THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Vì sao phụ nữ ít giành được phiếu bầu cử?

Chưa đạt được mục tiêu phụ nữ tham chính

Theo thống kê, tỷ lệ nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là 8,6%; nữ Ủy viên Bộ Chính trị có hai người, chiếm 14,2%; một Bí thư Trung ương Đảng, chiếm 10%. Ở địa phương, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2011- 2015 cấp tỉnh là 11,3%; tỷ lệ nữ tham gia ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở cả ba cấp đều thấp, khoảng 10% hoặc dưới 10%.

Tại các cơ quan dân cử, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chỉ đạt 24,4%. Cấp huyện có 8/53 tỉnh, thành phố (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện) có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện từ 30% trở lên; 37/53 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện từ 20-30%. Trong các cơ quan hành pháp, chức danh Bộ trưởng có 2/22 người (chiếm 9,1%), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có 1/8 người. 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ Chủ tịch UBND đạt 4,3%, Phó Chủ tịch đạt 12,7%, Trưởng ban ngành, mặt trận, đoàn thể đạt 19,3%...

Do định kiến giới nên tỷ lệ phụ nữ  tham chính vẫn còn thấp.  (Ảnh minh họa). 

Như vậy, tỷ lệ nữ ủy viên ở cấp TƯ và tỉnh, thành qua 3 nhiệm kỳ không đạt 9% (ở cấp TƯ), 12% (cấp tỉnh, thành), không đạt chỉ tiêu đề ra là 15% ở mỗi cấp. Ở Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu giảm từ 27,3% (khóa XI) xuống còn 25,76% (ở khóa XII) và xuống còn 24,4% (khóa XIII). Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ba cấp chỉ tăng khoảng 2 - 3% mỗi nhiệm kỳ, không đạt chỉ tiêu đề ra là 30% ở mỗi cấp. Duy nhất chỉ có tỷ lệ nữ giới ở vị trí lãnh đạo cấp huyện và xã được cải thiện, trong khi con số nữ giới ở các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh và Trung ương không có gì thay đổi, thậm chí còn giảm đi.

Tại sao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo vẫn thấp?

Báo cáo “Lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị - Niềm tin và sự lựa chọn của công chúng” của Oxfam được thực hiện tại 3 tỉnh: Thái Nguyên, Bình Định, Vĩnh Long cho thấy, 97,2% nữ giới và 91,4% nam giới được phỏng vấn (trong đó có 98,7% công chức nữ và 95,6% công chức nam) cho biết, họ có niềm tin là nữ giới có thể làm lãnh đạo giỏi; 4,7% nam giới và 1,9% nữ nói họ không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của nữ giới; 3% nam và 0,9% nữ không có ý kiến về vấn đề này.

Theo báo cáo của Oxfam, bên cạnh các tiêu chí về năng lực chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, có kỹ năng xây dựng các mối quan hệ và kỹ năng xử lý công việc để trở thành một người “giỏi việc nước” như nam giới lãnh đạo, công chúng cho rằng nữ giới làm lãnh đạo còn phải “đảm việc nhà”. Cho dù là lãnh đạo nữ thì trước tiên cũng cần phải đạt được những chuẩn mực truyền thống dành riêng cho nữ giới. Đó là đảm bảo “tứ đức”, khả năng quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái, chăm lo cho chồng... “Đương nhiên, nếu vợ tôi trưởng thành được thì tôi vẫn ủng hộ. Nhưng tôi yêu cầu công việc gia đình vẫn phải OK. Mặc dù tôi sẵn sàng giúp đỡ, nhưng tôi vẫn còn phong kiến và tôi vẫn suy nghĩ rằng cái việc đấy (việc nhà) là việc chủ lực của  phụ nữ...”, một lãnh đạo nam của tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.

Định kiến giới đối với nữ giới làm lãnh đạo ảnh hưởng tới hành vi lựa chọn của công chúng. Hầu hết người được phỏng vấn (96,8%) có niềm tin là nữ giới có thể đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng lựa chọn ứng cử viên nữ vào các vị trí lãnh đạo nếu có ứng cử viên nam cũng có khả năng tương đương, không ít người được hỏi lại cho rằng, nữ giới làm lãnh đạo chỉ là gánh thêm trách nhiệm, bởi vai trò chính của họ là lo cho gia đình, đây là những rào cản cho họ trong việc thực hiện vai trò phụ là tham gia làm lãnh đạo trong hệ thống chính trị. “Không bầu cho phụ nữ vì phụ nữ bận gia đình, con cái nên không có thời gian dành cho công việc. Phụ nữ vất vả gấp nhiều lần nếu được làm lãnh đạo, vì phải hoàn thành cả công việc chung và công việc gia đình” – một chị  ở xã Mỹ Hòa cho biết.

Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra các phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”; Đề án tuyên truyền “Bốn phẩm chất: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”...do những cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích của nữ giới tổ chức, có thể tạo nên những tiêu chuẩn mới gắn với nữ giới, qua đó nhấn mạnh đến vai trò của họ trong gia đình. “Chúng em ở đây không ai có thể đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn này được (giỏi việc nước, đảm việc nhà) ... Có thể những chị có bằng tiến sĩ mới làm được tất cả những điều này” - một nữ lãnh đạo xã ở Vĩnh Long chia sẻ.      

Nói về lý do tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của nữ giới, hơn một nửa số người được hỏi tin rằng nữ lãnh đạo điều hành công việc giỏi; 1/3 số người được hỏi cho biết nữ lãnh đạo có trách nhiệm, nhiệt tình, biết lo lắng cho công việc. Cứ 4 người được hỏi thì 1 người cho rằng lãnh đạo nữ gần gũi với công chúng và cấp dưới; 1/5 số người được hỏi đánh giá cao sự khéo léo trong khả năng giao tiếp của nữ lãnh đạo; gần 20% số người được hỏi cho rằng lãnh đạo nữ ít tiêu cực, không rượu chè.

Công chúng cho rằng, nữ giới làm lãnh đạo đem lại những thay đổi tích cực cho cơ quan và cộng đồng như tiết kiệm chi phí do quản lý chi tiêu tốt, minh bạch và có tầm nhìn trong công tác cán bộ, quan tâm đến cán bộ là nữ giới. Họ có những kì vọng tương tự về năng lực và phẩm chất của một người lãnh đạo, bất kể lãnh đạo đó là nam hay nữ. Đó là những khả năng về chuyên môn, trách nhiệm, công bằng, trong sạch…

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh