nghiệp chưa giải ngân hết nên hy vọng trước tết sẽ được nhận nốt nửa còn lại. Tôi gửi ngân hàng, chỉ lấy ra một ít tiêu tết thôi”. Chưa hết, VĐV đã không có tiền tết mà khi nghỉ tết còn bị trừ tiền công. Như các cầu thủ đội nữ Hà Nam, trước đây tiền công là 80.000 đồng/ngày, mới tăng lên 180.000 đồng/người/ngày. Nhưng tết vì không tập nên không được hưởng.
Trích thưởng SEA Games làm tiền tiêu tết
Cô gái sinh năm 1995, giành tới 3 HCV SEA Games 30 môn điền kinh Nguyễn Thị Oanh được đơn vị chủ quản là Bắc Giang thưởng tổng cộng 75 triệu đồng, cộng với 155 triệu đồng tiền thưởng từ nhà nước (45 triệu đồng cho 1 HCV và phá kỷ lục SEA Games được thêm 20 triệu đồng). Thế còn tiền tết thì sao? “Ôi, không có tiền tết đâu ạ. Coi như tiền thưởng SEA Games là tiền tết. Nhưng dĩ nhiên tôi không dám hoang phí tất cả khoản thưởng đó chỉ trong mấy ngày tết. Đầu tiên là sẽ biếu bố mẹ một khoản, số còn lại gửi ngân hàng...”, Oanh tâm sự.
Là đơn vị đóng góp thành tích tốt nhất, nhiều nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 nhưng cũng vì cơ chế ngặt nghèo mà Hà Nội không thể “xé rào” thưởng tết cho VĐV. Kiếm thủ Vũ Thành An nói: “Có năm chúng tôi được quyển lịch, có năm được túi quà tết. Năm nay chưa biết có gì hơn không nhưng chắc cũng vẫn thế thôi. Lịch hay quà tết đều của bộ môn đấu kiếm Hà Nội cho VĐV. Chứ đơn vị chủ quản không cho tiền. Cũng may có khoản thưởng SEA Games. Tôi được 2 HCV, nhà nước thưởng 90 triệu đồng, Hà Nội thưởng 110 triệu đồng - trừ 10% tiền thuế, nhận về 100 triệu đồng”. Một số địa phương thưởng rất lớn cho VĐV giành thành tích xuất sắc tại SEA Games 30 nhưng lại không thưởng tết. Chẳng hạn 4 tuyển thủ đội bóng đá nữ Nguyễn Thị Vạn, Dương Thị Vân, Lê Thị Diễm My, Khổng Thị Hằng được Quảng Ninh thưởng 150 triệu đồng/người, song khi hỏi tiền tết được bao nhiêu, đều lắc đầu. Hay như Hải Phòng cũng không thưởng tết dù thưởng SEA Games thuộc loại “khủng”: Thủ môn Văn Toản của đội U.22 Việt Nam, Nguyễn Việt Anh (aerobic), Đào Thị Hồng Nhung (võ gậy), Vũ Ngọc Sơn (kurash) được thưởng 200 triệu đồng/người vì giành HCV SEA Games.
So với các ngành nghề khác, tuổi nghề VĐV chỉ kéo dài khoảng 15 năm nhưng hiện tại VĐV Việt Nam phải chịu thiệt quá nhiều. Mới đây, nhà nước cũng đã tăng chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV nhưng thế vẫn là chưa đủ. Thể thao là một lĩnh vực đặc thù nhưng VĐV ở Việt Nam lại chưa được nhà nước xếp vào hạng chức danh nghề nghiệp. Chúng ta còn thiếu những văn bản quy phạm pháp luật để quy định những mức thưởng chính đáng cho VĐV. Đã đến lúc các cơ quan có liên quan như Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính cần ngồi với nhau, để bàn cách giải quyết và xóa bỏ sự bất công này.
Nên xã hội hóa để có tiền thưởng tết cho VĐV
Ngày 4.1, trao đổi với báo chí, một quan chức ngành thể thao cho biết: “Rất khó thưởng tiền tết cho VĐV từ ngân sách vì như thế nhà nước sẽ phải chi một khoản khổng lồ vì số lượng VĐV trên toàn quốc là rất lớn. Chúng tôi chưa thể đặt ra vấn đề nhạy cảm này vào thời điểm hiện tại vì sẽ bị nghĩ rằng nhân đà thắng lợi tại SEA Games, ngành thể thao lại đưa ra ý kiến đòi hỏi này nọ. Chúng tôi cũng muốn khi VĐV về quê ăn tết, có một khoản thưởng bằng tiền mặt vì tâm lý chung ai cũng muốn có tiền tết, dù ít hay nhiều. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nên đẩy mạnh xã hội hóa vấn đề này. Các giám đốc trung tâm có lẽ không quá khó để xin tài trợ. Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội mấy năm gần đây cũng có quà cho VĐV trước khi họ nghỉ tết. Cần đẩy mạnh xã hội hóa, có nguồn tài chính từ các doanh nghiệp thì VĐV sẽ bớt bị thiệt thòi. Chứ nếu lấy tiền từ nhà nước thì rất khó”.