THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:44

Quả đắng vay tiêu dùng lãi suất…0%

Bẫy lãi suất 0%

Tại hầu hết các trung tâm mua sắm, hay các của hàng kinh doanh điện thoại, máy tính, điện tử, điện lạnh, xe máy… khách hàng có thể dễ dàng gặp những tấm biển quảng cáo “Lãi suất 0%, vay trả trước 0 đồng”. Đây là các chương trình cho vay do công ty tài chính liên kết với các đơn vị bán hàng nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Điểm chung của các khoản vay này là đều được quảng cáo thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo, thời gian vay linh hoạt, giải ngân nhanh.

Tuy nhiên, sau những điều kiện cho vay dễ dàng như vậy, không ít khách hàng đã lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Anh Trịnh Xuân Khánh ở xã Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) kể, tháng 4/2016, anh có mua trả góp một chiếc điện thoại trị giá 18 triệu đồng, anh đã trả trước 50% tương đương 9 triệu đồng, số còn lại trả trong 12 tháng với lãi suất 2%/tháng. Trong sáu tháng đầu, lãi suất 0%, đã trả được 4,5 triệu đồng. Nhưng từ tháng thứ bảy trở đi phải trả lãi 2%/tháng trên đúng 9 triệu đồng trong khi thực nợ chỉ còn có 4,5 triệu đồng. Như vậy tổng số lãi phải trả cho 4,5 triệu đồng trong 6 tháng là 1.080.000 đồng.

Tương tự do không được tư vấn kỹ các điều khoản hợp đồng nên anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp “quả đắng” khi vay tiêu dùng. Sau khi ký một khoản vay 80 triệu đồng với một ngân hàng, anh Tuấn phải trả lãi gần 10 triệu đồng/năm. Số tiền anh phải trả cả gốc và lãi cào bằng mỗi tháng là hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh Tuấn đem tiền đến thanh toán hết trước thời hạn thì  mới vỡ lẽ sẽ bị phạt trả trước hạn với số tiền lên tới 20 triệu đồng.

Đối tượng vay tiêu dùng hầu hết là người thu nhập thấp

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên tắc đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhất là trong hoạt động vay tiêu dùng rủi ro rất lớn nên lãi suất không thể là 0% được. “Chiêu bài” lãi suất 0%/năm cho vay tiêu dùng chỉ áp dụng trong khoảng thời gian ngắn (dưới 6 tháng), còn sau đó, biên độ lãi suất cộng thêm là không nhỏ, chưa kể khách hàng sẽ phải chịu khoản phạt nếu trả chậm hàng tháng hay trả trước kỳ hạn thỏa thuận.

Đáng nói là hầu hết những người phải chịu mức lãi suất trên trời này là người nghèo, sinh viên... khó có cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng khác. Thống kê của Tổ chức Tài chính  cho thấy, 50% khách hàng là công nhân, lao động phổ thông, với các khoản vay phổ biến từ 10 - 60 triệu đồng, thời hạn trả là từ 1 - 3 năm; tỷ lệ những người làm kinh doanh chỉ chiếm 11%, dân văn phòng chỉ chiếm 8%, kỹ thuật viên 6%, nông dân khoảng 6%, còn lại là những người làm việc trong các ngành nghề khác... Các CTTC lớn khác như, HD Saison... cũng có tình hình tương tự.

Hồ Tùng Bách - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng, do cần tiền, lãi suất không quá cao và thủ tục nhanh gọn nên khi được nhân viên tổ chức cho vay tư vấn nhiều người tiêu dùng đã ký hợp đồng vay ngay mà không nghiên cứu kỹ hợp đồng. Đến khi nhận hợp đồng vay tiền chính thức, người vay mới giật mình vì lãi suất vay quá cao lên  tới 60-70%/năm, thậm chí là 84%/năm, không phải như lời chào mời của nhân viên tổ chức cho vay. Đặc biệt, khi kê khai thông tin, công ty tài chính yêu cầu người đi vay cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ công ty của người thân với lý do “để xác thực danh tính của người đi vay”. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6h sáng tới 9-10h tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức người tiêu dùng.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh