THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:53

Trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm viêc

Hội thảo có mục đích tăng cường nhận thức và vận động sự ủng hộ của các lãnh đạo doanh nghiệp đối với Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ – sáng kiến chung giữa UN Women và Tổ chức Hiệp ước Toàn cầu Liên Hiệp Quốc (UN Global Compact).

Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ bao gồm 07 nguyên tắc mà các doanh nghiệp có thể thực hiện nhằm trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Thông qua hướng dẫn áp dụng cụ thể đi kèm mỗi Nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện để phụ nữ có thể tham gia các hoạt động kinh tế thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế.

Với sự tham dự của hơn 40 giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO), Hội thảo đã đưa ra một cái nhìn toàn diện về Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt nhấn mạnh những lợi ích của các Nguyên tắc này theo góc nhìn kinh tế và xã hội. Hội thảo cũng đã tạo điều kiện để các đại biểu chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về việc làm thế nào để áp dụng Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ hiệu quả tại doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, 40 giám đốc điều hành đã ký Tuyên bố Ủng hộ Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ, qua đó chứng minh cam kết của lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đối với  thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đồng thời khuyến khích lãnh đạo các doanh nghiệp khác tại Việt Nam hành động tương tự.

Khởi đầu với chỉ 39 chữ ký cam kết ủng hộ của các CEO vào tháng 06/2010, cho đến nay, Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ đã nhận được 1.056 chữ ký ủng hộ của các CEO trên toàn thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề trao quyền cho phụ nữ và lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị. Các công ty ủng hộ Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ đến từ 67 quốc gia và hoạt động trong 40 lĩnh vực khác nhau như tài chính, xây dựng, viễn thông, thực phẩm, đồ uống và dược phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 24 công ty tại Việt Nam tuyên bố ủng hộ Các Nguyên tắc này.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Tổng Thư ký VBCSD nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không nên coi việc trao quyền cho phụ nữ là nghĩa vụ đơn thuần. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện tốt việc trao quyền cho phụ nữ được hưởng lợi ích rõ rệt thông qua cải thiện năng suất và tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam khẳng định: “Một nửa dân số thế giới là phụ nữ, do đó những công ty không khai thác hết năng lực của phụ nữ sẽ lãng phí một nửa nguồn nhân lực sẵn có. Tận dụng đầy đủ tiềm năng tham gia kinh tế của phụ nữ không chỉ là yêu cầu bắt buộc về mặt đạo đức mà còn rất tốt về mặt kinh tế”.   

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), VCCI chia sẻ “Đầu tư cho phụ nữ cũng như trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp không chỉ là việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, về trách nhiệm xã hội mà chính là sự đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh và cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay và yêu cầu về các chuẩn mực quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn lao động".

Tiếp sau hội thảo, các doanh nghiệp sẽ tham gia khoá tập huấn hướng dẫn lồng ghép các Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ vào chiến lược và chính sách của doanh nghiệp.

N.Síu/Lao động Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh