Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng lên đến 40%/năm?
- Huyệt vị
- 17:50 - 24/05/2018
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đánh giá, tín dụng tiêu dùng mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam nhưng đã có những mốc tăng trưởng ấn tượng, là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, hạn chế tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường. Tuy nhiên cần có điều chỉnh để tránh các rủi ro.
Khách hàng cần đọc kỹ những quy định, thời hạn trả, lãi suất cho vay tiêu dùng.
“Hiện các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao quá, trên 30, 40%/năm, rồi thu nợ kiểu xã hội đen. Bên cạnh đó cần công khai minh bạch lãi suất, hợp đồng rõ ràng. Với người đi vay, lời khuyên phải tìm hiểu kỹ những quy định, thời hạn trả, lãi suất tránh rơi vào bẫy”, ông Phong nói.
Lý giải về lãi suất cao, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Huy động nguồn vốn FE Credit cho rằng: Lãi suất vay của khách hàng gồm chi phí vốn của công ty tài chính, chi phí vận hành công ty tài chính, chi phí quản lý rủi ro.
Về chi phí vốn, do không được vay của cá nhân, phải vay của doanh nghiệp, tổ chức khác, ngân hàng… nên lãi suất phải trả cao hơn nhiều giá mà ngân hàng đang trả lãi suất cho người gửi tiền.
Chi phí vận hành cao do các khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ lẻ, thời hạn ngắn. Đối tượng vay thường là người thu nhập thấp, ý thức kỷ luật tài chính thấp nên rủi ro cao hơn. Đó là những lý do khiến tổ chức tín dụng thường tính lãi suất cao.
“Thực tế nếu khách hàng dùng tín dụng tiêu dùng của ngân hàng lớn như thẻ cao cấp thì lãi suất cho vay cũng đã 35%. Còn chúng tôi cho vay tiêu dùng trung bình trên dưới 40%. Nếu so sánh với lãi suất cho vay thế chấp của ngân hàng thì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn rất nhiều nhưng rõ ràng, nếu so sánh lãi suất cho vay tín chấp thì không cao hơn bao nhiêu”, ông Phúc so sánh.