THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:23

Vì sao cảnh sát bụng to sẽ không được làm nhiệm vụ ngoài đường?

Bộ Công an xác định cảnh sát giao thông là "mặt tiền của mặt tiền", thường tiếp xúc với dân ở ngoài đường nên cần xây dựng hình ảnh mạnh khỏe, chuyên nghiệp.

Ngày 30/9, đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, hiện nay tiêu chí lựa chọn cảnh sát giao thông thực hiện theo yêu cầu chung của lực lượng công an nhân dân về chiều cao, cân nặng, thị lực, thể hình, thể trạng..., không có quy định riêng cho cảnh sát giao thông.

Trong khi đó, Bộ Công an xác định cảnh sát giao thông là lực lượng "mặt tiền của mặt tiền", thường xuyên tiếp xúc với người dân ở ngoài đường, vì vậy rất cần thiết xây dựng quy chuẩn để áp dụng riêng. "Quy chuẩn này sẽ không dừng lại ở sức khỏe, thể hình, thể trạng, bụng béo hay gầy mà bao gồm cả tác phong, ứng xử, làm sao thể hiện sự chuyên nghiệp, khỏe mạnh, tạo sự thân thiện, gần gũi và thẩm mỹ trong mắt người dân và bạn bè quốc tế", đại tá Bình nói.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, hiện vẫn còn cán bộ bụng to làm nhiệm vụ ngoài đường. Các nhiệm vụ bình thường như xử phạt, họ vẫn đáp ứng được. Nhưng khi có tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải quyết, hỗ trợ nạn nhân tai nạn, cảnh sát béo quá sẽ ục ịch, nặng nề, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vì sao cảnh sát bụng to sẽ không được làm nhiệm vụ ngoài đường? - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế làm nhiệm vụ trên đèo Hải Vân hồi tháng 7. Ảnh: Võ Thạnh

Thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông sẽ tham vấn Bộ Y tế, các chuyên gia về thể thao, thể hình để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, mang tính định lượng về sức khỏe để tuyển chọn cảnh sát giao thông ra đường làm nhiệm vụ. Ví dụ sẽ cụ thể hóa thế nào là sức khỏe tốt, thể hình đảm bảo tiêu chuẩn, số đo, cân nặng các vòng bao nhiêu cho phù hợp...

Đại tá Bình đánh giá việc xây dựng tiêu chí về sức khỏe chỉ là nội dung nhỏ, quan trọng là việc đổi mới toàn diện, đặc biệt là văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống của cảnh sát giao thông, làm sao cho mềm mại, linh hoạt mà vẫn đảm bảo theo đúng thiết chế pháp luật, được người dân ủng hộ, tuân thủ.

Nói về ý tưởng trên, ngày 30/9, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho rằng, nếu xây dựng được một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc sẽ giúp thay đổi hình ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường hiện nay. Từ năm 2013, Phòng là đơn vị đầu tiên trên cả nước đưa cảnh sát giao thông bụng béo về làm nhiệm vụ văn phòng để xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông thủ đô thân thiện, gần gũi và đẹp trong mắt người dân.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cũng có rất ít cán bộ, chiến sĩ bụng to được huy động làm việc trực tiếp ngoài đường. "Chỉ trường hợp cấp bách, cần huy động thêm cảnh sát để giải quyết ùn tắc giao thông, trong các hội nghị lớn mới phải huy động cán bộ, chiến sĩ có thể hình béo. Còn lại phần lớn những cán bộ, chiến sĩ ở Hà Nội đã được tuyển chọn kỹ và đảm bảo tiêu chuẩn", vị này nói.

Hiện nay, để tuyển chọn đầu vào, Bộ Công quy định vòng ngực, cân nặng, thể hình, thể trạng cân đối giữa chiều cao và cân nặng, không dị hình, dị dạng, không mắc bệnh kinh niên, mạn tính; không sử dụng ma túy và các chất gây nghiện; nam từ 1m62, nữ từ 1m58 trở lên. Với các trường hợp quá béo, hoặc quá gầy sẽ tính đến chỉ số BMI, chỉ số khối cơ thể dựa trên cân nặng và chiều cao.

Ngoài ra, theo Thông tư 24/2013 về tiêu chuẩn rèn luyện thể lực hàng năm trong công an nhân dân áp dụng với các lực lượng, trong đó có cảnh sát giao thông, nam sẽ phải kiểm tra đủ 4 môn gồm chạy 100 m; chạy 1.500 m; tại chỗ bật xa; nằm sấp chống đẩy hoặc co tay xà đơn (được chọn một trong hai nội dung). Nữ phải chạy 100 m; chạy 800 m; tại chỗ bật xa.

Bộ Công an cũng yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ tích cực, tự giác, tự mình luyện tập thể dục thể thao, mỗi ngày dành ra ít nhất 30 phút để tập luyện và biết chơi ít nhất một môn thể thao.

Theo VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh