Vì sao tháng 7 Âm lịch gọi là tháng cô hồn?
- Y học 360
- 17:31 - 18/08/2020
"Tháng cô hồn" hay tháng 7 Âm lịch hàng năm còn gọi là “mở cửa mả” hoặc "xá tội vong nhân".
Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn hay tháng 7 Âm lịch hàng năm còn được coi là tháng của ma quỷ. Đáng chú ý là theo quan niệm này thì ngày rằm tháng 7 (15/7) là ngày “xá tội vong nhân”.
Đây cũng là ngày Diêm Vương mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ có thể tự do trở về dương gian. Ngày 15/7 Âm lịch cũng là ngày “âm khí xung thiên”.
Tại Trung Quốc, tháng cô hồn bắt nguồn từ thông tin nêu trên. Theo đó, người trần cần phải cúng cháo, gạo, muối... để quỷ đói không quấy nhiễu. Người dân thương tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch hàng năm trong tháng cô hồn.
Còn ở Việt Nam, việc cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác.
Với quan niệm con người gồm phần hồn và xác. Sau khi chết, hồn con người vẫn tồn tại, có thể đầu thai hoặc bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói (ngạ quỷ).
Vào tháng cô hồn, người dân Việt Nam cúng vào ngày rằm hoặc ngày khác tùy thuộc vào từng gia đình và vùng miền. Tháng cô hồn được cho là không đem lại may mắn. Những công việc trọng đại như cưới hỏi, xây dựng... đều tránh tháng này.
Tháng 7 Âm lịch, người Việt còn có ngày Lễ Vu lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo.
Nguồn gốc Lễ Vu lan gắn với sự tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật - là một vị tôn giả có nhiều phép thần thông.
Theo Phật giáo, để báo hiếu cha mẹ thì cần cử hành Lễ Vu Lan cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.