Vì sao nhiều nghệ sỹ nổi tiếng “trượt” danh hiệu NSND?
- Văn hóa - Giải trí
- 17:20 - 26/06/2015
“Trượt” NSND vì hồ sơ chưa đủ… đẹp
Để được xét tặng NSND, Hội đồng xét duyệt sẽ căn cứ vào 3 tiêu chí: nghệ sỹ thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; liên tục 5 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến ngay trước năm xét tặng; có ít nhất 3 giải thưởng (giải Vàng) từ sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT, trong đó có một giải thưởng đoạt trong 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu NSND.
“Táo giao thông” - danh hài Chí Trung vẫn chưa thể nhận danh hiệu NSND
Bên cạnh đó, những tiêu chí khác như: được khán giả mến mộ, được bạn nghề tôn trọng, trung thành với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng là những điểm cộng để nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSND. Căn cứ vào các tiêu chí này, NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ dù nổi tiếng và có tới 30 năm gắn bó cống hiến cho sân khấu kịch, nhưng vì chưa đủ số lượng huy chương hội diễn như quy định nên mới bị “trượt” NSND.
Trong khi đó, nhiều nghệ sỹ khác, dù tên tuổi không nổi trội như NSƯT Chí Trung, chủ yếu được biết đến qua các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu sẽ được phong tặng NSND đợt này, bởi đơn giản chỉ vì có… hồ sơ “đẹp”. Điều này khiến NSƯT Chí Trung không khỏi băn khoăn: “Liệu có phải tiêu chí xét danh hiệu NSND đang khá mù mờ, rắc rối và chưa công tâm? Bởi thực tế có nhiều nghệ sỹ được phong tặng mà công chúng không biết họ là ai”. Thậm chí, vị “Táo Giao thông” của “Gặp nhau cuối năm” còn thẳng thắn nhận xét cơ cấu xét tặng danh hiệu NSND hiện nay đang được tiến hành theo lối “ban tặng cho ai đó, chứ không phải được xét tặng bằng năng lực, tài năng, sự ghi nhận cống hiến thật sự hết mình của người nghệ sỹ”.
Đồng tình, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - NSƯT Thanh Ngoan bày tỏ: “Các tiêu chí đưa ra là hoàn toàn đúng nhưng khá phức tạp nên khi Hội đồng xét đến tiêu chí nào mà mình không có thì trượt là đương nhiên. Mỗi lần xét tặng thường rất ồn ào vì người này được, còn người kia thì không. Nhưng tôi cho rằng, sự ghi nhận của công chúng trước sự cống hiến của người nghệ sỹ mới thật sự quan trọng”.
Danh hiệu nằm trong lòng khán giả
NSND Lê Khanh đưa ra nhận xét khá sâu sắc khi cho rằng việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ của Việt Nam đang thực hiện theo mô hình của Liên bang Nga, chỉ có điều ở nước bạn danh hiệu này được gọi là “Nghệ sỹ Công huân”. Tuy nhiên sự khác nhau thể hiện ở chỗ, danh hiệu “Nghệ sỹ Công huân” được phong tặng cho người nghệ sỹ với ý nghĩa ghi nhận những cống hiến và hiệu quả nghệ thuật có tác động xã hội sâu rộng. Còn ở Việt Nam, việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đang bị lẫn lộn, kiểu như cộng dồn thành tích. Vì thế, mới có chuyện, không ít nghệ sỹ được phong tặng NSND nhưng khán giả lại không biết tới.
Nói không buồn thì có vẻ như dối lòng, nhưng tâm trạng này chỉ thoáng qua đối với các nghệ sỹ có tài lại giàu nhiệt huyết. Á hậu Trịnh Kim Chi chia sẻ, chị cũng hơi thất vọng khi đón nhận thông tin bị trượt danh hiệu NSƯT: “Có danh hiệu thì vui mà không có cũng chẳng sao, tôi đã cống hiến hết mình với nghệ thuật nhưng không được ghi nhận thì cũng đành chịu”. Bình tĩnh hơn, NSƯT Minh Hằng chia sẻ, dù trượt NSND nhưng với chị thì được hay không cũng không còn quan trọng bởi: “Danh hiệu của người nghệ sỹ nằm trong lòng khán giả”. NSƯT Minh Hằng quả quyết: “Tôi sẽ cố gắng lao động nghệ thuật nghiêm túc để luôn là người nghệ sỹ của nhân dân”.
NSƯT Minh Hằng sẽ tiếp tục cống hiến để trở thành người nghệ sỹ của nhân dân
Các tiêu chí cứng nhắc tồn tại bấy lâu nay trong việc xét tặng danh hiệu đã khiến nhiều nghệ sỹ có công lao với nền nghệ thuật nước nhà chưa kịp được ghi nhận và tôn vinh. Nhiều người trong số đó đến lúc qua đời mới được truy tặng danh hiệu như: nghệ sỹ Văn Hiệp, nghệ sỹ Nguyễn Anh Dũng. Xét cho cùng, người nghệ sỹ đến với cái nghiệp cũng không vì danh hiệu mà điều cốt yếu họ luôn được khán giả ghi nhận. Chính vì vậy, NSƯT Thanh Ngoan mới chia sẻ: “Đợt này không được phong tặng hoặc mãi mãi không được phong tặng NSND, điều đó chỉ làm tôi chạnh lòng một chút nhưng không thể làm mất đi sự nhiệt huyết của tôi với nghề”.