Chuyện lạ trong kinh doanh thời trang tháng “cô hồn”
- Y học 360
- 13:36 - 01/08/2019
Tháng Bảy Âm lịch đang đến gần, những người kinh doanh thời trang lại nhanh chóng thống kê hàng hoá, chuẩn bị "tung" ra chương trình khuyến mại để "hút" khách.
"Quan niệm không mua quần áo vào tháng Bảy Âm lịch nên hàng hóa bán ra rất ế, nhất là 15 ngày đầu tháng. Có đưa ra các chương trình khuyến mại thì cửa hàng nào cũng vắng tanh", chị Hương (kinh doanh thời trang) cho biết.
Người kinh doanh thời trang phải hạn chế thay đồ mẫu cho ma-nơ-canh. Ảnh: Bảo Loan
Theo chị Hương thì không phơi quần áo vào ban đêm, không mua quần áo, không được đứng gần gốc đa, gốc đề, không được chụp ảnh vào ban đêm. Đặc biệt, với người kinh doanh thời trang phải hạn chế thay đồ mẫu cho ma-nơ-canh, không thay đồ màu đen cho ma-nơ-canh vào ban đêm vì quan niệm dễ bị "vong người đã khuất" ám vào. Chính những quan niệm đó khiến kinh doanh thời trang rất ế ẩm.
Chị Lê Thị Thảo (32 tuổi, kinh doanh thời trang tại phố Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cũng khốn khổ khi sắp tới tháng Bảy Âm lịch.
Theo chị Thảo, kinh doanh thời trang khó tiêu thụ nhất là vào thời điểm tháng Bảy Âm lịch.
Chị Thảo cho hay: "Trong những ngày cuối tháng Sáu Âm lịch, chúng tôi kiểm kê hàng hóa, không nhập thêm hàng mới mà bán cầm chừng chờ qua tháng Bảy".
Mặc dù không có cơ sở khoa học cho rằng phạm việc kỵ trong tháng cô hồn sẽ dễ bị xui xẻo nhưng chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, các ý kiến đều cho rằng, vận đen đến thì không thể tránh được và vận may cũng không thể tự dưng “biến mất” trong tháng "cô hồn".
Theo quan niệm Phật giáo, tháng 7 Âm lịch là tháng Vu Lan báo hiếu.
Theo quan niệm Phật giáo, tháng 7 Âm lịch là tháng Vu Lan báo hiếu nên thay vì phải ghi nhớ “hàng tá” những điều không được làm thì nên cúng dường gia tiên, tiền tổ chu đáo và sống đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, những người xung quanh.
Theo Gia đình và Xã hội