Tiền thưởng cho VĐV giành thành tích tại ABG5: “Kẻ khóc, người cười”
- Văn hóa - Giải trí
- 15:16 - 12/10/2016
Đứng số 1- vẫn “chệnh hướng”?
Đại hội kết thúc, những nhà quản lý ngân sách sự nghiệp TDTT “giật mình” và đang ở tình trạng “khó xử” với thành tích “khủng” nhất từ trước đến nay. Bởi những “lợi thế” của sân nhà, các VĐV Việt Nam đã có “cơ hội” thể hiện và kiếm huy chương “dễ như… nhặt”, trong khi đó ở lần tham dự trước đó tại Thái Lan, đoàn Việt Nam cũng chỉ giành được 8 HCV, xếp thứ 5 toàn đoàn).
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao lại cờ Đại hội cho Hội đồng OCA
Thành tích này đang là niềm vui, sự mong chờ háo hức “tiền tươi, thóc thật” của các VĐV. Bởi vì, theo Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về các chế độ đối với VĐV thể thao, cấp khu vực châu Á sẽ được thưởng như sau: 50 triệu đối với VĐV giành HCV; 25 triệu đối với VĐV giành HCB; 20 triệu với VĐV giành HCĐ. Vậy nên, ước tính số tiền thưởng cho các VĐV giành thành tích cùng các HLV có công dẫn dắt huấn luyện VĐV(thưởng mức tương đương) lên tới 9 tỷ 120 triệu đồng.
Đối với mỗi VĐV giành thành tích tại Đại hội ABG5 vừa qua, có thể đó là mùa “bội thu”, bởi trước đó những giá trị tiền thưởng từ các đấu trường Sea Games vẫn còn “thua xa” so với mức tiền thưởng “cấp châu lục” này. Trong khi đó, kiếm được 1 tấm HCV ở Sea Games lại không phải dễ dàng đến thế.
Có những yếu tố “bất ngờ” làm cho thành tích của thể thao Việt Nam cũng trở nên “giàu có” chưa từng thấy. Đặt mục tiêu lọt vào tốp 3 toàn đoàn, với khoảng 20 HCV, nhưng lại không ngừng “gia tăng” và áp đảo cả những nước từng có thành tích tốt tại các đấu trường châu lục và thế giới.
Nhưng lại nghịch lý ở chỗ: Chất lượng chuyên môn ở Đại hội này không được đánh giá cao. Bởi lẽ, tương quan lực lượng thi đấu với của Việt Nam và các nước trong khu vực có sự chênh lệch đáng kể. Hầu hết, ở Đại hội này, các VĐV của Việt Nam đều ở đội tuyển quốc gia, trong khi VĐV các nước ở giải này chỉ ở tuyển trẻ, nghiệp dư.
Vật- một trong những môn “thế mạnh” của Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn
Đây không phải là Đại hội để các nước khác hướng đến mục tiêu tranh chấp huy chương. Việc “mang chuông đi đánh xứ người” với họ sẽ là những VĐV trọng điểm quốc gia (không phải VĐV nghiệp dư như ở Đại hội ABG5), mà phải là đấu trường lớn hơn, đó là Đại hội thể thao châu Á và Thế vận hội Olympic đang chờ phía trước.
Có lẽ từ lý do đó, Đại hội thể thao bãi biển cũng chẳng mấy quốc gia “mặn mà”. Tại buổi Lễ bế mạc Đại hội ABG5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã phải trao cờ Đại hội thể thao bãi biển cho đại diện Hội đồng Olympic Châu Á (OCA).
Theo thông lệ 2 năm/ lần, Đại hội thể thao bãi biển sẽ được tổ chức và vẫn chưa có quốc gia nào “lên tiếng” đăng cai chính thức vào năm 2018.
“Bài toán” ngân sách và hoạch định?
Thông điệp của Đại hội ABG5 là “Tỏa sáng đại dương, tương lai tươi sáng” với ý nghĩa quảng bá du lịch, cùng đó là phát triển những môn thể thao trên biển như: Đua thuyền, dù lượn, lướt ván…nhằm thúc đẩy các nước trong khu vực khai thác, phát triển các môn thể thao trên biển gắn với dịch vụ du lịch. Song ở Đại hội này, Việt Nam có thể quá coi trọng thành tích, nên phát huy những sở trường thế mạnh của chính mình mà không đặt trong tương quan cạnh tranh với các nước khác. Những kỳ vọng về chuyên môn thực sự có từ Đại hội này, nhằm làm “bàn đạp” cho Đại hội thể thao châu Á và Thế giới, chắc khó…liệu sẽ thành hiện thực?
Niềm vui của các VĐV đang mong chờ tiền thưởng từ Đại hội này, song cũng là nỗi lo của những nhà quản lý kinh phí sự nghiệp TDTT. Số tiền 9 tỷ 120 triệu đồng là tiền thưởng cho VĐV, HLV đạt thành tích tại Đại hội ABG5, chắc chắn sẽ phải trích từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho ngành TDTT. Đây là chuyện “đau đầu” của lãnh đạo ngành TDTT, để làm sao tiền thưởng đến với VĐV được nhanh nhất.
VĐV Việt Nam ở các đội tuyển, luôn “áp đảo” thành tích trước đối thủ
Có thể, đây sẽ là bài học cho các nhà hoạch định chiến lược giành thành tích, khi tham gia ở mỗi Đại hội TDTT tầm cỡ, cũng như định hướng cốt lõi trong việc xây dựng, phát triển các môn thể thao trên biển. Từ đó, phát triển du lịch gắn với thể thao theo đúng tinh thần của Hội nghị Quốc tế về Du lịch và Thể thao (đã được đề cập đến trong chuỗi hoạt động khi tổ chức Đại hội này).